“Những lá thư khát vọng”Nghị lực tân sinh viên qua 11 năm “Tiếp sức đến trường”
Đó là Nguyễn Văn Tuấn, trú tại xóm 13, xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương (Nghệ An), đậu Trường ĐH Thủy lợi với 17 điểm.
Phóng to |
Tân sinh viên Nguyễn Văn Tuấn với người cha nghèo khó |
Phóng to |
Tân sinh viên Nguyễn Văn Tuấn |
Nhà Tuấn nằm lưng chừng đồi sỏi đỏ nối với cánh đồng dài. Gian nhà cấp bốn chỉ rộng 12m2 ở giữa dãy nhà tập thể cũ nát của Xí nghiệp gạch ngói Rào Gang. Trần nhà hẹp và thấp nhưng căng đầy bạt và nilông.
Nhà chỉ có hai cha con. Gương mặt hai cha con giống nhau như đúc, giống cả nét buồn rười rượi. Cha Tuấn là ông Nguyễn Văn Bình (61 tuổi) nói: "Nhà vắng vì vợ đang đi nấu ăn cho Công ty bảo dưỡng đường Hồ Chí Minh ở xã Thanh Thủy mỗi tháng về một lần. Chị đầu của Tuấn lấy chồng ở Thái Bình. Chị gái thứ hai đang học năm hai Trường ĐH Ngoại thương".
Biết nhà ông Bình có khách, ông Nguyễn Trọng Tuân (75 tuổi) là người hàng xóm bế cháu sang chơi. Ngồi nghe tôi hỏi chuyện cha con ông Bình, câu đầu tiên ông Tuân nói: "Tội lắm. Thương thằng Tuấn lắm. Cả xóm có hơn 100 hộ thì ba đứa đậu đại học nhưng hai đứa đã nhập trường, còn lại thằng Tuấn phải ở nhà, xem như "gục ngã" trước cổng trường vì gia đình khánh kiệt. Cả xóm ni ai cũng thương thằng Tuấn".
Ông Bình đi bộ đội năm 1972. Mười năm ròng ông tham gia hai chiến trường trong đó bảy năm chiến đấu ở chiến trường A (Trung Lào), ba năm ở mặt trận biên giới phía Bắc. Năm 1982 ông về với vết thương trên chân phải nhưng do giấy tờ mất hết nên không có chế độ gì.
Bà Văn Thị Đào, vợ ông, là công nhân Xí nghiệp gạch ngói Rào Gang vừa nghỉ hưu đã đi làm thêm để mỗi tháng kiếm thêm 1,5 triệu đồng. Ông Bình tính: "Tiền làm thêm và lương hưu của vợ được 4 triệu. Bốn triệu nuôi bốn người (hai vợ chồng, Tuấn và chị gái đang học đại học), mỗi người 1 triệu, ngoài ra không có khoản thu nhập gì thêm vì ruộng không có, vườn cũng không.
Là đàn ông mà tôi phải trông vào lương vợ, hèn lắm nhưng không có cách nào xoay cho ra việc giúp vợ. Cũng còn may là bên cơ quan vợ còn cho gian nhà này ở chứ chồng phục viên, vợ về hưu không biết tá túc ở đâu. Hôm con nhận giấy báo nhập trường đến giờ vợ chồng nửa mừng nửa buồn. Mừng vì hai vợ chồng chỉ có đứa con trai duy nhất đã đậu đại học. Buồn vì không tìm được cách chi cho con nhập trường. Tình cảnh éo le đến thế nên về nhà là vợ khóc, con thì sụt mất mấy ký".
Ông Bình kể tiếp: "Năm 2010 tôi bị đột quỵ phải cấp cứu ở bệnh viện tỉnh. Mười ngày sau đó tôi phải chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai để phẫu thuật tim. Lúc đó Tuấn đang học lớp 10 nhưng phải nghỉ học để đưa cha đi phẫu thuật. Hai cha con vừa đi thì ở nhà vợ đi vay tiền làng xóm. Chi phí ca mổ hết 175 triệu đồng. Ba năm xoay trở nợ nần giờ còn nợ bà con gần 100 triệu đồng".
Nghe cha và ông Tuân kể chuyện, Tuấn ngồi cứ mân mê giấy báo trúng tuyển vào Trường ĐH Thủy lợi. Tuấn nói: "Vừa rồi xem mạng và tivi thấy báo Tuổi Trẻ tiếp sức đến trường cho 161 tân sinh viên bốn tỉnh, nghĩ mình không may nên không được gọi tên.
Bố mẹ và bà con láng giềng thương lắm nhưng em chưa có cách gì biến tờ giấy báo này thành ước mơ trở thành kỹ sư cầu đường. Giờ các bạn đi cả rồi, trường em cũng đã nhập học từ ngày 3-9. Em tính nếu không được làm sinh viên thì đi làm thuê một năm rồi tính tiếp".
Nói đoạn, Tuấn xếp xấp giấy khen trong 12 năm học tập và chồng sách vở vào chiếc rương tôn. "Chiếc rương này mẹ mua hôm em nhận giấy báo, tưởng là hành trang lên đường, giờ thì tạm nằm yên cái đã" - Tuấn bùi ngùi chia sẻ.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Ban Công tác xã hội báo Tuổi Trẻ đã cập nhật hồ sơ của bạn Nguyễn Văn Tuấn. Đại diện Ban Công tác xã hội cho biết đang tìm kiếm nguồn tài trợ để có thể hỗ trợ Tuấn sớm được đến trường. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận