Tranh cãi đề thi văn: Ai dám khuyến khích học trò sống như Nam?Một đề thi nhân văn, sao lại chê?Đề thi văn và chuyện hi sinh của Nam: cần trang bị kỹ năng sống
Học kỹ năng sơ cấp cứu người bị tai nạn khi tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ Sao Bắc Đẩu (thuộc Hội Liên hiệp thanh niên TP.HCM) - Ảnh: Q.Linh |
* Ai dám dạy con cứ xả thân đi, miễn các bạn còn sống?
Nói theo kiểu Hai Lúa (một ý kiến trong bài “Nếu làm bài toán trước khi cứu người...”, Tuổi Trẻ ngày 5-6-2013 - PV) thì ai nói chả được. Liệu Hai Lúa có dám dạy con hãy cứ xả thân đi, miễn các bạn còn sống không? Nếu cả gan nói dám thì chỉ là người gàn và bị vợ con gọi là điên. Nên nhìn nhận một cách thấu đáo rằng cháu Nam lúc đầu dám liều mình cứu bạn và sau nữa là không liệu sức mình, quên mất rằng sau mình là cha mẹ, các em, là tương lai và bao đau buồn đến với gia đình... Nếu em Nam hiểu hết điều ấy thì chắc không có đề thi tốt nghiệp môn văn đau xót như hôm nay...
Ngọc Bảo (thcsphovinh2012@...)
* Cứu một người mà một người khác chết thì cũng như không!
Đề văn đúng là rất hay và đầy tính nhân văn. Tấm gương của em Nam cũng rất đáng được khen ngợi và nhân rộng trong cộng đồng. Tuy nhiên, ý kiến phản biện không phải không có lý. Thử hỏi có bao nhiêu người trên thế giới có thể làm được như Nam? Khi cứu người khác mà bản thân mình có thể gặp nguy hiểm, như thương tật hay thậm chí là chết, có bao nhiêu người trong chúng ta không đắn đo, lưỡng lự? Vì mình sống không chỉ cho mình mà còn cho ông bà, cha mẹ, bạn bè, thầy cô nữa. Vậy nên muốn nhân rộng hành động nghĩa hiệp của Nam thì bản thân người đi cứu phải cảm thấy an toàn trước đã. Vì cứu một người mà một người khác bị chết thì cũng như không.
Muốn người đi cứu cảm thấy an toàn thì người đó phải được huấn luyện trước những kỹ năng sơ cứu và ứng phó với các tình huống như gặp người chết đuối, bị điện giật... để khi gặp chuyện thì suy nghĩ và hành động thông minh, quyết đoán và nhanh nhạy hơn, để nâng cao khả năng cứu sống người bị nạn mà bản thân mình cũng được an toàn. Vậy làm sao để chúng ta được trang bị những kiến thức ấy? Từ nhà trường, bệnh viện, các tổ chức chăm sóc sức khỏe, tổ chức chữ thập đỏ... và ngay cả Nhà nước nên mở các khóa đào tạo bắt buộc nhưng miễn phí kỹ năng trên cho học sinh, cộng đồng. Một phần ngân sách giáo dục và chăm sóc sức khỏe nên dùng để chi tiêu cho các khóa đào tạo kỹ năng sơ cứu và ứng phó các tình huống khẩn cấp.
lythuyetday@...
* Đừng dạy thế hệ trẻ “hãy trở thành con thiêu thân”!
Theo tôi, xét về khía cạnh lòng thương người thì hành động cứu người của em Nam là tốt, nhưng phải biết lượng sức mình. Bởi vì cứu người mà cha mẹ, người thân phải đau buồn không nguôi thì liệu có nên ra tay? Nuôi con tháng ngày dài dằng dặc, chẳng bậc cha mẹ nào muốn con mình tối ngày ra đường hòa giải khi thấy giang hồ quậy phá, hoặc thấy trẻ nghịch ngợm mà người lớn nói hoài không nghe cứ nhào vô góp ý... Thật khó hiểu cho những ai khuyến khích con mình lao ra đường xe lửa cứu người. Người nào khuyên con mình như vậy hãy đăng báo để người khác chuẩn bị phong bì phúng điếu. Chỉ nên cứu người trong khả năng của chính mình, đừng vượt quá sức mình. Phải dạy cho thế hệ trẻ nhận thức, tỉnh táo, bình tĩnh và giải quyết vấn đề một cách hợp lý an toàn hơn là những lời khuyên “hãy trở thành con thiêu thân”!
hoanglam300@...
* Tôi không thể dạy con mình “đánh đu với tính mạng”
Theo tôi, để Nam trở thành một nhân vật trong đề thi vừa hay lại vừa chưa hay. Có thể khi ra đề, các thầy cô vốn chỉ yêu cầu học sinh thể hiện suy nghĩ, cảm xúc của các em trước câu chuyện của Nam và không còn yêu cầu nào khác. Nhưng nghĩ thấu đáo một chút, khi Nam đã trở thành hình tượng đẹp, hành động dũng cảm được nhân lên thành tấm gương, ai dám chắc sẽ không có bạn nào đó học tập và làm theo. Mà nếu có điều đó thật, cũng có những Nguyễn Văn Nam khác, gặp người đang chới với dưới nước và bản thân cũng chỉ biết bơi chút ít, thì sẽ còn bao nhiêu gia đình phải chịu nỗi đau mất con như thế.
Cũng như bao người khác, tôi cảm phục thái độ quả cảm, lòng thương người của Nam. Nhưng tôi cũng không thể dạy con mình “đánh đu với tính mạng” nếu con không đủ mạnh để chiến thắng những tai họa có thể ập đến bất ngờ. Nên tôi sẽ vẫn chọn giải pháp “an toàn cho bản thân” là trên hết, bởi đâu phải bất cứ điều gì trong cuộc sống mình cũng có thể lường trước được hết đâu.
Ai đó bảo tôi ích kỷ tôi cũng chịu. Ai đó nói tôi vô cảm, dửng dưng tôi cũng chấp nhận. Nhưng bản năng một người mẹ buộc tôi phải chọn cách ích kỷ ấy, miễn tôi có thể dạy con cách tự bảo vệ an toàn tính mạng cho chính con trước khi nghĩ đến làm điều gì đó cho cộng đồng, cho người khác. Tôi tin sẽ có nhiều bà mẹ đồng cảm với tôi điều này.
LAM LY (Q.1, TP.HCM)
Diễn đàn “Cứu người, dù hi sinh tính mạng?” LTS: Từ câu chuyện đề thi môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày 2-6-2013 và từ bài “Ai dám khuyến khích học trò sống như Nam” đăng trên Nhịp sống trẻ ngày 4-6, đến nay đã có trên 100 bài viết của bạn đọc gửi về tranh luận. Có ba luồng ý kiến: quên mình vì người khác là nghĩa cử cao đẹp; chỉ cứu khi đủ khả năng, không nguy hiểm đến tính mạng; ghi nhận nghĩa cử của Nam là cao đẹp nhưng không dám (không đồng ý) nếu con em mình làm như Nam. Mỗi ý kiến đều đưa ra lập luận rất thuyết phục của mình. Để rộng đường dư luận, Nhịp sống trẻ tiếp tục đăng ý kiến tranh luận về vấn đề này. Bài viết xin gửi về nhipsongtre@tuoitre.com.vn. tto@tuoitre.com.vn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận