15/01/2013 08:45 GMT+7

Hoạt động Đoàn phải hấp dẫn, bằng không truyền thông cũng bất lực

HỮU CÔNG - HẢI THI
HỮU CÔNG - HẢI THI

TTO - "Bản thân hoạt động Đoàn phải hấp dẫn, bằng không quyền lực của truyền thông cũng đành bất lực trong việc đưa tư tưởng, thông điệp, chất máu lửa của Đoàn đến thanh thiếu niên".

Anh Lâm Đình Thắng - phó bí thư Thành đoàn TP.HCM - nhận định như thế.

HxLiAq5F.jpgPhóng to
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân phát biểu - Ảnh: Thanh Đạm

Buổi tọa đàm diễn ra tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) chủ đề “Vai trò của truyền thông, báo chí, xuất bản của Đoàn trong xây dựng môi trường văn hóa cho giới trẻ” do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Nhà xuất bản Trẻ và báo Khăn Quàng Đỏ tổ chức.

YoQs40TI.jpgPhóng to
Nhà báo - nhà văn Đông Thức phát biểu tại buổi tọa đàm - Ảnh: Thanh Đạm
tAVhndTt.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Minh Nhựt - giám đốc Nhà xuất bản Trẻ - phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm - Ảnh: Thanh Đạm

Sau phần trình bày ba tham luận “Không nên trách giới trẻ khi để giới trẻ đứng trước quá nhiều giao lộ thiếu bảng chỉ đường”, “Góp phần xây dựng một lớp thanh niên sống đẹp giữa đời thường” và “Tình hình xuất bản sách về văn hóa" của Nhà xuất bản Trẻ, hàng trăm bạn trẻ là đoàn viên thanh niên bước vào trao đổi, thảo luận thẳng thắn tại buổi tọa đàm.

KpwIG2B6.jpgPhóng to
Những gương mặt trẻ dự buổi tọa đàm - Ảnh: Thanh Đạm

Ông Huỳnh Dũng Nhân - phó chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM - mở đầu bằng tham luận: “Không nên trách giới trẻ khi để giới trẻ đứng trước quá nhiều giao lộ thiếu bảng chỉ đường”.

Mạng xã hội thay đổi đời sống giới trẻ

Ông Huỳnh Dũng Nhân cho rằng truyền thông mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, đã làm thay đổi mạnh mẽ đời sống của giới trẻ với một đoạn hội thoại vui thầy-trò. Khi thầy hỏi đã làm xong bài tập chưa, trò trả lời: “Em đã làm xong và post lên Facebook và tag thầy vào chấm bài cho em nhé. Nếu thầy thấy đúng thì bấm like, sai thì comment, còn hay thì share cho cả lớp coi nhé”. Người thầy cũng dùng ngôn ngữ mạng đối lại: “Nhân tiện thầy sẽ post kết quả học tập của em lên, tag bố mẹ của em vào. Bố mẹ bấm like để ký tên và comment để ghi nhận xét của phụ huynh”.

Cả hội trường cười ồ.

Ông cho biết bản thân không ít lần băn khoăn khi hỏi các sinh viên báo chí có bao nhiêu em đọc báo giấy thì chỉ có một cánh tay giơ lên, còn hỏi bao nhiêu em đọc báo mạng thì hết cả lớp giơ tay. Không phủ nhận vai trò của truyền thông mạng, nhưng trước lượng thông tin ồ ạt của báo mạng khiến không ít người trẻ thiếu bản lĩnh trong việc lựa chọn thông tin nào cho mình.

Ông Huỳnh Dũng Nhân cũng nêu lên một thực trạng hiện nay báo chí, đặc biệt là báo mạng, tập trung quá nhiều vào thị hiếu người đọc, viết nhiều về những cái xấu, cái ác đã vô tình biến cái xấu, cái ác đó trở thành thần tượng của một bộ phận giới trẻ. Điển hình là trường hợp tội phạm trẻ Lê Văn Luyện.

Viện dẫn câu chuyện đang “hot” hiện nay là Gangnamstyle, ông Nhân cho ý kiến rằng giới trẻ đang bị lôi cuốn rất nhanh và rất mạnh vào trước các trào lưu văn hóa mới của thế giới. “Những đứa trẻ con cũng bắt đầu bắt chước Gangnam, quảng cáo bằng Gangnam, kinh doanh bằng Gangnam. Như con trai tôi đây đã bắt đầu năm học bằng điệu nhảy Gangnam hay mỗi sáng tôi vẫn gọi con dậy đi học bằng nhạc hiệu Gangnam”, ông Nhân chia sẻ.

Nhưng theo ông Nhân: “Để giúp được giới trẻ có sự lựa chọn đúng đắn trong việc tiếp nhận lựa chọn và hấp thu kiến thức và giá trị thẩm mỹ của báo chí, phim ảnh, sách báo thì vai trò của gia đình là quyết định. Nhà nước định hướng, các cơ quan chức năng góp phần bày biện thực đơn, các đoàn thể tham gia thẩm định, nhưng không ai khác chính là gia đình theo dõi và khuyên bảo sát sao để giúp giới trẻ quyết định chọn món cho mình. Chỉ có gia đình, với quyền lực của bậc cha mẹ và sự yêu thương đầy kỳ vọng mới giúp các em không đọc sách đến mu muội, không thần tượng ai đó đến phờ phạc, không bắt chước phim ảnh đến không biết mình là ai, và cũng không suy nhược đến nỗi bị cấp cứu vì nghiện game và chat…”.

“Mơ hồ trong xác định tiêu chí”

Đó là ý ông Nguyễn Minh Nhựt, giám đốc NXB Trẻ, nhấn mạnh trong tham luận trình bày tại buổi tọa đàm. Theo ông, mọi người đều thống nhất phải giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam, nhưng không có những tiêu chí cụ thể xác định đâu là bản sắc.

Qua tham luận, ông nhấn mạnh tính thiết yếu của việc thống nhất các tiêu chí xác định đâu là giá trị, đâu là bản sắc văn hóa dân tộc để thoát khỏi tình trạng loay hoay trong việc bảo tồn, phát huy.

Đề xuất kiến nghị tại buổi tọa đàm, ông cho rằng Nhà nước vẫn chưa có những chính sách hỗ trợ hiệu quả cho việc xuất bản các sách biên khảo văn hóa. Trên thực tế, việc biên khảo các đầu sách chuyên môn như Danh nhân văn hóa Việt Nam, Lịch sử Việt Nam, bộ sách của các nhà văn hóa có tài có tâm như Sơn Nam, Vương Hồng Sển, Toan Ánh… đòi hỏi nhiều công sức, thời gian cũng như tài lực, nhân lực nhưng vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ tương thích.

Ông nhấn mạnh: văn hóa là nền tảng, là mục tiêu, động lực phát triển của xã hội Việt Nam nên cần được sự quan tâm đầu tư hơn nữa của những cơ quan hữu quan cũng như sự chung tay của công chúng.

Bấy nhiêu nỗ lực vẫn chưa đủ

“Con người là gốc để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” là khẳng định của nhà báo Lưu Đình Triều trong tham luận trình bày tại tọa đàm. Với nội dung tập trung “Xây dựng hình ảnh người thanh niên mới”, trong 15 năm tham gia thực hiện Nghị quyết trung ương 5 (khóa VIII), báo Tuổi Trẻ đã tạo ra những “cú đấm nghề nghiệp” tạo ấn tượng với người đọc với các tuyến bài nhân vật về ngọn lửa tuổi trẻ Đặng Thùy Trâm, đóa hướng dương Lê Thanh Thúy, các cuộc vận động “Tuổi trẻ TP.HCM học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”…

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng bấy nhiêu nỗ lực vẫn chưa đủ để làm đậm hình ảnh người thanh niên mới có lý tưởng, khát vọng, biết sống đẹp… để làm gương và lan tỏa sức cộng hưởng mạnh mẽ trong giới trẻ. Qua đó, đại diện báo Tuổi Trẻ, ông khẳng định tờ báo sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng tay nghề, xây dựng cái tâm, sự đồng cảm với các tấm gương tiên tiến để đáp ứng yêu cầu tạo cầu nối dẫn truyền hình ảnh những tấm gương sống đẹp tới xã hội.

"Càng học cao càng đọc ít'?

Đại diện thế hệ đi trước, nhà văn, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển nêu lên thực trạng về văn hóa đọc trong giới trẻ: “Càng học cao thì càng đọc ít: cấp II đọc nhiều hơn cấp III, cấp III đọc nhiều hơn cao đẳng, đại học. Các em đã không tìm đến kênh giải trí là sách mà thay vào đó là các phương tiện giải trí tốn ít tiền hoặc không tốn tiền như tivi, mạng xã hội. Mà nếu có đọc sách thì chỉ là đọc để giải trí, chứ không có sự ghi chú, tóm tắt hay lưu giữ lại những bài học cho bản thân”. Qua đó, nhà văn này có lời khuyên giới trẻ hãy khôn ngoan chọn cho mình những nhà xuất bản uy tín, những tác gia lớn và những tác phẩm đã được thẩm định để tiếp cận.

Đồng tình với nhận định của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, ông Vũ Đức Sao Biển cho rằng đôi khi nỗ lực của sách, báo để tuyên truyền về những cái tốt, tấm gương trong xã hội lại khó thẩm thấu, khó thuyết phục người đọc bằng những cái xấu, cái ác.

Với câu chuyện thầy - trò thời đại Facebook của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, bạn Nguyễn Minh Thành - phó bí thư Đoàn phường 8 (Q.Phú Nhuận) - cho rằng "Người thầy đó theo tôi là người thầy giỏi, đã hòa nhập với học trò".

Cuộc hòa nhập này theo bạn là cần thiết trong thời đại mà mạng xã hội Facebook chi phối không ít cuộc sống của người trẻ: "Chỉ có hòa nhập và thấu hiểu cuộc sống học sinh, người thầy mới có thể có phương pháp giáo dục phù hợp với học trò”.

stYO7Za9.jpgPhóng to
Một bạn trẻ phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm - Ảnh: Thanh Đạm
VFy8msOd.jpgPhóng to
Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương tại buổi tọa đàm - Ảnh: Thanh Đạm
515rulI9.jpgPhóng to
Nhà báo Vũ Đức Sao Biển phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: Thanh Đạm
4hwcUgap.jpgPhóng to
Các bạn trẻ tham gia tọa đàm với nhiều tâm tư - Ảnh: Thanh Đạm

Ghế đá, sân trường... giờ là nơi uống trà sữa, lướt Facebook

Điều chỉnh, thắt chặt quy trình kiểm duyệt văn hóa phẩm nhằm đảm bảo “đầu ra sạch” cho thị trường văn hóa là ý kiến đóng góp của nhạc sĩ Hoài An khi phát biểu tại tọa đàm.

Theo anh, hiện nay do tiêu chí kiểm duyệt được xác định chủ yếu dựa vào cảm tính của người kiểm duyệt nên chưa thật sự sâu sát và hiệu quả, để lọt cửa nhiều sản phẩm văn hóa kém chất lượng, ảnh hưởng xấu đến việc định hướng mỹ cảm văn hóa - nghệ thuật cho giới trẻ. Thêm vào đó, nhạc sĩ Hoài An cho rằng đã đến lúc các nhà xuất bản tính toán đến việc bổ sung hình thức xuất bản sách ebook bên cạnh hình thức sách in truyền thống để bắt kịp thị hiếu, tác phong hiện đại của thế hệ trẻ.

Ngoài ra, người làm công tác văn hóa nhất thiết phải thay đổi tư duy theo kịp dòng chảy văn hóa mới là yêu cầu khách quan được đặt ra. Anh dẫn chứng cũng hình ảnh ghế đá, sân trường nhưng nếu cách đây chưa tới chục năm, đó là nơi học sinh ép hoa phượng, trao đổi lưu bút thì nay là nơi các em tụ họp uống trà sữa, lướt Facebook …

“Nếu tư duy của nhà văn hóa không bắt kịp dòng chảy đó, những sản phẩm văn hóa sẽ trở nên xa lạ với đời sống tinh thần của các em”, anh nhấn mạnh.

Hỗ trợ những tác giả 8X, 9X

“Nhu cầu đọc truyện tranh của các bạn trẻ hiện nay là có thật. Vậy thì tại sao những nhà quản lý văn hóa không chọn một cách thích ứng phù hợp khi thời đại đã có nhiều thay đổi, như cách đồng bào miền Tây của mình hay nói: sống chung với lũ”, Trần Thị Phương Trinh - phóng viên mảng văn học xuất bản, báo Mực Tím - cho ý kiến.

Theo Trinh, thay vì cấm đoán, các nhà quản lý văn hóa hãy nghĩ đến cách hỗ trợ những họa sĩ trẻ trong việc sáng tác nên những truyện tranh đủ tầm để phục vụ cho nhu cầu có thật hiện nay của các bạn trẻ.

Cũng giống như Phương Trinh, chàng sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM Nguyễn Thành Nhân nêu lên thực tế bạn bè xung quanh mình thường đọc sách của những tác giả 8X, 9X hiện nay.

“Bởi những tác giả 8X, 9X ấy thấu hiểu và nói lên được tiếng nói thời cuộc của người trẻ. Vậy thì tại sao chúng ta không hỗ trợ những tác giả trẻ ấy để viết nên những tác phẩm mà phần đông giới trẻ đang quan tâm?”, Nhân đặt câu hỏi.

Truyền thông đã góp phần định hình méo mó giới trẻ

Phát biểu ngắn gọn nhưng để lại suy tư cho những người làm công tác truyền thông và các bạn trẻ tại buổi tọa đàm, phóng viên Trần Hoàng Nhân - báo Thể Thao Văn Hóa - nói: “Có những cuốn sách đang “ế” nằm trong kho hay bị cấm phát hành bỗng trở nên đắt như tôm tươi chỉ vì cách chúng ta đưa tin. Và hãy “đọc có ý thức” để cùng hợp sức tạo nên một nền văn hóa đọc lành mạnh”.

Trong tâm thế cởi mở, ông Võ Văn Long - phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM - đã trò chuyện với bạn trẻ: “Chúng ta đang chủ trương xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đã là tiên tiến tức phải đào thải những cái lỗi thời và tiếp thu chọn lọc cái mới. Cũng phải thừa nhận những khuyết điểm của báo chí truyền thông thời gian gần đây đã góp phần định hình “méo mó” cho giới trẻ. Nếu thanh niên thế hệ trước chỉ có hình mẫu chung để hướng đến thì giờ đây giữa vô vàn “rác” thông tin, khiến họ trở nên loay hoay chọn cho mình một lối đi”.

Phải quảng bá!

Nhiều đại biểu có mặt tại buổi tọa đàm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quảng bá các sản phẩm văn hóa đến tay công chúng thông qua công cụ truyền thông.

Giá sách cao ngất ngưởng tỉ lệ nghịch với đồng lương còm cõi của phần lớn bạn trẻ là rào cản lớn để người trẻ tiếp cận với các sản phẩm văn hóa chính thống. Đưa ra tập Hội hè đình đám, quyển hạ của Toan Ánh, anh Hòa - cán bộ Quận đoàn 6 - dẫn chứng: “Một quyển hạ đã hết 150 .000 đồng, với thu nhập của tôi thì đến khi nào tôi mới mua được quyển trung, quyển thượng… và trọn bộ tác phẩm biên khảo văn hóa kinh điển này của Toan Ánh?”. Đó là trở ngại chung của độc giả, đặc biệt là những thanh thiếu niên vốn chưa có thu nhập ổn định trong việc tiếp cận các sản phẩm văn hóa.

Anh Mai Việt Hùng, Tổng công ty Bến Thành, cũng gợi ý các NXB có thể cho ấn hành các ấn phẩm dạng “thức ăn nhanh”, cung cấp những thông tin cốt lõi đáp ứng đúng từng nhóm nhu cầu cho một thế hệ trẻ ham thông tin nhưng quỹ thời gian hạn hẹp.

Ngoài ra, người làm công tác văn hóa, truyền thông nhất thiết phải có trang Facebook để luôn bắt kịp dòng chảy thông tin của người trẻ, mở các diễn đàn, cuộc thi để người trẻ tự viết về mình… là những gợi ý anh Hùng đưa ra để giới truyền thông và người trẻ có thể bước cùng nhịp độ trong thời đại thông tin vũ bão ngày nay.

Trăn trở của người làm xuất bản

Việc đưa sản phẩm văn hóa, cụ thể là sách, đến tay người đọc một cách thuận lợi, dễ dàng hơn luôn là mục tiêu, trăn trở của người làm công tác xuất bản, theo lời ông Nguyễn Minh Nhựt.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng một sản phẩm văn hóa có chất lượng, như biên khảo của các nhà văn hóa tên tuổi như Sơn Nam, Vương Hồng Sển, Toan Ánh… đòi hỏi sự đầu tư tài lực, trí lực và cái tâm rất lớn của tác giả nên “sách hay, giá mắc” là hợp lý.

Ông cho biết trên thực tế nhuận bút trả cho mỗi tác giả sau mỗi đầu sách như vậy còn rất thấp, không tương thích với giá trị của tác phẩm nên việc NXB đơn phương hạ giá thành là bài toán nan giải. Từ đó, ông kêu gọi, kiến nghị sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng nhà nước để những đầu sách hay, có nội dung giáo dục văn hóa Việt Nam đến được tay người đọc, đặc biệt là thế hệ trẻ một cách dễ dàng hơn.

“Nếu các bạn muốn đọc cuốn sách nào, không ai ngăn được các bạn tìm đọc cuốn sách đó, dù giá sách mắc hay rẻ, bán nhiều hay hiếm có trên thị trường”, ông khẳng định.

Theo ông, bạn trẻ ngày nay vừa năng động, vừa được sự hỗ trợ của nhiều phương tiện, công cụ tiên tiến nên không rào cản nào ngăn được các bạn tìm đến quyển sách yêu thích nếu các bạn thật sự đam mê. Tìm đọc trong thư viện, lục lọi trên Internet, “coi cọp” tại nhà sách, các buổi triển lãm sách, lùng sục hiệu sách cũ, mượn chuyền tay của bạn bè… là những cách anh gợi ý cho bạn trẻ đam mê đọc sách nhưng không đủ tài lực để sở hữu.

“Quyền sở hữu sách và quyền đọc sách khác nhau. Giá sách sẽ không thật sự tác động đến tình yêu sách của các bạn nếu các bạn biết cách nuôi dưỡng, dung hòa nó”, ông chia sẻ.

Đoàn phải hấp dẫn hơn

Buổi tọa đàm đã chốt lại chuỗi năm buổi tọa đàm trước thềm Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Thành đoàn.

Phát biểu tổng kết, anh Lâm Đình Thắng nhận định: bên cạnh những thành quả đạt được, trước mắt các cơ quan báo chí, truyền thông, xuất bản Thành đoàn đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, không phải từ các thành phần phản động mà chính từ đối tượng mà Thành đoàn hướng sự tác động: thanh niếu niên.

Anh thẳng thắn nhận xét rằng ngày nay, các bạn trẻ có thể tự tổ chức, triển khai những hoạt động xã hội, xung kích tình nguyện, văn hóa văn nghệ… thậm chí tốt hơn Thành đoàn.

Trước thực trạng đó, Thành đoàn và các đơn vị sự nghiệp, thiết chế văn hóa phải có sự nhìn nhận trực diện và tìm kiếm phương thức cải tiến, nâng cao hơn nữa chất lượng trong hoạt động gắn với thanh thiếu niên, đảm bảo vai trò lá cờ đầu trong việc dẫn dắt, định hướng người trẻ.

Anh cũng thừa nhận rằng những “cú đấm” mà các cơ quan báo chí, truyền thông, xuất bản Thành đoàn như báo Tuổi Trẻ, NXB Trẻ, báo Khăn Quàng Đỏ… tạo ra vẫn chưa đủ tô đậm hình mẫu thanh niên tiên tiến, làm gương sáng cho người trẻ noi theo.

“Toàn bộ máy phải phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng hơn mới tạo được nhiều hơn những hiệu ứng có sức lan tỏa và lắng đọng. Ngoài ra, bản thân hoạt động Đoàn phải hấp dẫn, bằng không quyền lực của truyền thông cũng đành bất lực trong việc đưa tư tưởng, thông điệp, chất máu lửa của Đoàn đến thanh thiếu niên”, anh đúc kết.

HỮU CÔNG - HẢI THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên