07/10/2012 07:32 GMT+7

Ấm một chữ tình

Bà TRƯƠNG THỊ ÁNH(phó chủ tịch HĐND TP.HCM)
Bà TRƯƠNG THỊ ÁNH(phó chủ tịch HĐND TP.HCM)

TT - Tối 6-10, chương trình học bổng “Tiếp sức đến trường” 2012 tạm khép lại bằng buổi lễ trao học bổng tại TP.HCM cho 160 tân SV miền Đông Nam bộ. Đây cũng là dịp kỷ niệm 10 năm ra đời học bổng “Tiếp sức đến trường”.

Mười năm qua, vòng tay rộng mở của các doanh nghiệp và hàng ngàn bạn đọc Tuổi Trẻ đã âm thầm nâng bước chân vào đời cho 7.000 tân sinh viên khó khăn với tổng số tiền học bổng lên đến 35 tỉ đồng.

mGh26CgL.jpgPhóng to
Các tân sinh viên nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” dịp chương trình kỷ niệm 10 năm vào tối 6-10 tại nhà hát Bến Thành (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.
Xem video do Truyền hình Tuổi Trẻ thực hiện

"Học bổng “Tiếp sức đến trường” mười năm qua đã tiếp sức rất kịp thời cho tân sinh viên khó khăn bước vào ngưỡng cửa ĐH... Nhiều bạn trẻ đã ra trường, góp phần vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước. Chương trình đã thật sự lan tỏa và tạo được độ rung trong xã hội"

Ngay trước buổi lễ, một bàn tròn mini với nhiều lứa sinh viên được nhận học bổng đã cùng ngồi lại bên nhau.

Nguyễn Kim Đức - cựu sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM, học bổng năm 2007 - kể: “Mình từng phải học bài bằng đèn đường để tiết kiệm điện, từng mơ ước một ngày được vào làm trong tòa nhà thật cao mỗi khi đi qua và mình đã đạt được ước mơ đó, bắt đầu bằng suất học bổng Tiếp sức đến trường 2007”.

Vẫn nguyên cảm xúc như ngày mình được nhận học bổng, Hồng Hoa, Kim Đức và Thúy Ngân nhắn lại đàn em: “Hãy xem đây là tấm lòng của xã hội, học bổng sẽ là động lực lớn để các bạn vững tin hơn khi bắt đầu một hành trình mới của đời mình, nhìn vào tình cảm ấy để mỗi lúc khó khăn chúng ta đủ bản lĩnh vượt qua”.

Tân sinh viên ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương Trịnh Lê Hoài Thương cười tươi: “Hôm nay nhiều niềm vui đến với em cùng một lúc!”. Từ sớm, ông Tư mù (“Chuyện cha con Tư mù”, Tuổi Trẻ ngày 6-10) đã dậy thật sớm, nói cười không ngớt, nhắc con gái “chuẩn bị đi sớm chớ không biết đường TP, đến trễ lại không được nhận học bổng”. Mấy ngày rồi ông Tư mới có đám gọi đi đờn ca tài tử. Làm suốt từ 10g-15g mới về, ông nhét cho con gái 200.000 đồng để con đón xe ôm từ TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) về TP.HCM nhận học bổng.

Dù 20g30 mới diễn ra chương trình nhưng mới hơn 17g, Lê Thị Ngọc Bích, tân sinh viên ĐH Tài chính - marketing, đã có mặt ở sân nhà hát Bến Thành. Ngọc Bích thổ lộ: “Em chịu ơn báo Tuổi Trẻ nhiều lắm”. Cô học trò 12 năm liền là học sinh giỏi của Trường THPT An Mỹ (Bình Dương) này đã hai lần nhận học bổng Chung một ước mơ và giờ đây là Tiếp sức đến trường của Tuổi Trẻ. Lần lượt mất cha và mẹ, tám anh chị em Ngọc Bích đùm bọc nhau, đứa lớn cạo mủ cao su nuôi đứa nhỏ ăn học. “Nếu không có những suất học bổng ấy đến kịp thời chắc em đã bỏ học lâu rồi” - Ngọc Bích xúc động nói.

h9Ji7TIY.jpgPhóng to
Các thế hệ sinh viên nhận học bổng của chương trình “Tiếp sức đến trường” gặp gỡ tại lễ tổng kết tối 6-10 - Ảnh: Minh Đức

Ngồi lặng lẽ một góc để có thể cảm nhận hết tất cả thế giới vui vẻ đang diễn ra xung quanh bằng thính giác, chàng tân sinh viên khiếm thị của ĐH Sư phạm TP.HCM Lê Minh Tâm vẫn như không tin mình có được ngày hôm nay.

Tâm khoe chỉ vài ngày nữa là hết hạn hai tháng thử việc dạy đàn nên sẽ có lương. “Suất học bổng này đã động viên khích lệ tinh thần cho tôi bắt đầu hành trình bốn năm ĐH sắp tới để thực hiện lời hứa với mẹ” - Tâm nói. Trên sân khấu, Tâm ôm đàn hát mà không khí khán phòng lặng đi. Tâm hát tri ân tấm lòng của hàng ngàn bạn đọc Tuổi Trẻ nhưng cũng như tự nhắc nhở mình: Đứng lên em vững bước đi tới chân trời ước mơ/Cười lên em cho vơi bớt thương đau/Trời cho em hình hài không trọn vẹn/Đời cho em một tình yêu ngọt ngào/...Nói đi em lời nào hồn nhiên nhất/Và nói rằng cuộc đời đẹp hơn mơ...

Ông PHẠM ĐỨC HẢI (tổng biên tập báo Tuổi Trẻ):

Hành trình yêu thương và kỳ vọng của xã hội

Hành trình “Tiếp sức đến trường” mười năm qua đã thể hiện tình yêu thương với lòng kỳ vọng của xã hội, của những người đi trước vào một lớp trẻ nghèo khó nhưng đầy ý chí và nghị lực vươn lên. Suốt mười năm đó, Tuổi Trẻ chỉ giữ vai trò là tạo nhịp cầu nối. Còn để phát triển thành một cây cầu nối rộng lớn vững chắc, đưa các em đến bến bờ mơ ước chính là nhờ sự quan tâm chia sẻ của toàn xã hội.

Trước những nhà doanh nghiệp, những nhà hảo tâm... hết lòng ủng hộ chương trình Tiếp sức đến trường, chúng ta hãy hứa với nhau rằng: “Đừng để bất cứ một bạn trẻ nào vì khó khăn mà phải từ bỏ ước mơ học tập, ước mơ cống hiến của mình bởi các em chính là những trụ cột, là tương lai của đất nước”.

Phù sa sau mưa lũ cuộc đời

Mười năm, trong số hàng ngàn bạn trẻ mà chúng tôi - những người thực hiện chương trình “Tiếp sức đến trường” đã gặp, mỗi người mỗi gương mặt, mỗi người một số phận, mỗi người một thách thức. Nhưng nếu có một điều chung nhất, có lẽ chính là sự nghèo, cái nghèo vận vào cuộc đời, từ khắc nghiệt miền đất, từ thiên tai mưa bão, từ những may rủi đời sống bất ngờ rơi xuống gia đình.

Mười năm, nếu không đi vào tận từng ngõ làng, thôn bản chắc chúng tôi không thể gặp những số phận mà dù có giàu trí tưởng tượng đến đâu cũng khó hình dung. Như Nguyễn Hữu Đình ở Hải Hòa (Hải Lăng, Quảng Trị), chàng tân sinh viên khoa tin học ĐH Sư phạm năm ấy đã ngủ với manh chiếu cói trên nền đất, còn chiếc giường tre duy nhất trong nhà em nhường cho mẹ nằm. Nếu bạn đã về những vùng quê đó, nếu biết cái nền đất vùng trũng quanh năm nước “rịn” ẩm ướt, bạn sẽ hiểu cái giá của một giấc ngủ trên chiếc giường (dù là giường tre).

Cũng nhờ đi “xác minh” tận những ngóc ngách của số phận mà chúng tôi biết được công dụng “đa năng” của những chiếc ghế dài (dân miền Trung thường gọi là đòn bào). Ở một ngôi nhà bên sông Hiếu, từ đó đứng nhìn lên chừng vài cây số có thể thấy ánh đèn nhấp nháy của các cửa hàng, khách sạn, siêu thị... Vậy mà nơi góc làng với cái tên xóm Mã Cừa thuộc phường Đông Thanh (TP Đông Hà) ấy, có hai anh em đã sống với hai chiếc ghế dài: Khi có khách, chiếc ghế ấy được dùng tiếp khách, tối đến nó trở thành chiếc bàn ngồi học, sách vở đặt trên ghế và cái bậu cửa dùng để ngồi, học bài xong, ghép hai chiếc ghế lại, nó thành gường ngủ cho hai anh em. Trên chiếc ghế ấy, Hoàng Văn Ánh đã nuôi lớn ước mơ trở thành thầy giáo dạy toán và em đã thi đậu vào khoa toán Trường ĐH Sư phạm Huế...

Luận về sự vươn lên trong khốn khó, sách xưa có câu “Khốn nhi tri” - nghĩa là trong nhiều sự lớn khôn ở đời có sự khôn ngoan mà người ta có được nhờ từng trải qua những khó khăn thách thức. Cái ý tưởng này, ông Lê Quốc Phong - tổng giám đốc Công ty phân bón Bình Điền, một mạnh thường quân rất tích cực với chương trình “Tiếp sức đến trường” - vẫn thường hay nói với các tân sinh viên rằng: “Các em cảm ơn chúng tôi - những nhà tài trợ đã hỗ trợ suất học bổng nhỏ nhoi, nhưng chúng tôi, những người trao suất học bổng cho các em, cũng xin biết ơn các em. Từ câu chuyện của các em, chúng tôi học được bài học về nghị lực. Những lúc thương trường khốc liệt, câu chuyện vượt lên nghịch cảnh của những tân sinh viên lại là nguồn động viên to lớn, tích lũy thêm cho chúng tôi sức mạnh của nghị lực”.

Hóa ra câu chuyện “Tiếp sức đến trường”, câu chuyện mười năm qua (và chắc chắn thêm nhiều năm nữa) là một cặp phạm trù của niềm tin. Điều đó cũng như câu chuyện của những dòng sông, mỗi mùa mưa lũ dâng lên gây bao mất mát mùa màng, nhưng cũng sau mùa mưa lũ ấy, sông dâng tặng cho đất đai đồng bãi một lớp phù sa, rồi từ đó mọc lên lúa ngô dâng cho người.

Mưa lũ cuộc đời đã thách thức hàng ngàn số phận các bạn trẻ. Nhưng từ thác nguồn mưa lũ ấy đã dày lên phù sa tình người từ các mạnh thường quân, từ các câu lạc bộ nghĩa tình, “Tiếp sức đến trường” được lập nên trên cả nước... Trên phù sa ấy, chúng tôi - những người chung tay xây dựng chương trình “Tiếp sức đến trường” - đã thấy những mùa quả ngọt đầu tiên khi sau mười năm, Lập thợ hồ nay thành kỹ sư phần mềm, Hiếu cà rem thành thầy giáo dạy toán, bé An khó nghèo nay là bác sĩ nội trú ở một bệnh viện lớn, và hàng trăm tân sinh viên những khóa đầu nay đã ra trường, có việc làm, thay đổi số phận.

Đó chính là những mùa quả ngọt cho cuộc đời, được gieo trồng trên phù sa nghị lực và tin yêu. Đó cũng là điều bạn đọc Tuổi Trẻ đã tha thiết kỳ vọng và đã chứng kiến, theo năm tháng, từng ngày, từng giờ của hành trình “Tiếp sức đến trường” - tiếp sức và chưa hề dừng lại!

Bà TRƯƠNG THỊ ÁNH(phó chủ tịch HĐND TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên