Tại ngày hội, các cựu chiến binh đoàn tàu không số, đại diện đoàn viên thanh niên 63 tỉnh thành cả nước tham gia “Hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển - Học kỳ trên biển” và HS-SV tỉnh Phú Yên đã đồng loạt nhắn tin chương trình “Góp đá xây Trường Sa” do báo Tuổi Trẻ phát động và nhắn tin bình chọn vịnh Hạ Long qua điện thoại và máy vi tính.
Phóng to |
Hàng đầu thứ hai từ trái: Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Quang Nhất đón các thành viên hành trình học kỳ trên biển khi đoàn vừa xuống cảng Vũng Rô - Ảnh: T.T.D. |
Tổng số tiền 53.600.000 đồng do Trường ĐH Phú Yên và các trường THPT của Phú Yên đóng góp chương trình “Góp đá xây Trường Sa” sẽ được chuyển khoản đến báo Tuổi Trẻ.
Tại ngày hội này, buổi giao lưu với các nhân chứng lịch sử với sự tham gia của thuyền trưởng tàu không số mật danh 41 - trung tá Hồ Đắc Thạnh - là điểm nhấn của chương trình.
47 năm trước, tàu sắt 41 do ông Hồ Đắc Thạnh làm thuyền trưởng là tàu không số đầu tiên và duy nhất ba lần cập bến Vũng Rô thành công. Chuyến đi đầu tiên chở 45 tấn vũ khí khởi hành ngày 16-11-1964.
Câu chuyện của người cựu thuyền trưởng về nữ du kích đưa chiếc khăn thêu gói nắm đất cho mình đã nhận được nhiều tràng vỗ tay của các bạn trẻ. Đó là lời gửi gắm tha thiết: “Bà con Phú Yên xin gửi tàu nắm đất Vũng Rô - mảnh đất kiên cường bị giặc cày đi xéo lại nhiều lần, phải ăn sung thay cơm nhưng vẫn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ”. Trung tá Hồ Đắc Thạnh chia sẻ: “Cái khó khăn lớn nhất là đấu tranh và chiến thắng ngay bản thân mình chứ không phải là dông bão hay kẻ địch”.
Chiều 13-10, đoàn đã lên tàu rời Vũng Rô, điểm dừng chân thứ ba của hành trình. 16g chiều, tại khu vực biển Hòn Hèo (tỉnh Khánh Hòa), đoàn đã thực hiện lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của đoàn tàu không số và thả hoa trên biển.
Đây là nơi đã diễn ra trận đánh ác liệt từ 0g30 đến 2g40 ngày 1-3-1968 của tàu không số mật danh 235 do thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh chỉ huy với 12 tàu chiến của Mỹ và quân đội chính quyền Sài Gòn.
Các anh đã kiên cường chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, giữ bí mật về con đường huyền thoại. Thuyền trưởng Phan Vinh hi sinh ngày 29-2-1968 sau khi chiến đấu với hàng trăm tên địch đến viên đạn cuối cùng.
Trước đó, đoàn đại biểu tham gia “Hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển - Học kỳ trên biển” đã thăm di tích bến Vũng Rô, cùng đoàn viên thanh niên Phú Yên thi “Chinh phục đỉnh mũi Đại Lãnh”; thi vẽ tranh về chủ đề biển đảo, làm đèn hoa đăng, hoạt động vận chuyển hàng (tượng trưng bằng các bao, thùng giấy) từ “tàu” vào bờ an toàn.
Đặc biệt, buỗi lễ dâng hương, dâng hoa và thả hoa đăng tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại di tích bến Vũng Rô đã để lại nhiều xúc cảm đặc biệt trong mỗi thành viên.
Khi cầm trên tay hai đèn hoa đăng lung linh ánh nến vàng ấm áp chuẩn bị thả xuống mặt biển Vũng Rô, đôi mắt của Hiền Trân, cô sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, long lanh xúc động. Trân bảo: “Tôi cảm nhận rất rõ sự thiêng liêng trong buổi lễ dâng hoa, dâng hương đặc biệt này. Hành trình đã cho chúng tôi trải nghiệm rất nhiều cảm xúc, từ những giây phút rất sôi động, đầy nhiệt huyết của sức trẻ đến những khoảng lặng lắng đọng như thế này”.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Đoàn cựu binh tàu không số đến Vũng RôTiếp nối truyền thống “Đường Hồ Chí Minh trên biển”Về nơi khởi nguồn con đường huyền thoạiĐoàn cựu binh tàu không số thăm cảng GianhĐoàn cựu binh tàu không số đến cảng Sa Kỳ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận