Chân dung game thủCày game thâu đêm ở Sài GònGame thủ... nhập việnXuất thêm chiêu với game onlineQuản lý game online, hai bộ phải ngồi lại Cả xã hội nhức nhối với games bạo lực
Phóng to |
Các game thủ tham gia lớp cai nghiện game do Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam tổ chức - Ảnh: K.Anh |
Đó là điện thoại cầu cứu của mẹ thiếu niên Q. (14 tuổi). Bà là giáo viên. Q. rượt đánh mẹ và chị gái vì mẹ cài mật khẩu không cho vào máy tính chơi game. Bà mẹ khốn khổ trước đó cầu cứu công an phường nhưng rồi các anh công an cũng bất lực khi Q. thét trong cơn phấn khích điên loạn: “Chết tao còn không sợ thì sợ gì công an”.
Cai nghiện trong nước mắt
Kết thúc năm học lớp 7 là lúc Q. bắt đầu chơi game. Q. nghiện nặng trò Đột kích, một loại game online bạo lực và máu me khi nhiệm vụ chính của người chơi là chém và giết càng nhiều người càng tốt nếu muốn nhanh lên level. Đến khi vào năm học lớp 8, Q. thường xuyên bỏ học để vào quán Internet chơi game cả ngày. Ở nhà mỗi lần được nhắc nhở chuyện học hành là Q. quay sang chửi bới, bứt xé quần áo. Những lúc lên cơn vì quá phấn khích, Q. rượt đánh cả chị gái lẫn mẹ, sau đó gia đình phải đưa đến bệnh viện để nhờ sự can thiệp của bác sĩ.
Người mẹ khốn khổ tâm sự: “Tôi phải vật vã với con từng ngày từng giờ và thật sự bất lực trước sức mạnh của game online. Có lần tôi rụng rời tay chân khi nghe con mình khoái chí kể rằng: “Cầm dao đâm thằng kia đổ máu rồi chết thấy sướng ghê, con là mạnh nhất, chẳng ai mạnh bằng”. Mà đâu phải chỉ có con tôi, trong khu nhà tôi sống đã có 4-5 trường hợp cũng nghiện game nặng như nó, đánh cha đuổi mẹ như cơm bữa”. Q. sau đó được gia đình đưa đi tham gia lớp cai nghiện game online do Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam tổ chức.
Những ngày đầu vào lớp cai nghiện game Q. im lặng, không bắt chuyện với ai và tỏ dấu hiệu chống đối những điều phối viên của trung tâm. Các điều phối viên kiên trì hướng em đến những sở thích trước kia vốn bị game lấn át như chơi thể thao, hip hop.
Sau khóa học, Q. trở về nhà với tiến triển tốt khi biết nghe lời gia đình hơn, giảm thời gian chơi game nhưng vẫn đang phải uống thuốc để giảm bớt việc thần kinh thường xuyên căng thẳng. Mẹ Q. nói: “Những ngày tồi tệ nhất đã qua nhưng chuyện em có thể hòa nhập lại cuộc sống bình thường như trước kia vẫn còn là một câu chuyện dài”.
Q. chỉ là một trong 60 em tham gia các lớp cai nghiện game do Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam tổ chức. Tính từ khi mở lớp cai nghiện game online đầu tiên (cuối năm 2008) đến nay, trung tâm đã nhận được hơn 10.000 cuộc gọi, thư từ và cả đến trực tiếp của các phụ huynh nhờ giúp đỡ cai nghiện game online cho con em mình.
N. - học sinh lớp 11 của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Tân Bình (TP.HCM), kể rằng sau sáu năm chiến tích của mình là trải qua hàng chục game online như MU, Võ lâm truyền kỳ, Đột kích, Kiếm thế, Boom... với những level cực khủng. Tuy nhiên, hệ quả của những ngày tháng sống cùng nhân vật trong thế giới ảo là trong khi bạn bè đã là sinh viên, N. mới chỉ học xong lớp 11. N. tâm sự: “Sống hàng tuần, thậm chí cả tháng trong quán chơi game là chuyện bình thường. Ở ngoài em yếu thế chứ vào game thằng nào láo em đâm chết tại chỗ liền!”.
Nhưng N. biết dừng lại. “Chơi nhiều cũng chán” và giật mình nhìn lại thấy trong khi bạn bè đang ào ào tiến lên phía trước trong cuộc sống, còn mình cứ lẹt đẹt đắm chìm trong thế giới ảo, N. day dứt với chính mình. Sau những ngày tự đấu tranh rất lung, N. xin lỗi ba mẹ và đề nghị cắt Internet trong nhà. Sau hai năm tự cai có sự hỗ trợ của gia đình, N. thoát khỏi cơn nghiện dù bây giờ lâu lâu vẫn nhớ, mỗi tuần chơi vài giờ có kiểm soát.
Nhưng không phải con đường “làm lại cuộc đời” của game thủ nghiện nặng nào cũng bằng phẳng.
Đường trở về gian nan
Anh Nguyễn Thành Nhân cho biết trong 60 học viên tham gia các lớp cai nghiện, anh không thể nào quên trường hợp của V.H., 15 tuổi, con một vị lãnh đạo bệnh viện lớn tại TP.HCM. Ngày đầu tiên H. (nhà ở Q.1) đến trung tâm là do người nhà đưa đến trong tình trạng rũ rượi, lừ đừ, xanh xao và không chút thần sắc.
Mẹ V.H. cho biết lúc đầu H. chỉ chơi 1-2 giờ mỗi ngày nhưng sau đó tăng lên đến 20 giờ, bắt mẹ phải lắp đặt đường truyền Internet tốc độ cao. Khi yêu cầu không được đáp ứng, H. cầm dao rượt mẹ chạy khắp nhà rồi đi hoang ra tiệm Internet hàng tuần liền. Mỗi lần H. trở về nhà là một lần gia đình sống trong hoang mang, lo sợ vì cậu thường lên tiếng dọa đâm chém như trong game.
Một lần mẹ chở V.H. đi trên đường và dừng xe để mua bánh mì cho con, cậu xin tiền thối lại để đi chơi game nhưng không được đáp ứng liền nhảy xuống đường la toáng lên: “Bà là người mẹ độc ác và không có nhân tính”. “Con trai tôi mất lý trí tới mức đang tâm làm nhục tôi giữa đường...” - người mẹ nghẹn ngào.
12 ngày tham gia lớp cai nghiện game V.H. được dẫn dắt để trở về cuộc sống bình thường với sở thích khác như đá bóng. Cuối khóa, V.H. viết thư gửi về gia đình xin lỗi mẹ và khóc khi ôm mẹ. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi không còn được quản lý, V.H. lại sa vào Internet và người mẹ đành đưa con vào trường giáo dưỡng vì bất lực.
Anh Nguyễn Thành Nhân cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghiện game nhưng quan trọng là cách giáo dục từ gia đình. Không để trẻ cô đơn, lạc lõng nhưng cũng đừng quá bảo bọc, cưng chiều khiến trẻ trở nên thụ động, chán nản... Nhưng nguyên nhân lớn nhất, theo anh, là hấp lực của game online khi câu chuyện cuốn hút, đánh đúng tâm lý hiếu chiến, hiếu thắng của lứa tuổi mới lớn và hình ảnh đồ họa trong game ngày càng đẹp, người chơi cảm giác thực hơn trong khi quản lý lại bị buông lỏng.
“Điều quan trọng nhất là gieo vào các em ý thức sống tốt, tạo cho các em có điều kiện thay đổi trong môi trường sống bình thường chứ không phải cách ly con mình khỏi xã hội” - anh Nhân nói.
Xót xa cho tuổi trẻ của con tôi Con tôi năm nay đã 27 tuổi, bây giờ gần như mất hết cơ hội, tình cảm, công việc, tương lai. Là mẹ, tôi cảm nhận được điều đó. Con tôi vào đại học được một năm, sau đó mải mê trò chơi game online bỏ bê việc học. Khi tôi phát hiện cũng là lúc cơn nghiện không thể dứt ra, việc học dở dang. Tôi thuyết phục con về gần nhà tìm việc làm để thay đổi không khí và xa rời game online, nhưng không ăn thua vì dịch vụ đó được mở tràn lan, dù đã về quê nhà nhưng game online vẫn bủa vây con tôi. Nhiều đêm tôi phải đợi con về mà chẳng thấy. Suốt một tuần ròng rã tôi đi tìm con, dò tìm khắp quán game, cuối cùng tôi cũng tìm ra con mà không thể tin vào mắt mình: một bộ đồ dơ bẩn trên người, tóc tai bù xù, gớm ghiếc... Đáng nói là con tôi tính nết dần thay đổi, hung dữ, bất cần và nằm ngủ luôn mơ sảng, không thèm ăn uống, chỉ cần lên mạng là được... Rồi cứ thế trốn nhà đi chơi game mấy năm trời. Để có tiền chơi thì nó trộm. Con tôi không chỉ sa sút về sức khỏe mà coi như nhân cách cũng không còn. Bây giờ con tôi đã bỏ game được gần một năm rồi. Nghĩ lại tuổi xuân, tuổi trẻ của con, tôi buồn và xót xa. Một người mẹ |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận