24/06/2010 07:22 GMT+7

Game thủ... nhập viện

LAN ANH
LAN ANH

TT - Nhiều đại biểu Quốc hội vừa làm nóng nghị trường với chất vấn về tác hại của game online chẳng thua kém gì rượu, thuốc lá, ma túy… Nay một game thủ vừa phải nhập viện trong tình trạng cấp cứu.

RQ4xa1NN.jpgPhóng to
Sau khi được các bác sĩ cho uống thuốc điều trị lúc 20g30 ngày 23-6, game thủ Đ. (được đưa vào cấp cứu) đã ngủ ngay sau ít phút - Ảnh: Việt Dũng

Một thanh niên mới 17 tuổi ở Hà Nội đã phải nằm viện chín ngày qua vì “cày” game online liên tục. Game thủ này đã sút 9kg sau nhiều ngày hầu như không ăn không ngủ để “chinh chiến” trong thế giới ảo.

Trưa 23-6, ông bà Nguyễn Đăng N. vẫn phải còm cõi ngồi nuôi cậu con trai 17 tuổi đang điều trị ở khoa nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần (Hà Nội). Đ., con trai ông bà N., mới học xong lớp 11, cao trên 1,7m, nặng chỉ 46kg, trông lừ đừ, chậm chạp, giọng nói nhỏ xíu. Theo các bác sĩ, đây là một trong những nạn nhân điển hình của game online.

Nghiện game

Thấy khách lạ, mẹ Đ. rón rén bước chân, tay đưa lên miệng nhắc khách nói nhỏ để con trai ăn trưa. Theo bà, Đ. thích chơi game từ lúc học cấp II, vào cấp III thì bố mẹ mua cho một bộ máy tính có nối mạng, vì “con lớn rồi, không muốn cháu ra quán la cà nữa”. Ngờ đâu chiều con thành ra tai hại.

Ông N. kể lịch trình mỗi ngày của con trai: “Sáng 7g mở mắt dậy là chơi game online đến trưa, bỏ cả ăn sáng. Trưa chị dâu về gọi ăn cơm thì cháu nói cứ để đấy lát nữa ăn nhưng thật ra nó chỉ ăn qua quýt rồi đi học, chiều về lại chơi game đến tối khuya”. Tính sơ sơ mỗi ngày Đ. dành thời gian cho game chừng 10 giờ.

"Game online nguy hiểm không kém rượu, thuốc lá, một số mặt tương đương với ma túy. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở đâu khi 77% trò chơi là bạo lực, 9% là cờ bạc và chỉ có 14% là thể thao giải trí?"

Phạm Phương Thảo (chủ tịch HĐND TP.HCM)

Tình hình trầm trọng hơn từ cuối tháng 5 đến nay, khi Đ. được nghỉ hè. Cậu lao vào “cày” game từ sáng đến tối, không nghỉ lúc nào. Ông bà N. có nhắc nhở nhưng cũng chỉ qua quýt. Từ cuối tháng 5, Đ. bắt đầu có biểu hiện mệt mỏi, cáu gắt, ngủ ít, ăn ít, người gầy sút nhanh.

Gia đình bắt đầu cuống, đọc báo thấy có Viện Sức khỏe tâm thần, gia đình đưa Đ. vào viện.

Ông N. nói tuổi già ít ngủ, từ hôm đưa con vào viện ông cứ nắm mãi cổ tay gầy guộc của con, giữ sao cho kim truyền dịch đừng chệch khỏi tay Đ..

“Vào viện, tôi phải đóng viện phí 9 triệu đồng rồi, khó khăn thì cũng phải cố, chỉ mong sao con khỏi bệnh, trở lại như bình thường. Game online đang hại các cháu, ngõ nhà tôi quán net nhiều hơn quán nước chè” - ông N. đau khổ tâm sự.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, kể hôm 22-6 ông dành hơn một giờ nói chuyện với Đ.. Theo bác sĩ Tuấn, Đ. nói rất ít, sau vài ngày vào viện bắt đầu có cảm giác đói và muốn ăn. Còn lúc mới vào viện, Đ. không muốn ăn, phải truyền dịch và ngủ li bì 3-4 ngày.

Bác sĩ Tuấn cho biết gần đây Viện Sức khỏe tâm thần đã tiếp nhận một số bệnh nhân như Đ.. Những người bệnh này phần lớn là học sinh và sinh viên, thường có biểu hiện bồn chồn, bất an, cáu bẳn, bức bách, khó chịu nếu không được chơi game. Bệnh nhân cũng không cần ăn, ngủ mà có thể chơi game liên tục trong nhiều giờ.

Về điều trị, bác sĩ Tuấn cho rằng sau thời gian “cắt cơn”, gia đình cần quản lý thật chặt về thời gian của con cái, hướng con đến những hoạt động vui, bổ ích. Cha mẹ nên là người bạn của con, theo dõi lúc nào con lên cơn nghiện game thì đưa cháu ra phố, đi mua sách vở, quần áo, đi tập thể thao, thậm chí cùng đi tắm để cháu quên cơn nghiện.

Bác sĩ Tuấn nhấn mạnh: “Các gia đình có con nghiện game nên mạnh dạn cắt mạng”.

Bác sĩ Tuấn cho biết game online phải được coi như một chất gây nghiện nặng, bởi khác với nghiện ma túy, nghiện thuốc lá... có thuốc để hỗ trợ cắt cơn, game online không có thuốc cắt cơn.

“Khi vào bệnh viện, không có máy tính nối mạng là công cụ để chơi, có thể họ không chơi game nữa, nhưng khi về nhà rồi thì rất khó. Vì thế, khó nhất là điều trị “con người nghiện game”. Khác với chơi game một mình, game online có cạnh tranh người này người khác, có thế giới ảo tươi đẹp, có phần thưởng... thu hút người chơi” - bác sĩ Tuấn nói.

TX5Op4gC.jpgPhóng to
Bệnh nhân Đ. và bố trong khoa nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần (Hà Nội) Ảnh: Việt Dũng

Tác hại không nhỏ

Trò chuyện với Đ., chúng tôi thấy dù ở bệnh viện chín ngày nhưng Đ. vẫn có những biểu hiện rối loạn về sức khỏe tâm thần. Đ. không nhớ nổi số điện thoại của chính mình, hỏi đến thời gian chơi game thì lại nói vanh vách. Đ. nói trước khi vào viện, Đ. có thể “cày” game suốt ngày mà không thấy đói, đêm hay trằn trọc nhưng sáng ra lại tỉnh như sáo để “cày” tiếp.

“Vất vả” như thế mà trình độ chơi game của Đ. mới ở mức trung bình. Trong nhóm game thủ Đ. biết, có “tay” đã đoạt được “Phi Phong vô song vương giả”, đấy mới là mức cao thủ. Đ. mới ở mức tầm tầm mà sức khỏe đã sa sút đến vậy, còn những cao thủ không biết trầm trọng mức nào.

Theo bác sĩ Tuấn, viện chưa thống kê số lượng bệnh nhân nghiện game online vào điều trị, nhưng qua theo dõi cho thấy số lượng bệnh nhân đang tăng dần và nếu không có sự phối hợp của gia đình, kết quả cai nghiện chưa được như mong muốn. Bác sĩ Tuấn cho biết do dịch vụ game online sẵn có, giá rẻ, nên sau giai đoạn “cắt cơn” tại bệnh viện, nếu gia đình không quản lý chặt chẽ, nhiều em trở lại chơi game như cũ.

“Tại bệnh viện, điều trị chủ yếu là phục hồi sức khỏe, chống trầm cảm, lo âu, suy nhược, chỉ 7-10 ngày là qua giai đoạn này, nhưng quan trọng là giai đoạn ngoài bệnh viện” - bác sĩ Tuấn nói.

Bác sĩ Tuấn cũng đề cập vai trò của các nhà làm chính sách. Đã có lúc có người tưởng game online vô hại, trẻ em chơi có thể giúp chúng tránh sa ngã vào các việc vô bổ khác. Nhưng thật ra không phải, khi chúng ta chưa quản lý được nội dung game với những câu chuyện đấm đá, tình dục, mỹ nhân, game có thể làm người chơi quên bản thân mình, khiến người chơi bị mất việc làm, bị đuổi học, sa sút về trí tuệ và nhân cách...

Theo bác sĩ Tuấn, chơi game phải nhanh tay nhanh mắt, kích thích người ta đạt được mức độ cao hơn. Muốn vậy thời gian chơi phải dài hơn, người chơi quên ăn, quên uống, thậm chí phải dùng thêm các chất kích thích như rượu, thuốc lá để chơi được lâu hơn. Vì hai tay phải vận động liên tục, nên có cha mẹ mang cơm đến bàn nhưng con vẫn không ăn, dẫn đến tình trạng suy kiệt, chưa kể những ám ảnh làm sao phải thắng trong game.

Bác sĩ Tuấn cho rằng ngoài tình trạng cha mẹ chiều con, cho con chơi game nhiều, còn có thể do các bạn trẻ bị stress và áp lực, kể cả áp lực học hành, công việc, muốn trốn vào thế giới ảo để quên đi những khó khăn trong cuộc sống. Tỉ lệ rất cao bệnh nhân nghiện game sau đó nghiện thêm các chất gây nghiện khác, được coi là tình trạng “đa nghiện”.

“Gần mực thì đen”

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Hà Nội), tại Mỹ 50-76% người nghiện game online có vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần, bao gồm các rối loạn trầm cảm, lo âu, các rối loạn hành vi như yêu bản thân, ám ảnh, 15% toan tự sát. Nội dung của game cũng rất quan trọng, qua điều tra tại Mỹ cho thấy các em trai thích game hành động, bạn gái thích game thời trang hoặc có yếu tố chạy trốn.

“Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng, suốt ngày chơi game đánh nhau, tình dục thì các cháu sẽ tiêm nhiễm những hành vi tình dục, đánh nhau giống trong game, dứt khoát tâm lý bị ảnh hưởng. Theo tôi, ngoài quản lý thời gian chơi game của các game thủ, cơ quan chức năng cần đột xuất thanh tra các quán net và phát hiện, xử lý thật mạnh các quán vi phạm về thời gian chơi game. Ở gia đình, cha mẹ phải quản lý chặt con cái từ thời gian chơi đến nội dung của game. Nên cấm lứa tuổi dưới 18 chơi game online” - bác sĩ Tuấn góp ý.

_________________

77% trò chơi có tính bạo lực

Trên diễn đàn Quốc hội vừa qua, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã công bố một con số giật mình: trong các trò chơi trên mạng hiện nay, 77% trò chơi có bạo lực, đánh nhau, giết người các loại. Theo ông Nhân, khi các em tham gia trò chơi, có thể đánh nhau, bắn giết mà không phải chịu bất kỳ “chế tài” nào về mặt tâm lý, tình cảm cũng như luật pháp.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói điều tra ở năm thành phố lớn cho thấy ở lứa tuổi tiểu học có 2/3 học sinh đã chơi trò chơi trên mạng 1-8 lần/tuần, lứa tuổi THCS, THPT là 81% và ĐH là 75%. Trong đó, thời gian chơi game dài nhất của học sinh tiểu học là 12 giờ/lần chơi, THCS là 24 giờ/lần chơi.

Cũng tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Phạm Phương Thảo (chủ tịch HĐND TP.HCM) cho rằng có tới 20 triệu người chơi game online, trong đó có 5 triệu người chơi thường xuyên, cả nước có tới 20.000 đại lý, chưa kể tại các gia đình có nối mạng.

Bà Thảo khẳng định tác hại của game online là làm suy giảm sức khỏe của học sinh, của tuổi trẻ, học tập sa sút, bạo lực băng nhóm đánh nhau.

Vẫn theo bà Thảo, xử phạt các vi phạm trong kinh doanh trò chơi trực tuyến ở VN còn quá nhẹ, các đại lý cho người chơi quá giờ bị phạt chỉ... 200.000 đồng là nhẹ quá.

“Cách xử lý của chúng ta chưa tương xứng. Chúng ta còn bàn cãi quá nhiều về thế nào là bạo lực, là cờ bạc, là khiêu dâm, trong khi nội dung trò chơi được các sở thông tin - truyền thông thẩm định và báo cáo có sáu mức độ bạo lực, như đâm chém cá nhân, đâm chém có tổ chức, bắn giết cá nhân, bắn giết hàng loạt, bắn giết có tổ chức, băng nhóm và giết người hàng loạt. Người ta đã thẩm định nội dung là như vậy, nhưng chúng ta xử lý thế nào?”- bà Thảo bức xúc.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên