01/05/2014 06:37 GMT+7

Áp giá trần để giảm giá sữa

LÊ THANH thực hiện
LÊ THANH thực hiện

TT - Bộ Tài chính cho rằng việc áp giá trần đối với sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi sẽ làm giảm giá sữa trên thị trường.

Khống chế giá trần sữa trẻ em Báo cáo kết quả thanh tra giá sữa lên Thủ tướngLoạn giá sữa bán lẻ

1ckjurGq.jpgPhóng to
Khách hàng được giới thiệu các loại sữa phù hợp cho trẻ nhỏ tại một cửa hàng ở quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm

“Chắc chắn giá sữa trên thị trường sẽ giảm ngay khi áp giá trần” - ông Nguyễn Trọng Nghĩa, vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính), khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ. Trước đó, bộ này đề xuất phương án áp giá trần đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi và đã được Thủ tướng đồng ý.

Ông Nghĩa phân tích:

- Hiện giá bán buôn được các doanh nghiệp có thị phần lớn như Công ty cổ phần Sữa VN (Vinamilk), Công ty TNHH dinh dưỡng 3A, Công ty TNHH Nestle VN, Công ty TNHH Friesland Campina VN, Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition đăng ký với Bộ Tài chính thấp hơn nhiều so với mức giá trên thị trường tới vài chục ngàn đồng mỗi hộp. Trong khi đó, giá bán buôn đã bao gồm cả chiết khấu hoa hồng cho các đại lý, tổng đại lý. Vì vậy, giá trên thị trường bị đội lên do các chi phí không hợp lý.

xc413Cbo.jpgPhóng to
Bộ Tài chính kỳ vọng việc áp giá trần sẽ giảm được giá sữa hiện nay. Trong ảnh: khách hàng chọn lựa sữa tại siêu thị - Ảnh: Thanh Đạm

* Cơ sở nào Bộ Tài chính kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ áp giá trần đối với sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi?

- Thực tế, kết quả thanh tra giá sữa vừa được Bộ Tài chính công bố cho thấy năm doanh nghiệp có thị phần lớn sản xuất kinh doanh mặt hàng này chỉ tăng giá mà không giảm.

Hơn nữa, riêng trong năm 2013, có những mặt hàng có mức tăng cao khủng khiếp, tới 30,7%. Còn ba tháng đầu năm nay, có hai công ty là Vinamilk và Nestle VN tăng giá từ 5-14%.

Đặc biệt, cũng qua thanh tra, Bộ Tài chính phát hiện 4/5 công ty chi vượt chi phí quảng cáo, khuyến mãi, tiếp thị với số tiền là 386 tỉ đồng, làm tăng giá thành, tăng giá bán từ 2,18-16,39%.

Đơn cử như Công ty TNHH dinh dưỡng 3A đã chi vượt mức quy định 69 tỉ đồng, Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition chi vượt mức quy định 249 tỉ đồng, Công ty TNHH Nestle VN chi vượt mức 67 tỉ đồng...

"Rõ ràng, với kết quả thanh tra vừa qua cho thấy người tiêu dùng trong nước đang bị móc túi vì mua giá sữa quá cao trong suốt thời gian qua"

Thực tế trên yêu cầu chúng ta phải ra tay, tác chiến bằng biện pháp áp giá trần. Và pháp luật cho phép chúng ta làm việc này.

Cụ thể, Luật giá quy định Chính phủ quyết định chủ trương biện pháp bình ổn giá và giao Bộ Tài chính thực hiện khi thị trường có những biến động bất thường. Biện pháp để bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi là đăng ký giá, quy định giá trần.

Còn việc quy định giá trần, hay còn được gọi là giá tối đa sẽ được thực hiện trong 12 tháng kể từ khi quyết định được công bố. Cùng một mặt hàng, các doanh nghiệp khác nhau sẽ có giá bán khác nhau. Có người bán bằng hoặc thấp hơn giá tối đa.

Cho nên, doanh nghiệp, đại lý bán giá bao nhiêu thì Nhà nước không can thiệp, nhưng không được bán cao hơn giá tối đa mà Nhà nước quy định.

Để thực hiện giá bán của mình, doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan quản lý giá trên địa bàn như Công ty Vinamilk sẽ đăng ký giá với Sở Tài chính TP.HCM, Công ty TNHH Mead Johnson đăng ký giá bán với Bộ Tài chính.

Nói tóm lại, với những quy định như trên thì có thể hiểu là với sản phẩm A, Nhà nước sẽ tính toán và đưa ra mức giá trần là 600.000 đồng/hộp. Do đó, tùy theo giá vốn, chiến lược kinh doanh... mà doanh nghiệp B có thể bán giá 580.000 đồng/hộp, doanh nghiệp C bán 590.000 đồng/hộp...

Nếu sau một tháng thực hiện bán theo mức giá đăng ký, giả sử doanh nghiệp thấy doanh số bán hàng sụt giảm thì họ có thể giảm giá và ngược lại. Tôi muốn nhắc lại là trên cơ sở giá trần, doanh nghiệp toàn quyền quyết định giá bán của mình và chỉ có trách nhiệm phải đăng ký với cơ quan quản lý giá mà thôi.

* Thưa ông, căn cứ nào để Bộ Tài chính đưa ra giá trần và làm sao để giá đó đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng mà doanh nghiệp kinh doanh có lãi?

- Nguyên tắc hình thành giá trần là đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp. Trước hết, quan điểm của Bộ Tài chính là quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Căn cứ tính giá là trên cơ sở của chi phí như giá nhập khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, phí, các loại chi phí khác... để đưa ra mức giá trần, chứ không thể lãi lớn đến 20-30% và giá chỉ có lên mà không có xuống như năm 2013.

Điều kiện hình thành giá trần sẽ được Bộ Tài chính và các bộ ngành làm việc với nhau tính toán xác định có mức giá trần hợp lý. Trên cơ sở giá trần, các doanh nghiệp sẽ đưa ra mức giá bán của mình để đảm bảo bù đắp chi phí và có lợi nhuận hợp lý.

* Thị trường với hàng trăm mặt hàng sữa của gần hàng trăm công ty sản xuất và kinh doanh sữa. Vậy việc tính giá trần xem như có khả thi?

- Chúng ta gặp phải chút khó khăn là trên thị trường có khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhập khẩu sữa. Hơn nữa, thị trường có rất nhiều chủng loại sữa. Nếu bây giờ tính giá trần cho từng sản phẩm sữa thì không biết bao giờ sẽ thực hiện được.

Do vậy, Bộ Tài chính sẽ nhắm vào các doanh nghiệp có thị phần lớn, đặc biệt là năm doanh nghiệp nói trên. Trong các doanh nghiệp lớn này, cơ quan quản lý sẽ chỉ quy định giá trần đối với các chủng loại có tỉ suất lợi nhuận lớn, tỉ trọng tiêu thụ lớn. Với hướng này, tôi nghĩ việc áp giá trần là hoàn toàn khả thi.

* Còn với các sản phẩm, mặt hàng của những doanh nghiệp khác không có giá trần thì sao?

- Đây là các sản phẩm của các doanh nghiệp nhỏ. Tôi cho rằng các mặt hàng này muốn bán được hàng thì buộc phải giảm giá bán. Vì sản phẩm tương tự của các doanh nghiệp thị phần lớn, của doanh nghiệp lớn đã giảm giá mà doanh nghiệp bé vẫn giữ giá cao thì chắc chắn sẽ khó khăn.

Do đó, thị trường sẽ tự điều tiết việc này, hay nói cách khác, các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh nhau về giá cũng như chất lượng sản phẩm sữa.

* Theo kế hoạch, khi nào Bộ Tài chính sẽ áp giá trần đối với sữa?

- Dự kiến trong tháng này sẽ có giá trần đối với sữa.

Và tôi khẳng định lại là tôi có niềm tin với trận đánh này rằng việc áp giá trần sữa chắc chắn sẽ kéo được giá sữa xuống thấp hơn so với mức hiện nay.

Sẽ phải cắt giảm chi phí quảng cáo hợp lý hơn

Đại diện một doanh nghiệp sữa cho biết, về cơ bản việc áp giá trần đối với sữa bột dành cho trẻ dưới 6 tuổi chắc chắn sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp không riêng gì trong nước hay nước ngoài. Vì hiện nay giá sữa nguyên liệu là thất thường, không ổn định, nếu áp giá trần đối với nhóm đối tượng sữa này thì cũng cần phải có lộ trình để doanh nghiệp chuẩn bị, ví dụ như: nhập nguyên liệu dự trữ, vay vốn để sản xuất dự trữ, cân đối các khoản...

Một chuyên gia ngành sữa cho rằng việc áp giá trần, doanh nghiệp sữa ngoại sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn vì hiện các đơn vị này chi phí cho hoạt động quảng cáo, marketing, tư vấn, giới thiệu sản phẩm, chăm sóc người tiêu dùng, đội ngũ bác sĩ hỗ trợ, bán hàng... khiến giá sữa ngoại đẩy lên cao hơn. Nếu áp giá trần họ phải cắt giảm những khoản này. Trong khi doanh nghiệp sữa trong nước có nhiều đơn vị tham gia bình ổn thị trường đã quen với áp dụng giá thấp, có nhiều kinh nghiệm nên đối mặt sẽ bớt khó khăn hơn.

Trong khi đó, ông Đỗ Thanh Tuấn, trưởng ban đối ngoại Công ty Vinamilk, cho rằng nếu áp giá trần trên sữa bột dành cho trẻ dưới 6 tuổi thì Vinamilk cũng sẵn sàng chấp hành.

Đại diện Công ty Friesland Campina VN thì cho rằng hiện thông tin về áp giá trần trên sữa bột dành cho trẻ dưới 6 tuổi còn chưa thật sự rõ ràng. “Chúng tôi cần biết nhiều thông tin hơn hoặc có một kế hoạch cụ thể mới có thể có phương án tính toán cho việc này” - vị đại diện này cho hay.

LÊ THANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên