Phóng to |
Cửa hàng xăng dầu DNTN Trần Quang Tuyến (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM) có mẫu xăng 92 khi thử nghiệm chỉ còn là xăng 85 - Ảnh: Thuận Thắng |
* Ông HOÀNG LÂM (phó giám đốc Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng khu vực 3, TP.HCM):
Xăng A83 vẫn đang được lưu hành
Phóng to |
Hiện nay việc đánh giá sự phù hợp của xăng RON 83 khi có yêu cầu được thực hiện trên cơ sở quy định tạm thời của một công văn do Bộ Khoa học và công nghệ ban hành ngày 11-12-2006 về mức chất lượng của loại xăng này, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay vẫn chưa có quyết định thay thế khác, hay nói cách khác đây là cơ sở pháp lý để xăng A83 vẫn được sản xuất kinh doanh.
Long An phát hiện 4 cây xăng bán xăng “dỏm” Ngày 6-12, ông Nguyễn Tấn Vĩnh, người phát ngôn Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An, cho biết lực lượng liên ngành của tỉnh vừa phát hiện bốn cây xăng bán xăng kém chất lượng. Các cây xăng này bán xăng A92 nhưng khi kiểm định thì đều dưới 88 trị số octan. Doanh nghiệp tư nhân Năm Vinh ở ấp 7, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức bán xăng chỉ có 85,9 trị số octan. Xăng tại chi nhánh DNTN kinh doanh xăng dầu Đông Thạnh ở ấp 5, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức chỉ có 85,6. Còn xăng A92 của trạm xăng dầu Thạnh Phú ở ấp Tân Long, xã Thanh Phú, huyện Bến Lức chỉ là 87,6. Kiểm tra cây xăng của Công ty TNHH Thành Phát ở xã Bình Tâm, thành phố Tân An thì phát hiện xăng chỉ có 85,6. Do đây là vi phạm nghiêm trọng nên Chi cục Quản lý thị trường đã đề nghị UBND tỉnh Long An ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền. |
Tuy nhiên, với những vấn đề tiềm ẩn liên quan đến chất lượng xăng dầu trên thị trường như đã xảy ra và lặp đi lặp lại trong nhiều năm nay, có thể thấy không nên tiếp tục duy trì việc sản xuất và kinh doanh xăng A83, đồng thời cần thiết có sự điều chỉnh quy định cả về điều kiện sản xuất, quản lý và kiểm soát trên cơ sở đánh giá nhu cầu thực của thị trường.
Nếu vì lý do thị trường vẫn còn nhu cầu thì cần tiến hành khảo sát để đánh giá thật sát xem nhu cầu thật sự thế nào, đối tượng sử dụng và với lượng cụ thể bao nhiêu. Trên cơ sở đánh giá cụ thể, Nhà nước cần giao trách nhiệm sản xuất, kinh doanh với địa chỉ và số lượng cụ thể. Xăng sản xuất ra chỉ được cung cấp cho ai, với mục đích sử dụng cụ thể nào theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước và đăng ký.
Cần chấm dứt ngay tình trạng thiếu kiểm soát như hiện nay, ai cũng có thể sản xuất kinh doanh. Ngoài ra cũng cần quản lý thật chặt nguồn cung cấp condensat - nguyên liệu sản xuất xăng. Với những biện pháp này, chưa thể nói có thể giải quyết tận gốc vấn đề nhưng sẽ giúp triệt tiêu một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng vi phạm chất lượng xăng. Tương tự, cũng cần xem xét lại nhu cầu thực tế và sự tồn tại đối với xăng RON 90 và có biện pháp thích hợp.
* Đại biểu Dương Văn Nhân (phó chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM):
Rút giấy phép sẽ có tác dụng răn đe
Theo tôi, phải xử lý thích đáng hành vi lường gạt khách hàng của một số cửa hàng bán xăng dầu không đảm bảo chất lượng như quy định. Hay nói cách khác, công bố bán xăng với mức chất lượng A92 hoặc A95 nhưng thử nghiệm cho kết quả chất lượng thực chất dưới mức này là cố tình lường gạt nhằm thu lợi cho mình.
Tôi cho rằng xử lý bằng biện pháp hành chính đúng mức vẫn có tác dụng, ngoài phạt tiền cần xem xét rút giấy phép. Đây mới là điều quan trọng vì nếu chỉ phạt tiền đôi lúc mức tiền phạt chẳng là bao so với tiền họ thu lợi được từ việc thực hiện hành vi gian lận. Đồng thời xem xét xử lý hình sự đối với những người có hành vi vi phạm cũng là điều cần thiết.
* Bà Ngô Minh Hồng (giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM):
Cứ để móc túi người tiêu dùng hoài sao được!
Về cơ bản, với những hành vi vi phạm cứ lặp đi lặp lại phải có biện pháp xử lý cứng rắn để lập lại trật tự, cứ để móc túi người tiêu dùng hoài như vậy sao được. Các biện pháp được áp dụng có đảm bảo tính răn đe hay không còn nằm ở chỗ cần xem xét hành vi vi phạm đó có lặp đi lặp lại hay không để có biện pháp xử lý tương xứng.
Từ đầu tháng 5-2004, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) đã có văn bản gửi Bộ Khoa học và công nghệ về đề nghị ngừng sản xuất lưu thông xăng A83. Theo đó, xuất phát từ yêu cầu chống gian lận thương mại tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Thương mại đề nghị Bộ Khoa học và công nghệ bãi bỏ quy định tạm thời tiêu chuẩn VN về xăng A83, đồng thời đình chỉ sản xuất, lưu thông loại xăng này theo lộ trình: đình chỉ sản xuất từ đầu quý 3-2004, đình chỉ lưu thông từ ngày 1-1-2005 để có thời gian phù hợp giải quyết lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp. Lúc bấy giờ Bộ Thương mại đưa ra nhiều lý do dẫn đến đề xuất trên: quy định tạm thời về tiêu chuẩn Việt Nam đối với xăng A83 và cho phép lưu thông loại xăng này trên thị trường xuất phát từ yêu cầu của Sài Gòn Petro khi chuyển đổi xăng có chì sang xăng không chì vào thời điểm năm 2001 có khó khăn trong việc loại bỏ ngay xăng A83. Họ cần có thời hạn 1-2 năm để điều chỉnh các sản xuất. Đến nay, đã qua hơn ba năm, đủ thời gian để thực hiện việc loại bỏ xăng A83 chuyển sang thực hiện tiêu chuẩn Việt Nam chính thức lưu hành xăng A90 - A92 - A95. Theo văn bản Bộ Thương mại, từ tháng 5-2004, nhu cầu của thị trường về loại xăng này rất ít, do các phương tiện ôtô, xe máy và các loại tàu, thuyền hầu hết đã chuyển sang sử dụng xăng A90 trở lên. Xăng A83 là loại xăng thấp cấp về chất lượng, giá bán chênh lệch cao so với các loại xăng khác, việc lưu hành xăng A83 tạo điều kiện cho thương nhân làm ăn gian dối. Tuy nhiên, khoảng cuối năm 2006, Bộ Khoa học và công nghệ nhận được đề nghị của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hướng dẫn mức chất lượng đối với xăng không chì A83. Ngay sau đó, bộ đã có văn bản khẳng định: theo quy định hiện hành, bắt đầu từ ngày 1-1-2007 xăng nhập khẩu và lưu thông trên thị trường phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng đối với xăng không chì A90, A92 và A95. Theo Bộ Khoa học và công nghệ, riêng xăng không chì A83 tạm thời vẫn được sản xuất theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản yêu cầu các cơ quan hữu quan tạo điều kiện để Công ty Xăng dầu TP.HCM (Saigon Petro) chuyển đổi sản xuất sản phẩm mới xăng không chì A83. Trên cơ sở này, Bộ Khoa học và công nghệ đã có văn bản quy định mức chất lượng của xăng không chì áp dụng từ 1-7-2007, cụ thể: trị số octan không nhỏ hơn 83, còn mức của các chỉ tiêu khác phải phù hợp với quy định tại tiêu chuẩn về xăng không chì. Theo các nhà chuyên môn, việc quy định mức chất lượng của xăng A83 được hiểu là thừa nhận cơ sở pháp lý để loại xăng này được sản xuất, lưu thông trên thị trường. Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ ngày 5-12, một nhà chuyên môn kinh doanh lĩnh vực xăng dầu nói rằng lẽ ra nên “khai tử” xăng A83 từ lâu. Nếu vì lý do còn nhu cầu, phải duy trì thì nên khống chế sản lượng xăng A83, hay nói cách khác là cấp “quota” sản xuất cho loại xăng này sát với nhu cầu có thật là dùng để chạy động cơ bởi vì các loại máy móc dùng loại xăng này hiện không phát sinh thêm, chỉ những loại cũ đang còn tồn tại mới có nhu cầu. Nếu không khống chế theo phương thức nói trên sẽ dẫn đến lạm dụng, trong khi thị trường đối với loại xăng này chưa được kiểm soát chặt chẽ số lượng sản xuất cũng như mục đích tiêu dùng. Đồng thời cần quản lý theo hướng đây là mặt hàng nhà nước không khuyến khích sản xuất, buôn bán. Như một số ý kiến, có thể xăng A83 là một trong những nguồn để pha chế ra những loại xăng không đạt tiêu chuẩn, gian lận người tiêu dùng, song không vì thế mà “đổ tội” hết cho loại xăng này, hiện còn một số thứ khác cũng có thể dùng để pha chế và gian lận trong kinh doanh xăng dầu, nói chung thị trường hiện có rất nhiều “chiêu”. Vấn đề là các khâu kiểm tra, kiểm soát thị trường có làm nghiêm không, một cửa hàng xăng dầu bị phát hiện gian lận, lập tức bị rút giấy phép thì làm sao họ dám làm ăn gian dối. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận