21/04/2014 13:47 GMT+7

Thanh toán di động bùng nổ ở châu Á

C.LUÂN
C.LUÂN

TTO - Châu Á nổi lên như một "nhà lãnh đạo" về số lượng người sử dụng điện thoại di động trong 3 năm qua. Điều này trở thành lực đẩy cho các dịch vụ ngân hàng di động bùng nổ thời gian tới.

UUcXc1g1.jpgPhóng to
Một nhân viên ở New Delhi đang chuyển tiền cho khách hàng sử dụng lệnh giao dịch trên điện thoại di động - Ảnh: AFP

Hãng tin CNBC nhận định dịch vụ gửi tiền cho bạn bè, gia đình hay thanh toán hóa đơn bán lẻ qua điện thoại tại các nền kinh tế mới nổi châu Á đang sẵn sàng bùng nổ, khi số lượng người dùng điện thoại thông minh (smartphone) tăng mạnh khiến nhiều công ty không ngần ngại nhảy ngay vào khai thác thị trường này.

Triển vọng từ hơn 50% thuê bao di động toàn cầu

Theo dữ liệu từ Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), năm 2013 châu Á sở hữu hơn một nửa thuê bao di động trên toàn thế giới.

Giám đốc nghiên cứu Thomas Zink tại IDC Financial Insights Asia-Pacific phân tích: "Lực đẩy chính rõ ràng đến từ người tiêu dùng trẻ tuổi châu Á - bộ phận đang được "đô thị hóa" mạnh mẽ hơn dân châu Âu và Mỹ. Ngoài ra còn có một số lý do khác thuộc về văn hóa, như sự ham thích công nghệ cao - yếu tố văn hóa phổ biến thúc đẩy việc sử dụng điện thoại trở thành biểu tượng địa vị - và tình trạng thiếu thốn cơ sở hạ tầng Internet trong các nền kinh tế mới nổi đã buộc khách hàng "nhảy cóc" lên sử dụng trực tiếp qua điện thoại".

CNBC cho rằng tại các thành phố và thị trấn châu Á, ngân hàng đang chi phối phần lớn dịch vụ giao dịch di động truyền thống, bằng cách tung ra các ứng dụng cho phép khách hàng tải về smartphone. Giống như nhận định của IDC, ngân hàng gặp rất ít đối thủ từ các ngành công nghiệp bên ngoài.

Tuy nhiên, tại các vùng nông thôn không thường xuyên tiếp cận với các ngân hàng – được gọi là khu vực phi ngân hàng (unbanked sector) - thì nền tảng cho các dịch vụ di động đang có cơ hội phát triển nhanh chóng. Trong mô hình dành cho khu vực phi ngân hàng, tiền của khách hàng được lưu lại trong một tài khoản ảo.

Giám đốc nghiên cứu Sandy Shen tại Gartner nhận định khu vực phi ngân hàng không chịu sự “thống trị” của ngân hàng, mà chủ yếu từ các tập đoàn viễn thông bao phủ mạng lưới phân phối và có mối quan hệ tốt với khách hàng sử dụng dịch vụ di động.

Năm 2009, Telenor Pakistan và Tameer Micro Finance Bank của Pakistan đã cùng tung ra dịch vụ di động Easypaisa, cho phép khách hàng có thể đăng ký một tài khoản di động và được tiếp cận tất cả dịch vụ mà không cần đến ngân hàng.

Sau khi đăng ký, khách hàng nhận được một thiết bị cầm tay đã được kích hoạt và một mã code duy nhất, tựa như mã thẻ ATM. Để thanh toán hóa đơn hay chuyển tiền, khách hàng đem tiền mặt đến các đại lý được ủy quyền để họ thay mặt khách hàng hoàn tất giao dịch.

Tính đến cuối năm 2012, Easypaisa đã tiến hành hơn 100 triệu giao dịch, với số tiền hơn 1,4 tỉ USD.

Mỗi quốc gia mỗi khác

Nhưng độ cạnh tranh trong thị trường của các quốc gia là khác nhau, chủ yếu do quy định của chính phủ.

Ông Shen giải thích: "Các nhà quản lý ở Ấn Độ có những quan điểm khác biệt về dịch vụ ngân hàng di động. Ngân hàng trung ương yêu cầu các công ty viễn thông và ngân hàng làm việc với nhau và với các ngân hàng đang nắm giữ giấy phép hoạt động nền tảng giao dịch".

Kết quả là các nhà cho vay ở Ấn Độ là một trong số những người nhanh chân nhất nắm bắt lấy chiến lược di động đầu tiên. Năm ngoái, ngân hàng tư nhân lớn nhất Ấn Độ ICICI đã "bắt tay" với Vodafone India để giới thiệu dịch vụ thanh toán di động M-Pesa nổi tiếng của châu Phi đến với khách hàng nội địa.

Còn tại Indonesia, trong năm 2013, ngân hàng trung ương mời các ngân hàng thương mại và các nhà mạng trình làng các sản phẩm di động tích hợp tại một số vùng nông thôn.

Trong khi cả ngân hàng và các nền tảng tài chính thay thế đang chạy đua để giành thế tiên phong thì ông Zink lại cho rằng khó khăn thực sự của ngành công nghiệp này sẽ là khả năng dẫn dắt thị hiếu của người dùng.

"Hoạt động tiếp thị theo ngữ cảnh - nhằm cung cấp những thứ khách hàng cần, đúng nơi, đúng lúc dựa trên nhu cầu cá nhân - sẽ trở thành "chiến trường" thương mại tương lai. Điều đó không chỉ giúp đẩy mạnh thu nhập từ nhiều giao dịch hơn, mà còn tạo ra doanh thu mới từ các dịch vụ giá trị gia tăng xung quanh các giao dịch ấy", ông Zink kết luận.

Theo dữ liệu World Bank 2012, Campuchia đang là quốc gia có tỉ lệ dân số sở hữu tài khoản ngân hàng chính thức thấp nhất châu Á với 3,6%, Pakistan xếp thứ 2 với 10%, Indonesia xếp thứ 3 với 19,5%. Việt Nam và Philippines lần lượt là 21% và 26%.

World Bank ước tính vùng Nam Á trong năm 2012 có khoảng 33% chủ tài khoản ngân hàng chính thức là cá nhân trên 15 tuổi. Như vậy có đến 67% dân số chưa được tiếp cận với ngân hàng - yếu tố càng khiến khu vực này trở nên hấp dẫn trong ngành công nghiệp thương mại di động, với tiềm năng tăng trưởng thuộc hàng hấp dẫn nhất thế giới.

C.LUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên