09/04/2014 06:35 GMT+7

Kẻ ăn ốc, người đổ vỏ

QUỲNH KHÔI
QUỲNH KHÔI

TT - Hàng loạt sản phẩm công nghiệp xuất khẩu của VN sang các nước Brazil, Mỹ, Ấn Độ... liên tục bị khởi xướng điều tra, áp thuế chống bán phá giá hoặc tái áp thuế trong thời gian gần đây, sau khi các thủ tục rà soát theo chu kỳ áp thuế từ 3-5 năm kết thúc.

Mất thị trường vì bị kiệnDoanh nghiệp VN không bán phá giá cá traBrazil thay đổi thuế với vỏ xe xuất khẩu từ VN

Một tài liệu mới được Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) công bố ghi nhận từ năm 1995 đến tháng 3-2014, VN đã phải đối mặt tới 73 vụ kiện phòng vệ thương mại từ các nước, trong đó có đến 43 vụ kiện chống bán phá giá, 15 vụ kiện tự vệ, 10 vụ chống lẩn tránh thuế và 5 vụ kiện chống trợ cấp. Các mặt hàng không chỉ đa dạng về chủng loại như lò xo, sợi dệt, túi nhựa, cho đến ống thép không gỉ, thép cuộn cán nguội... đều bị “dính chấu” ở nhiều quốc gia khác nhau, trải dài khắp các châu lục.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại là trong quá trình rà soát thuế từ các nước trong những vụ kiện chống bán phá giá nhằm làm cơ sở cho việc đánh giá có nên tiếp tục duy trì mức thuế đã ban hành hay hủy bỏ, không ít hiệp hội ngành hàng “lên ruột” khi các bị đơn bắt buộc trong quá trình điều tra trước kia đã “không cánh mà bay”, phần lớn đều là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Ngành nhựa là một ví dụ. Công ty Advance Polybag, vốn là doanh nghiệp bị đơn bắt buộc trong vụ kiện chống bán phá giá túi nhựa PE xuất khẩu từ VN sang Hoa Kỳ, sau khi đột ngột rút khỏi vụ kiện bằng cách không hợp tác điều tra khiến mức thuế bị áp lên tới 52,3-76,11%, làm sản phẩm này bị “đóng cửa” hoàn toàn ở thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của ngành nhựa trong nhiều năm qua. “Lúc chúng tôi chuẩn bị các thủ tục cần thiết để làm việc với các ngành chức năng của Mỹ cho tiến trình rà soát thuế sắp tới thì mới hay họ đã không còn ở VN. Đây là điều hết sức bất lợi cho ngành nhựa và khả năng túi PE vẫn bị áp thuế cao là không hề nhỏ” - ông Hồ Đức Lam, chủ tịch Hiệp hội Nhựa VN, bức xúc.

Ngành da giày cũng từng lâm vào cảnh tương tự khi phải đối mặt gần chục vụ kiện liên quan đến phòng vệ thương mại, và “có không ít doanh nghiệp FDI cứ lờ đi chẳng chịu hợp tác gì cả, dù họ là các doanh nghiệp được phía điều tra xác định có lượng xuất khẩu nhiều nhất. Rồi một thời gian sau cũng thấy họ bặt tăm, chẳng biết đi đâu mà tìm”, một chuyên gia trong ngành da giày cho biết. Rõ ràng, các cảnh báo về tình trạng doanh nghiệp FDI chỉ “tranh thủ” nhảy vào VN đầu tư sơ sài hòng lấy cho được chứng nhận xuất xứ hàng hóa ở những thời điểm mà bản thân nước họ cũng đang bị các nước trừng phạt thuế, đã không được các cơ quan chức năng quan tâm đúng mức, dù đã được phản ánh cách đây rất lâu.

Theo ông Lam, ngoài chuyện một ngành hàng tiềm năng mất hẳn một thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ thì hệ lụy lâu dài cuối cùng chỉ có các doanh nghiệp sản xuất trong nước phải gánh lấy, một khi các kiểu như Công ty Advance Polybag tiếp tục tái diễn. Để không còn những trường hợp đáng tiếc như trên, theo ông Lam, ngoài chuyện cơ quan cấp phép phải thẩm định kỹ hơn các nhà đầu tư, có cơ chế hậu kiểm để đảm bảo việc đầu tư đúng như cam kết ban đầu, thì các ban ngành khác cũng cần phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng để cung cấp thông tin đầy đủ hơn về các ngưỡng xuất khẩu của những mặt hàng có nguy cơ sắp bị “báo động đỏ”. Nếu có sự phối hợp đồng bộ như vậy, may ra cơ hội quay về thị trường xuất khẩu chủ lực sẽ vẫn còn, hoặc chí ít giải quyết được bài toán đầu ra trong bối cảnh sức mua nội địa chưa thể gượng dậy được như hiện nay, chính là điều các doanh nghiệp nào khi được hỏi tới cũng hằng mong mỏi.

QUỲNH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên