12/02/2014 06:17 GMT+7

Doanh nghiệp vẫn muốn giữ cổ phần chi phối

C.V.KÌNH - TRẦN VŨ NGHI
C.V.KÌNH - TRẦN VŨ NGHI

TT - Mặc dù khẳng định sẽ thực hiện nghiêm lộ trình cổ phần hóa (CPH) của Chính phủ, nhưng hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước vẫn bày tỏ mong muốn Nhà nước nắm cổ phần chi phối.

Cần công khai, minh bạch

mYgCZwxr.jpgPhóng to
Sản xuất ximăng tại nhà máy của Công ty cổ phần ximăng Hà Tiên 1 (Tổng công ty Công nghiệp ximăng Việt Nam - Vicem) - Ảnh: T.V.N.

Nhiều doanh nghiệp cho biết đã và đang tích cực triển khai các bước thủ tục để bán cổ phần, đảm bảo chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần theo đúng lộ trình. Tuy nhiên, quá trình triển khai CPH tại từng doanh nghiệp đến nay vẫn chưa diễn ra theo đúng kỳ vọng do nhiều nguyên nhân.

Gấp rút cổ phần hóa theo lộ trình

* Ông Lê Văn Tuấn (tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy VN):

Cổ phần hóa, quản trị doanh nghiệp sẽ có thay đổi

Sau CPH, theo tôi, dù giai đoạn đầu Nhà nước sẽ vẫn giữ cổ phần chi phối nhưng chắc chắn việc quản trị doanh nghiệp sẽ có thay đổi. Bởi lẽ những vấn đề lớn vẫn phải đem ra báo cáo, bàn bạc và quyết định tại đại hội cổ đông. Nhiều cổ đông tham gia ý kiến, đưa các yêu cầu... nên chắc chắn việc công khai minh bạch sẽ được thực hiện tốt hơn. Đặc biệt, ý thức của người lao động sẽ khác đi và điều này tác động đến mọi khâu trong quá trình sản xuất kinh doanh...

Ông Lê Văn Tuấn, tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy VN (Lilama), cho biết việc CPH Lilama đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và theo lộ trình đến hết năm 2015 phải CPH xong. Theo ông Tuấn, Lilama hiện đã thành lập ban chuẩn bị CPH để tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định. Với Lilama, các vấn đề đầu tư ngoài ngành không ảnh hưởng nhiều đến công tác CPH, nhưng công nợ tại một số dự án đã thi công sẽ phải tích cực thu hồi để phục vụ công tác CPH. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, “Lilama sẽ CPH đúng tiến độ theo quyết định của Thủ tướng”.

Ông Hà Hùng, tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5), cũng cho biết theo phê duyệt của Thủ tướng, Nhà nước sẽ chỉ nắm giữ 35% vốn tại Cienco 5 sau CPH, phù hợp với mong muốn của doanh nghiệp. Cienco 5 đã thuê tư vấn và dự kiến hoàn thành các thủ tục cần thiết trong quý 1-2014. Tuy nhiên, theo ông Hùng, thời điểm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) sẽ phải xem xét cụ thể, phù hợp và đem lại hiệu quả cao nhất.

Đại diện Tổng công ty Công nghiệp ximăng VN (Vicem) cũng cho biết dự kiến đến năm 2015 sẽ hoàn tất tiến trình CPH. “Chúng tôi vừa thoái vốn tại dự án liên doanh Vicem - Lafarge, đang tiếp tục thoái vốn tại những dự án khác. Sau khi thoái vốn xong, Vicem sẽ đánh giá lại doanh nghiệp, tìm đối tác chiến lược, chọn thời điểm phù hợp để IPO” - vị đại diện nói.

Theo vị này, việc CPH “là hết sức cần thiết, doanh nghiệp cần làm. Vì nhà đầu tư sẽ nhìn vào tiềm lực phát triển của doanh nghiệp để quyết định có đầu tư theo hay không, nhất là khi các thông tin đã được minh bạch hóa”. Vấn đề mà doanh nghiệp băn khoăn là chọn thời điểm phù hợp để IPO. “Ngay cả khi doanh nghiệp đã hoàn tất CPH, chọn xong đối tác chiến lược, quyết được tỉ lệ chào bán ra bên ngoài là bao nhiêu, nhưng thời điểm không thuận lợi thì cũng không thể IPO như lộ trình đã đặt ra được” - vị này nói.

Chưa sẵn sàng từ bỏ vị thế lãnh đạo

Ông Trần Sơn Châu, tổng giám đốc Tổng công ty Thuốc lá VN (Vinataba), cho biết dù chưa có quyết định chính thức có CPH Vinataba hay không “do là ngành Nhà nước vẫn muốn giữ độc quyền”, nhưng Vinataba cũng đã chủ động CPH xong các đơn vị phụ trợ từ khá sớm. “Chúng tôi đã CPH xong sáu đơn vị phụ trợ thành viên và sẽ thực hiện ngay việc CPH Vinataba nếu Chính phủ có quyết định” - ông Châu khẳng định. Tuy nhiên, ông Châu cho rằng với đặc thù của ngành nghề mình, việc “Nhà nước nắm giữ tỉ lệ chi phối trên 50% là điều chắc chắn”.

Còn theo đại diện Vicem, do ximăng là ngành có đặc thù nên việc “Nhà nước vẫn giữ tỉ lệ chi phối sau CPH là điều đương nhiên, vì hiện nay có khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang dòm ngó thị trường ximăng VN, nếu không giữ tỉ lệ chi phối thì thị trường sẽ rơi vào tay họ”.

Trong khi đó, ông Trần Quang Nghị, tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex), cho biết “Vinatex đã chuẩn bị cho việc CPH từ khá sớm và liên tục đẩy nhanh tiến độ CPH ở các công ty thành viên. Và nếu được Chính phủ thông qua, Vinatex sẽ chọn thời điểm phù hợp để tiến hành IPO”. Cũng theo ông Nghị, hiện Vinatex còn chờ Chính phủ phê duyệt tỉ lệ cổ phần được bán ra cho nhà đầu tư chiến lược là bao nhiêu trong tỉ lệ 49% được phép bán ra bên ngoài. Nghĩa là, theo ông Nghị, Nhà nước vẫn nắm 51% cổ phần tại Vinatex sau CPH.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Lê Đăng Doanh cho rằng nhiều ngành nghề VN cho là nhạy cảm, nhất là các ngành như dệt may, ximăng... trên thế giới lại không được coi là những ngành chiến lược nhạy cảm, không có nắm giữ bí mật về khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng... Vì vậy, theo ông Doanh, việc Nhà nước nắm giữ 51% trở lên là không cần thiết. Cần xem xét CPH mạnh hơn để vừa thu hút được vốn bên ngoài, vừa thay đổi được quản trị, đổi mới được sức cạnh tranh, hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.

Việc các doanh nghiệp nhà nước muốn Nhà nước giữ cổ phần chi phối (51%), theo ông Doanh, cũng dễ hiểu bởi vị thế của lãnh đạo được giữ nguyên, cùng lắm là có thêm một ông nước ngoài ngồi vào ghế ủy viên HĐQT. Việc CPH, theo ông Doanh, nên tập trung thu hút được nhà đầu tư chiến lược tốt và nhìn vào những mục tiêu lớn hơn. “Đó là tận dụng được vốn, thị trường, thay đổi quản trị theo chuẩn thế giới, tham gia được vào chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả. Không nên vì lo sợ bị nước ngoài thâu tóm mà bỏ qua những cơ hội...” - ông Doanh nói.

Cuối năm 2014, Vietnam Airlines sẽ chuyển sang công ty cổ phần

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Viết Thanh, chủ tịch HĐTV Tổng công ty Hàng không VN (VNA), cho biết doanh nghiệp này đã triển khai các bước trong kế hoạch IPO công ty mẹ sớm hơn tiến độ nhưng do phải hoàn chỉnh một số điểm theo kết luận của kiểm toán nhà nước nên dự kiến chậm nhất sẽ IPO vào cuối quý 2-2014.

Theo ông Thanh, với khoảng 383 triệu cổ phiếu dự kiến được đưa ra đấu giá trong đợt IPO tới đây, VNA kỳ vọng sẽ thu được 200 triệu USD. Tuy nhiên đây chỉ là con số dự tính. Sau khi trình Chính phủ phê duyệt giá trị doanh nghiệp, VNA mới có thể công bố tổng giá trị vốn kỳ vọng tối thiểu trong lần IPO này là bao nhiêu. “Nếu theo đúng tiến độ, quá trình chuyển đổi mô hình doanh nghiệp từ Tổng công ty Hàng không VN (công ty mẹ) thành công ty cổ phần sẽ kết thúc trước 31-12-2014” - ông Thanh nói.

Theo chủ trương của Chính phủ, trong giai đoạn 1, Nhà nước giữ 70-75% tại VNA (công ty mẹ), còn lại bán ra cho nhà đầu tư chiến lược và công chúng. Việc giảm tỉ lệ vốn Nhà nước tại VNA sau giai đoạn I sẽ căn cứ vào tình hình thực tế. Về nhà đầu tư chiến lược, ông Thanh cho biết không loại trừ bất cứ thành phần nhà đầu tư nào. Tuy nhiên, VNA sẽ ưu tiên cho các hãng hàng không có mạng đường bay, sản phẩm và công nghệ phù hợp, có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh cho VNA sau CPH. Ngoài ra cũng sẽ ưu tiên đến các cổ đông chiến lược là các định chế, tổ chức tài chính khác.

LÊ NAM

C.V.KÌNH - TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên