28/11/2013 06:23 GMT+7

Không thể chủ quan với lạm phát

NGUYỄN THIỆU (nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng)
NGUYỄN THIỆU (nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng)

TT - Theo Tổng cục Thống kê thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11-2013 chỉ tăng 0,34%. Như vậy, nếu so với tháng 12-2012, CPI cả nước mới tăng 5,5% - thấp hơn nhiều mục tiêu đã nêu là 7%.

Mức tăng trên cũng thấp nhất trong năm năm. Điều đáng mừng là sau mức tăng mạnh tháng 9-2013 (tăng tới 1,06%), CPI hai tháng gần đây đã có xu hướng giảm (tháng 10 chỉ tăng 0,49% và tháng 11 tiếp tục giảm còn 0,34%)... Tuy nhiên, CPI chỉ là con số phản ánh thực trạng nền kinh tế và nếu nhìn vào thực chất đằng sau con số này, CPI tăng thấp không hẳn là đáng mừng.

Chỉ số CPI năm nay, nếu loại trừ yếu tố tăng giá các loại dịch vụ như y tế, giáo dục... thì có thể còn thấp hơn nhiều. Nên bên cạnh việc chứng minh các biện pháp kiềm chế lạm phát có tác dụng, nó còn khẳng định thực tế là sức mua của người dân yếu, đầu tư yếu, và CPI thấp cũng nhờ được “hỗ trợ” bởi mức tăng trưởng không cao...

Dự kiến, CPI cả năm 2013 sẽ khoảng 6%. Thật ra đây không hẳn là con số thấp, thậm chí vẫn là cao so với một số nước trong khu vực. Năm 2014, theo một đánh giá mới đây tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, với việc Chính phủ nới được bội chi ngân sách từ 4,8% lên 5,3% GDP, rồi tăng cường phát hành trái phiếu chính phủ... chỉ số CPI năm 2014 có thể sẽ lên đến trên 8%. Đây là con số đáng tin cậy, là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Đó là chưa kể đến các yếu tố như giá điện sẽ phải tăng, giá xăng dầu sẽ theo thị trường, tiền lương cũng sẽ phải điều chỉnh. Ngoài ra, còn những yếu tố không thể định lượng được, như tâm lý, đầu cơ... khi đã có nhiều thông tin Chính phủ muốn tăng tín dụng, muốn gỡ băng thị trường bất động sản... Chỉ cần một làn sóng, rất có thể lạm phát lại tăng mạnh. Vì vậy, bối cảnh hiện nay, theo tôi, không thể chủ quan và xem thường lạm phát.

Đã có ý kiến lo ngại trước những áp lực muốn tăng trưởng trở lại, rồi các quy hoạch sân bay, bến cảng... không khác nhiều so với trước đây. Với việc Chính phủ tăng bội chi, vay mượn qua trái phiếu chính phủ, theo tôi, cần tìm và chỉ ra giới hạn an toàn mà ở đó kinh tế có thể ấm lên, nhưng không khiến lạm phát và mất ổn định vĩ mô quay trở lại. Giới hạn trên cần được xác lập ba tháng một lần để tránh những xu hướng thái quá.

Chúng ta đã mất gần 10 năm tăng trưởng thấp, chỉ khoảng 5-7%, trong khi tăng trưởng phải cao hơn thì đến năm 2020 VN mới cơ bản thành nước công nghiệp. Nếu để lạm phát, bất ổn quay trở lại, cái giá sẽ là quá đắt và những gì chúng ta từng phải chịu đựng thời gian qua hoàn toàn có thể tái lập, những điều chúng ta đã cố gắng có thể trở nên vô nghĩa. Vì vậy, điều quan trọng là làm sao phải huy động tốt hơn đầu tư tư nhân hiệu quả, tái cơ cấu nền kinh tế cần được đẩy mạnh để đem lại hiệu quả trên thực tế... Nếu chỉ cố gắng tăng trưởng trong khi cơ cấu vẫn như cũ, cách làm như cũ... thì sẽ rất nguy hiểm, bởi sau những khối tài sản giả tạo, rồi những làn sóng đầu tư qua đi, cái nhận được cuối cùng sẽ vẫn chỉ là bất ổn, mất mát.

NGUYỄN THIỆU (nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên