23/07/2013 21:54 GMT+7

Kỳ 2: Xa vời... chính sách ưu đãi

NHƯ BÌNH - ĐÌNH DÂN
NHƯ BÌNH - ĐÌNH DÂN

TT - Không cụ thể, chưa sát thực tế, khó tiếp cận chính sách ưu đãi... là nhận xét của những doanh nghiệp, chuyên gia tham gia trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ khi nói về các chương trình ưu đãi của Chính phủ hiện nay trong việc phát triển ngành công nghiệp này.

BbrXbOWl.jpgPhóng to
Công nhân sản xuất sản phẩm chi tiết của máy CNC (một loại máy làm ra khuôn để phục vụ sản xuất hoặc chế tạo ra các máy tự động hóa) tại xưởng của Công ty Huỳnh Đức (Đồng Nai) - Ảnh: N.T.PHÚC

Bước vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhiều năm nay, hiện là đơn vị cung ứng cho các tập đoàn Intel, Nidec... nhưng lãnh đạo Công ty TNHH thương mại - dịch vụ và sản xuất Huỳnh Đức (Đồng Nai) cho biết vẫn không thể tiếp cận các hỗ trợ, ưu đãi tạo điều kiện trong lĩnh vực này.

Tự xoay xở...

Hiện Công ty Huỳnh Đức có hai nhà xưởng sản xuất tại Đồng Nai và Đà Nẵng chuyên hoạt động trong lĩnh vực cơ khí công nghiệp, lắp ráp máy sản xuất băng tải, băng chuyền, thiết bị hỗ trợ sản xuất, gia công chấn bẻ định hình các loại thép tấm, inox tấm, tiện hay bào các chi tiết chính xác trên máy công nghệ cao... Ông Lê Đức Hoài, tổng giám đốc Công ty Huỳnh Đức, cho biết: “Các chính sách nhằm hỗ trợ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã có, nhưng bản thân doanh nghiệp chúng tôi rất khó tiếp cận được. Đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực này càng khó tiếp cận”.

"Việc ưu đãi trong phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ không chỉ nằm ở việc ra chính sách chung chung mà phải có những văn bản hướng dẫn rõ ràng để doanh nghiệp tiếp cận được với các chủ trương đã có"

Ông Lê Đức Hoài(tổng giám đốc Công ty Huỳnh Đức)

Cũng theo ông Hoài, vừa qua Công ty Huỳnh Đức mở rộng hoạt động sản xuất nhưng khi doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách ưu đãi lại không có những văn bản hướng dẫn đầy đủ. Chẳng hạn, năm 2010 Công ty Huỳnh Đức được mời tham gia ngày hội những nhà cung cấp cho Tập đoàn Intel. Tuy nhiên thời điểm đó doanh nghiệp chưa đủ mạnh về quy mô để đáp ứng những điều kiện của Intel đưa ra. Nhưng với quyết tâm, Huỳnh Đức lên kế hoạch đầu tư 4.000m2 nhà xưởng, mua máy móc và thuê thêm nhân công tại Đồng Nai. Thế nhưng theo ông Hoài, khi thực hiện mở rộng quy mô để đáp ứng điều kiện của Intel lại không tiếp cận được các chính sách ưu đãi, đặc biệt về vốn. Ông Hoài cho biết: “Hiện nay chúng tôi tiếp tục mở rộng quy mô tại Đà Nẵng với nhà máy có diện tích 9.000m2, tuy nhiên khi xin giấy phép đầu tư thì phía các ban ngành chưa có hướng dẫn cụ thể được ưu đãi cái gì dù Nhà nước đã có chủ trương ưu đãi doanh nghiệp trong lĩnh vực này”.

Tương tự, là nhà cung cấp dây điện từ và thanh dẫn điện cho ngành sản xuất thiết bị điện, linh kiện điện tử ở nhiều công ty lớn có mặt tại VN như GE (Mỹ), ABB (Thụy Sĩ)..., ông Hồ Thanh Tâm, giám đốc chất lượng Công ty cổ phần Ngô Han, cho biết dù trải qua nhiều giai đoạn gặp khó khăn, công ty vẫn tự thân vận động, hầu như không biết chương trình hỗ trợ nào dành cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ.

Chương trình hỗ trợ duy nhất đến nay Ngô Han tham gia là năm 2006, TP.HCM thực hiện chương trình sản phẩm chủ lực của thành phố nhưng sau khi kết thúc thì đâu lại vào đó. Muốn cung ứng cho các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp cần phải có sự ổn định trong nguồn hàng, cơ chế kiểm soát chất lượng sản phẩm nghiêm ngặt và không hề dễ để làm được điều này đối với một doanh nghiệp vừa và nhỏ VN.

Thực tế từ năm 2011 Chính phủ đã có quyết định về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ, chưa kể một loạt chính sách ưu đãi khác dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ mà doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ là một phần trong đó. Tuy nhiên theo bà Lê Bích Loan - phó trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, các chính sách thu hút này chưa rõ ràng và chưa chạm đến nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, còn rất chung chung. “Theo hướng dẫn của Bộ Công thương, muốn được hưởng ưu đãi thì doanh nghiệp phải trình dự án, xét duyệt, chờ đợi thẩm định... như vậy lại quay về cơ chế xin cho. Đáng ra cần có những tiêu chí cụ thể, doanh nghiệp, dự án nào đáp ứng các tiêu chí ấy thì đương nhiên được hưởng ưu đãi” - bà Lê Bích Loan nói.

Khó đáp ứng...

Trong khoảng 10 doanh nghiệp VN đang tham gia chuỗi cung ứng phụ trợ cho Công ty Intel VN, phần lớn chỉ dừng ở dạng sơ cấp, chưa thể chạm đến những công đoạn kỹ thuật cao.

Bà Lê Bích Loan cho biết trình độ công nghệ hỗ trợ của doanh nghiệp VN còn hạn chế, chưa theo kịp với sự phát triển chung, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao. “Các doanh nghiệp VN hiện chỉ có thể tham gia công nghiệp hỗ trợ dạng cấp thấp, kỹ thuật đòi hỏi không quá cao. Sự thiếu đầu tư nghiêm túc cho chất lượng sản phẩm, nguồn lực tài chính yếu, nhân lực kém nhạy cảm, ít biết nắm bắt cơ hội được cho là nguyên nhân chính của thực trạng trên” - bà Loan nói.

Cùng quan điểm, ông Chu Tiến Dũng, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tin học TP.HCM, cho biết nhiều nhà đầu tư khi vào VN cũng mong muốn tìm những nhà cung cấp VN, nhưng cuối cùng đành thất vọng chọn phương án nhập khẩu.

Các chuyên gia cho rằng để tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm ngoài cạnh tranh về giá, doanh nghiệp phải vượt qua vòng chọn đấu thầu quốc tế với những yêu cầu tiêu chuẩn có sẵn. Thứ nhất là đảm bảo uy tín, thứ hai là có công nghệ tương đồng, trình độ quản trị đồng nhất, không quá chênh lệch. Khó nhất hiện nay của doanh nghiệp là phải sản xuất tập trung và tạo ra sản lượng sản phẩm đủ lớn.

Ông Osato Kazuhiko, giám đốc Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại TP.HCM (Jetro), nhận xét trải qua nhiều năm, Jetro và một số đơn vị của VN đã tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài thông qua các buổi triển lãm về ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, đến nay ngành công nghiệp hỗ trợ của VN vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều tập đoàn lớn quốc tế.

Theo kết quả khảo sát được công bố tháng 12-2012 của Jetro, gần 90% nhà cung cấp ngành công nghiệp hỗ trợ ở VN cho công ty đa quốc gia hiện nay là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Ràng buộc trách nhiệm nhà đầu tư nước ngoài

Ông Chu Tiến Dũng cho rằng những hỗ trợ trong công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ hiện nay đúng nhưng chưa đủ, tuy có tầm nhìn nhưng cam kết lại không quyết liệt. “Công nghiệp hỗ trợ yếu do còn phát triển rời rạc, cần phải đầu tư tập trung để xây dựng được thương hiệu. Ngoài ra, chúng ta cũng cần áp dụng chính sách gà mẹ và đàn gà con. Nghĩa là bên cạnh ưu đãi cũng phải ràng buộc trách nhiệm cho nhà đầu tư nước ngoài, chấp nhận đánh đổi để nhà đầu tư nước ngoài hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước” - ông Dũng nêu ý kiến.

NHƯ BÌNH - ĐÌNH DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên