13/07/2013 11:16 GMT+7

An toàn thực phẩm: Luật nhiều, vi phạm vẫn tràn lan

H.ĐIỆP - L.SƠN
H.ĐIỆP - L.SƠN

TT - Tại hội nghị phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng diễn ra ở TP.HCM ngày 12-7, nhiều đại biểu cho rằng vấn nạn thực phẩm thiếu an toàn vẫn đang đe dọa sức khỏe người tiêu dùng mỗi ngày.

yGLkEzLN.jpgPhóng to
Gà ngâm hóa chất bị lực lượng cảnh sát bắt giữ tại Hà Nội vào tháng 4-2013 - Ảnh: Nguyễn Khánh
5UmYaO9k.jpgPhóng to
Các loại thực phẩm không có nhãn mác, xuất xứ, hạn sử dụng bày bán tại chợ Bến Thành, Q.1, TP.HCM (ảnh chụp chiều 12-7) - Ảnh: THUẬN THẮNG

Hàng loạt vụ vi phạm kinh doanh thịt thối, phụ gia thực phẩm hết hạn sử dụng, sản phẩm không nhãn mác đã bị phát hiện thời gian qua.

Vi phạm tràn lan

Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM vừa có quyết định xử phạt hơn 80 triệu đồng đối với vi phạm về kinh doanh các sản phẩm phụ gia thực phẩm của Công ty CP hóa chất Hòa Bình (Tân Thới Hiệp, quận 12). Ngoài việc kinh doanh hàng nhập lậu, bán hàng không lập hóa đơn, Công ty Hòa Bình bị cơ quan chức năng bắt quả tang đang thực hiện hành vi “phù phép” nhãn mác hàng chục tấn phụ gia thực phẩm. Chỉ với các dụng cụ như máy trộn, cân, máy đóng gói và các loại bao bì, công ty này đã “phù phép” hàng loạt hóa chất đã hết hạn sử dụng để kéo dài thêm 2-3 năm. Cụ thể, các sản phẩm phụ gia đã hết hạn sử dụng từ tháng 12-2012 và 5-2013 được “hồi sinh” đến tháng 1-2015.

“Nếu không bắt được quả tang, người tiêu dùng cũng như ngay cả cơ quan chức năng khó có thể phát hiện sản phẩm bị lỗi khi chúng được tuồn ra thị trường. Bởi bao bì sản phẩm cùng các thông tin sản phẩm được in ấn rõ nét, mới toanh. Khi mua sản phẩm, người tiêu dùng hầu hết đều dựa trên những thông tin ghi trên bao bì” - đại diện QLTT cho hay. Trước đó, QLTT đã kiểm tra Công ty Hòa Bình, phát hiện đơn vị này đang trộn và đóng gói hàng chục tấn phụ gia thực phẩm đã quá hạn sử dụng, hầu hết nguyên liệu để pha trộn đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Những chất phụ gia thực phẩm như sodium citrate, citric acid anhydrous được dùng phổ biến trong việc điều chỉnh độ pH, chống oxy hóa có tác dụng bảo quản trong thực phẩm (bánh, sản phẩm tinh bột...) và nước giải khát.

Trong khi đó, khảo sát tại khu chợ đầu mối Kim Biên (Q.5), các sản phẩm phụ gia thực phẩm tại đây được bày bán tràn lan. Người tiêu dùng hầu như không thể xác định rõ được xuất xứ, chất lượng sản phẩm, thời hạn sử dụng... bởi hầu hết sản phẩm loại này được đựng trong các thùng, can nhựa lớn. Trên sản phẩm chỉ ghi các thông tin chung chung bằng bút lông, có thể tẩy xóa, sửa chữa dễ dàng. Tương tự, các sản phẩm thực phẩm khô, bánh kẹo... tại các chợ An Đông, Bình Tây... cũng được bày bán dạng đổ đống. Nhiều sản phẩm bánh kẹo xuất xứ nước ngoài không có bất cứ thông tin bằng tiếng Việt. Những sản phẩm thực phẩm khô được đóng bịch lớn không có các thông tin sản phẩm như đơn vị sản xuất, hạn sử dụng...

Luật chưa đi vào cuộc sống

Tại hội nghị phổ biến Luật về an toàn thực phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng diễn ra sáng 12-7, Cục Quản lý cạnh tranh và Vụ Pháp chế Bộ Công thương cho biết hiện có đến 50 văn bản luật, nghị định, thông tư quy định cụ thể trách nhiệm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng đã được ban hành và hiện đang còn hiệu lực. Trong đó quy định rõ ràng các bộ, ban ngành liên quan có trách nhiệm đến đâu, khâu nào trong việc quản lý thực phẩm đối với người tiêu dùng.

Theo thống kê của Chi cục QLTT TP.HCM, trong sáu tháng đầu năm 2013 cơ quan này đã kiểm tra, phát hiện gần 300.000 sản phẩm và khoảng 300 tấn thực phẩm vi phạm. Riêng sản phẩm sữa nhập lậu không kiểm định chất lượng bị tịch thu lên đến trên 13.000 chai. Các sản phẩm thực phẩm khác như đường, bột ngọt từ Trung Quốc, Thái Lan nhập lậu trên 55 tấn. Đặc biệt, một lượng lớn sản phẩm bột ngọt từ Trung Quốc được “phù phép” thành các thương hiệu lớn của VN để tuồn ra thị trường.

Ông Phan Khánh An, chuyên viên Cục Quản lý cạnh tranh, cho rằng hiện nay luật và các loại thông tư đầy đủ, nhưng cần nhất vẫn là việc phổ biến luật đến người tiêu dùng để họ có thể biết bảo vệ quyền lợi của mình một cách hợp pháp. “Người tiêu dùng thường rất tin tưởng vào các cơ quan truyền thông và quảng cáo trên truyền hình, nếu truyền hình quảng cáo sai thì người dân cũng sẽ mua phải sản phẩm không tốt. Chẳng hạn, trước đây từng xảy ra việc quảng cáo 100% sữa tươi nguyên chất, như vậy là nói dối người tiêu dùng” - ông An nói.

Trước đó, tại hội thảo “Nhìn lại hai năm triển khai thực thi Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” diễn ra ngày 11-7 tại TP.HCM, nhiều đại biểu cũng cho rằng rất khó xác định chất lượng sản phẩm cũng như những thiệt hại. Theo luật gia Phan Thị Việt Thu, mặc dù luật đã có yêu cầu bồi thường khi hàng hóa dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, chất lượng... được công bố, nhưng công tác thẩm định chất lượng để người tiêu dùng yêu cầu tổ chức kinh doanh bồi thường không hề đơn giản. “Khi người tiêu dùng sử dụng chai sữa hoặc nước ngọt có dấu hiệu chất lượng khác thường, nhưng việc yêu cầu bồi thường rất phức tạp, trong đó chỉ riêng việc xem xét chất lượng sản phẩm có thật hư hại như phản ảnh của người tiêu dùng hay không cũng là một vấn đề lớn. Hơn nữa, rất khó xác định mức nguy hại của việc sử dụng sản phẩm, do nó không xảy ra ngay lập tức mà có thể tích tụ gây các chứng bệnh và nhiều năm sau mới phát tác” - bà Thu cho hay.

Trước câu hỏi làm thế nào để bảo vệ người tiêu dùng một cách hiệu quả nhất trước vấn đề thực phẩm hiện nay, ông Phạm Đình Thưởng - phó vụ trưởng Vụ Pháp chế - cho rằng việc cần thiết hiện nay chính là các cơ quan ban ngành phải xiết chặt lại tất cả các khâu: “Luật quy định rõ rồi, chỉ lo thực thi ra sao cho hiệu quả thôi, và tôi nghĩ cần thiết phải có nhiều biện pháp để tuyên truyền đến với người dân để họ hiểu quyền lợi của mình” - ông Thưởng nói.

H.ĐIỆP - L.SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên