06/07/2013 11:01 GMT+7

Lúa, cá nhiều nhưng nông dân vẫn nghèo

LÊ DÂN - CHÍ QUỐC
LÊ DÂN - CHÍ QUỐC

TT - Trước tình hình khó khăn của ngành nông nghiệp, ngày 5-7 tại TP Cần Thơ, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã tổ chức hội nghị “Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo và thủy sản...”.

Kỳ 1: Nông dân bỏ ruộng Kỳ 2: Tháo chạy khỏi ngành chăn nuôiNhiều nông sản rớt giáCần thay đổi tư duy sản xuất

vKdxgQFn.jpgPhóng to
Nhiều chuyên gia đề nghị ngành cá tra tại ĐBSCL sắp tới cần tập trung phát triển chất lượng và thương hiệu thay vì phát triển quá nhanh như vừa qua. Trong ảnh: mua cá tra tại Khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ - Ảnh: Chí Quốc

280 đại biểu là đại diện chính quyền các tỉnh và doanh nghiệp ở ĐBSCL đã tham gia hội nghị, cùng “bắt mạch” thực trạng nông nghiệp ĐBSCL và kiến nghị những giải pháp thúc đẩy ngành này phát triển trong điều kiện khó khăn hiện nay.

Gạo bị ép giá

"Mục tiêu của chúng ta không phải là lúa nhiều mà là thu nhập và đời sống của nông dân. Bộ hướng dẫn trên phạm vi cả nước, địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể về đất đai mà hướng dẫn đến từng xã, từng mảnh đất, hướng dẫn và đem lại hiệu quả cao nhất cho dân"

Bộ trưởng Cao Đức Phát

Theo Bộ Công thương, đến hết tháng 6-2013 xuất khẩu gạo của VN ước đạt gần 3,5 triệu tấn, giá FOB xuất khẩu bình quân là 431,45 USD/tấn, giảm 20,23 USD/tấn. Tổng lượng gạo tồn kho chờ xuất khẩu của doanh nghiệp còn gần 1,7 triệu tấn. Gạo của VN đang bị nhà nhập khẩu ép giá do không có yếu tố hợp đồng tập trung số lượng lớn để dẫn dắt giá. Thương nhân Trung Quốc mua số lượng lớn nhưng tiếp tục xu hướng hủy hợp đồng hoặc tạm ngừng nhận giao hàng để ép các doanh nghiệp VN đàm phán với giá thấp hơn. Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu thụ sụt giảm trên toàn cầu, các rào cản kỹ thuật ngày càng được dựng lên nhiều hơn, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất do đơn đạt hàng thấp, thiếu vốn, chi phí sản xuất tăng cao.

Ông Phạm Hoàng Bê, chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng thời gian qua nông dân luôn chịu thiệt thòi do Nhà nước không có cơ chế hỗ trợ đầu vào như vật tư nông nghiệp, phân bón... Do đó, ông Bê đề xuất Bộ NN&PTNT nên giao địa phương quy hoạch trồng giống phù hợp với thế mạnh, đặc thù của địa phương vì nhiều nông dân không quan tâm đến loại giống nào sản lượng cao mà chỉ trồng giống nào bán được.

Còn theo ông Đào Anh Dũng - phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, khi doanh nghiệp đã tìm được thị trường rồi thì đặt hàng ngành nông nghiệp sản xuất để đáp ứng cho doanh nghiệp, không để xảy ra tình trạng sản xuất manh mún. Thực hiện cánh đồng mẫu lớn liên kết được nông dân với nông dân và nông dân với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản.

Tập trung giữ chất lượng

Trước thực trạng giá lúa giảm do nguồn cung dư thừa, có ý kiến cho rằng nên chuyển dịch đất trồng lúa sang cây trồng khác. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Thế Năng - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, các địa phương nên bình tĩnh, không đổ thừa lẫn nhau. Ông Năng phân tích nếu chuyển sang trồng đậu nành, bắp liệu giá thành sản xuất của mình có thấp hơn so với việc nhập khẩu?

Theo ông Năng, mặc dù xuất khẩu gạo gặp khó nhưng chỉ ở thị trường cấp thấp, còn thị trường gạo cấp cao vẫn phát triển tốt và nên tập trung vào thị trường này. Còn đối với con cá tra, các doanh nghiệp VN bị kiện bán phá giá hay áp thuế chống bán phá giá do cung vượt cầu, doanh nghiệp tranh bán phải hạ giá lại rơi vào vòng luẩn quẩn. Ông Năng cho rằng nên giữ sản lượng hoặc giảm sản lượng trong 1-3 năm tới, tập trung vào nâng cao chất lượng và giá trị, đồng thời xây dựng thương hiệu cho con cá tra VN. “VN xuất khẩu cá tra một mình một chợ nên tự dàn xếp sẽ thành công” - ông Năng nói.

Hiệp hội Lương thực VN (VFA) phân tích giá gạo xuất khẩu không thể tốt hơn do tồn kho khổng lồ, thế giới đang tồn kho 173 triệu tấn lương thực, trong đó Thái Lan tồn kho 17 triệu tấn gạo lại đang vào vụ mùa chính. Trong đàm phán, các nhà nhập khẩu không đồng ý mua gạo hè thu mà chỉ mua gạo vụ đông xuân, trong khi giá gạo của hai vụ này chênh lệch khoảng 30 USD/tấn. Tuy nhiên, theo ông Trương Thanh Phong - chủ tịch VFA, không nên quá bi quan, gạo VN vẫn còn “cửa” vì trong quý 3-2013 Ấn Độ không thể giảm giá xuất khẩu, Thái Lan vẫn giữ giá xuất khẩu nên là cơ hội cho gạo VN.

Quyết liệt tái cơ cấu

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đề nghị vấn đề cây lúa, cá tra và con tôm cần phải có điều chỉnh căn cơ, bắt đầu từ điều chỉnh cơ cấu sản xuất. Theo đó, thống nhất không phải điều chỉnh giảm sản lượng lúa hay giảm sản lượng một số loài cây, con mà cái chính là hướng dẫn nông dân điều chỉnh trồng cây gì, nuôi con gì đem lại thu nhập cao. Ông cho rằng đã đến lúc ngành nông nghiệp thay vì sản xuất theo chiều rộng, tăng sản lượng nhưng chất lượng thấp, phải chuyển sang nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua nâng chất lượng, giảm giá thành sản xuất để tăng thu nhập cho nông dân. Theo ông Phát, những nơi nào trồng lúa kém hiệu quả sẽ phải rà soát lại để có điều chỉnh, không nhất thiết đất lúa là phải trồng lúa. “Mục tiêu của chúng ta không phải là lúa nhiều mà là thu nhập và đời sống của nông dân. Bộ hướng dẫn trên phạm vi cả nước, địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể về đất đai mà hướng dẫn đến từng xã, từng mảnh đất, hướng dẫn và đem lại hiệu quả cao nhất cho dân” - ông Phát nhấn mạnh.

Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo các bộ ngành và địa phương cần triển khai thực hiện tốt quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu nông nghiệp, việc quy hoạch lại sản xuất trước đây nếu đã làm rồi thì phải rà soát lại cho tốt hơn. Phó thủ tướng cho rằng trước đây ta quan niệm giữ 3,8 triệu hecta đất trồng lúa thì bây giờ có thể chuyển đổi sang trồng sản phẩm khác nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương phải có thông tin về thị trường, cân đối cung cầu, dự báo cho các địa phương để có sự tái cơ cấu phù hợp.

Đặc biệt Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo cần nghiên cứu thành lập thí điểm quỹ hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đặc biệt lúc giá bị giảm, khi giá cả lên xuống vẫn duy trì ổn định cho dân. Về vấn đề các doanh nghiệp tự cạnh tranh rồi triệt tiêu nhau ngay trên thế mạnh của mình, Phó thủ tướng cho rằng cần hoàn thiện tiếp việc đưa ra tiêu chí, tiêu chuẩn cho các hoạt động doanh nghiệp trên từng lĩnh vực, phù hợp đặc điểm trên từng địa bàn, không để phát triển tự do, bừa bãi dẫn đến triệt tiêu lẫn nhau như hiện nay.

Bơm vốn cho doanh nghiệp có khả năng tồn tại

Liên quan vấn đề tái cấu trúc ngành thủy sản, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình dẫn chứng trường hợp Công ty Bình An (Cần Thơ) được tái cơ cấu và khẳng định nếu rà soát thấy doanh nghiệp còn khả năng tồn tại thì cơ cấu lại vốn, nhưng những doanh nghiệp chắc chắn không có cơ hội phát triển được nữa thì phải cho nghỉ. Ông Bình đề nghị cần có quy hoạch lại sản lượng, chất lượng cá tra để trên cơ sở những tiêu chí cụ thể đó ngân hàng cấp vốn và tái cấu trúc.

LÊ DÂN - CHÍ QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên