04/07/2013 09:24 GMT+7

Nông dân bỏ ruộng

TRẦN MẠNH - ĐỨC VỊNH - THANH TÚ
TRẦN MẠNH - ĐỨC VỊNH - THANH TÚ

TT - Hai vụ liên tiếp giá lúa giảm khiến nông dân khốn đốn. Biện pháp tạm trữ đã không còn phát huy được tác dụng như mong muốn. Các chuyên gia cho rằng VN cần thay đổi chiến lược sản xuất và xuất khẩu lúa gạo.

Được coi như là bà đỡ của nền kinh tế nhưng nông nghiệp VN đang bước vào giai đoạn cực kỳ khó khăn khi giá các loại nông sản đồng loạt giảm. Nhiều nông dân buộc phải bỏ nghề lên thành phố kiếm sống.

Nhiều nông sản rớt giáCần thay đổi tư duy sản xuất

nBa8yaDt.jpgPhóng to
Bà Trương Thị Phương (thị trấn Thạnh An, Vĩnh Thạnh, Cần Thơ) bên đống lúa hè thu không bán được - Ảnh: ĐỨC VỊNH

Những ngày cuối tháng 6-2013, tại huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), nhiều người dân sau khi thu hoạch đang tận dụng những khoảnh đất trống để phơi lúa, nhiều đống lúa đã lên mốc đen sậm.

Buồn với giá lúa

Ngồi bên đống lúa xám đen bên bờ đê, bà Trương Thị Phương - ấp Phụng Quới A, thị trấn Thạnh An - than thở gia đình làm 70 công ruộng thu hoạch vừa xong bán chỉ được 3.600 đồng/kg, còn đống lúa này chừng 3 tấn kêu bán 2.700 đồng/kg mà chẳng ai chịu mua. Bà Phương bảo giá bán thấp đã cầm chắc thua lỗ, đã vậy gặp mưa kéo dài lúa bị sập cho năng suất thấp, khi thu hoạch bị hao hụt khá nhiều. “Tiền thuê máy gặt tăng lên 500.000 đồng mỗi công. Lỗ gần 50 triệu đồng” - bà Phương than vãn.

"Ngay cả lúa khô loại jasmine năm trước 7.000-7.300 đồng/kg, giờ chỉ xấp xỉ 6.000 đồng/kg lại khó bán. Vụ đông xuân rồi trồng lúa hầu như chẳng có lời, tiếp đến vụ này bà con mình... khốn đốn"

Ông Nguyễn Minh Nghĩa (phó Phòng NN&PTNT huyện Tân Hiệp, Kiên Giang)

Xã Thạnh Quới hiện thu hoạch gần dứt điểm vụ hè thu, nông dân đang than trời vì thua lỗ. Ông Huỳnh Tấn Hải - phó chủ tịch UBND xã - cho hay giá lúa tươi bán tại ruộng loại hạt tròn 3.600 đồng/kg, loại hạt dài chất lượng cao cũng chỉ 4.100 đồng. Dù đang đợt thu mua tạm trữ nhưng giá lúa vẫn không nhích lên.

Tại huyện Tân Hiệp (Kiên Giang), tình cảnh cũng tương tự. Không bán được lúa, người dân phơi lúa dọc bờ kênh, đầy sân nhà, đưa cả vào khuôn viên nhà thờ. Vừa bán lúa xong ông Lê Văn Bình - ấp Phụng Phụng, xã Phụng Tiến - ngồi nhẩm tính gia đình mình làm 20 công ruộng, tổng chi phí các khoản cho vụ rồi hết 48 triệu đồng, thu hoạch được 10 tấn lúa bán giá 3.600 đồng/kg, tính ra lỗ hơn chục triệu đồng. “Vụ hè thu thường chi phí sản xuất cao, lại luôn gặp mưa gió bất thường cho năng suất thấp, thu hoạch hao hụt nhiều nên rất khó có lãi. Vụ nào bán được giá còn đỡ, chứ giá dưới 4.000 đồng/kg thì... mệt lắm” - ông Bình kể lể. Ông Nguyễn Thành Hinh - trưởng ấp Kinh 3A, xã Tân Hiệp A - cho biết thêm cách đây năm ngày trở về trước giá lúa chỉ có 2.800 đồng/kg, nông dân chỉ biết ngồi giữa ruộng khóc ròng. Chỉ đống lúa chất đầy nhà, ông Hinh bảo: “Gia đình tôi và nhiều hộ thuê xe công nông chở lúa về nhà trữ lại, mấy ngày nay giá lúa nhích lên nhưng nếu trừ đi chi phí chuyên chở tính ra chẳng được lợi hơn là bao”.

Ông Nguyễn Minh Nghĩa - phó Phòng NN&PTNT huyện Tân Hiệp - cho biết huyện có diện tích 36.600 ha lúa hè thu, đến nay đã thu hoạch xong 27.000 ha. Trên địa bàn có năm doanh nghiệp kinh doanh lương thực lớn đặt cơ sở thu mua chế biến gạo xuất khẩu cùng với 300-400 bạn hàng xáo có nhà máy xay xát chế biến và ghe tàu chuyên thu mua lúa. Vậy mà kể từ khi triển khai mua tạm trữ từ ngày 15-6 tới nay giá lúa vẫn giậm chân tại chỗ.

cs62mj7J.jpgPhóng to
Nguồn: tổng hợp Sở NN&PTNT các địa phương - Đồ họa: VĨ CƯỜNG

Bỏ ruộng, bán đất

Hai năm trở lại đây, giá lúa năm sau giảm hơn năm trước, vụ sau giảm hơn vụ trước trong khi chi phí vật tư, tiêu dùng ngày một tăng khiến nhiều hộ dân trồng lúa lâm vào cảnh làm chẳng đủ ăn. Ngay cả những hộ có trên 1ha trồng lúa cũng đang tìm cách bỏ ruộng tìm nghề khác ổn định hơn.

Cầm trên tay số tiền bán lúa, ông Lê Văn Lô (76 tuổi, ngụ ấp 3, xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) tần ngần đếm tới đếm lui có vẻ tâm trạng lắm. “Không đủ trả nợ chú ơi. Ba đời làm lúa mà thu hoạch xong không còn một đồng lận lưng” - ông Lô cười chua chát. Gần đó ông Chín Toản ở cùng xã có tới 2,5ha đất nhưng cũng không chịu nổi với nghề trồng lúa. Được công nhận là nông dân sản xuất giỏi, mỗi năm thu 70 triệu đồng từ trồng lúa nhưng đời sống vẫn bấp bênh. “70 triệu đồng thì lớn nhưng nếu chia cho năm nhân khẩu thì mỗi người được 1,2 triệu đồng/tháng. Số tiền này chi cho ăn mặc, học hành, thuốc men chữa bệnh, đám tiệc... thì chẳng thấm vào đâu. Nếu vụ nào giá lúa cũng thấp, thua lỗ như vụ hè thu này thì chỉ còn cách ôm cục nợ” - ông Toản tính toán.

Theo ông Phan Quốc Tiến - bí thư Đảng ủy xã Ba Sao, ở xã này có 2.000 hộ dân được xem là “có số má” khi sở hữu hơn 1ha/hộ. Người ta nói vui là có nhiều đất là người giàu có nhưng gần như không có ai giàu cả. Mỗi hộ trung bình có bốn nhân khẩu nhưng vì giá lúa ngày càng thấp nên đã xảy ra chuyện ngược đời là càng nhiều đất càng thua lỗ, càng ôm nợ nhiều.

Trong khi những người có nhiều ruộng đã phải vất vả kiếm sống thì những người thuê đất làm lúa càng khổ hơn. Ông Ba Lực ở huyện Chợ Mới (An Giang) là một trường hợp điển hình. Không có ruộng, gia đình ông Lực phải mượn tiền của người thân để sang tận xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) thuê đất làm lúa. Vụ hè thu này gia đình ông thuê gần 5ha, giá thuê 7 triệu đồng/ha. Thu hoạch, bán xong, tính toán mới thấy lỗ 40 triệu đồng. Dù muốn tháo chạy nhưng đã lỡ ký hợp đồng thuê đất hai năm và trả tiền rồi nên bây giờ ông phải tiếp tục xuống giống với hi vọng vụ tới lỗ ít hơn. “Hết thời hạn thuê đất tui sẽ trả đất về quê chú ơi. Bám víu cây lúa chắc có ngày cả gia đình ra đường ăn xin đó” - ông Ba Lực buồn bã.

Tạm trữ không ăn thua

Mấy năm trở lại đây, sản lượng lúa của VN năm sau cao hơn năm trước nên mỗi khi vào vụ người dân lại lo lắng tìm cách tiêu thụ. Chính phủ hầu như vụ nào cũng phải tạm trữ lúa gạo nhưng biện pháp này ngày càng trở nên không hiệu quả. TS Đặng Kim Sơn, viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng tạm trữ không giải quyết được vấn đề của ngành lúa gạo. Về nguyên tắc thì tăng cầu sẽ đẩy giá lúa gạo lên. Nhưng mua tạm trữ như VN là biện pháp gián tiếp. Nhà nước giao tiền cho ngân hàng, ngân hàng chọn một số doanh nghiệp được hưởng đặc quyền trợ cấp tín dụng cho họ mua lúa trữ vào kho và hi vọng giá trên thị trường sẽ tăng lên. Doanh nghiệp mua lúa qua hệ thống thương lái chứ không mua trực tiếp của dân.

Đồng quan điểm này, TS Võ Hùng Dũng, giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết mua tạm trữ là tạo ra một nhu cầu ảo. Giá cả chỉ tăng lên bền vững nếu như có nhu cầu thật sự từ các thị trường xuất khẩu. Mua tạm trữ tạo ra một tâm lý đợi chờ cho cả doanh nghiệp lẫn người trồng lúa nên áp lực về tiêu thụ sẽ lặp lại hết năm này đến năm khác. Hơn nữa, thời gian và hỗ trợ tạm trữ chỉ trong thời gian ngắn nên rất dễ bị các khách hàng nước ngoài ép giá bởi khi hết thời hạn hỗ trợ lãi suất, các doanh nghiệp buộc phải tìm cách bán hàng ra.

Ông Trương Thanh Phong, chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), cũng cho rằng VN không nên chạy theo mục tiêu sản xuất và xuất khẩu ngày càng nhiều lúa gạo mà cần phải nâng cao chất lượng và giá trị xuất khẩu. “Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị các cơ quan chức năng tìm cách giảm diện tích lúa hè thu vì rủi ro nhiều, chuyển sang các loại cây trồng khác nhưng chưa được” - ông Phong cho biết.

Giá gạo xuất khẩu thấp nhất

Theo VFA, trong tháng 6-2013 VN xuất khẩu được 698.199 tấn gạo các loại trị giá 293,132 triệu USD. Trong sáu tháng đầu năm nay VN xuất khẩu 3,485 triệu tấn, trị giá 1,504 tỉ USD. Giá xuất khẩu gạo của VN trong sáu tháng đầu năm nay đạt trung bình 431,5 USD/tấn, giảm 27,5 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, hiện giá xuất khẩu gạo của VN vẫn thuộc hàng thấp nhất trong số những nước xuất khẩu gạo chính của thế giới. Cụ thể, gạo 5% tấm của VN đang được chào bán với giá 365-375 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 335-345 USD/tấn, thấp hơn khoảng 70-120 USD/tấn so với gạo cùng loại của Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan.

TRẦN MẠNH - ĐỨC VỊNH - THANH TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên