24/06/2013 09:06 GMT+7

Cần thay đổi tư duy sản xuất

TẤN ĐỨC thực hiện
TẤN ĐỨC thực hiện

TT - Đồng bằng sông Cửu Long đang vào cao điểm thu hoạch vụ hè thu, nhưng nông dân vẫn không vui vì giá lúa đang áp sát giá thành sản xuất.

Mùa lúa đắng

DTolMh0G.jpgPhóng to
Chuyển từ trồng lúa sang rau màu để gia tăng lợi nhuận cho nông dân - Ảnh: Tấn Đức

Không chỉ riêng hạt lúa, cả con cá, con tôm và nhiều mặt hàng nông sản khác lâu nay vẫn khó tránh khỏi điệp khúc trúng mùa thất giá!

Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Hồ Việt Hiệp, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết:

- Trước thực trạng đời sống nông dân còn nhiều khó khăn do chi phí, vật tư đầu vào liên tục tăng trong khi sản phẩm làm ra rất khó tiêu thụ, giá cả bấp bênh, thậm chí có lúc tụt xuống dưới giá thành sản xuất, tỉnh An Giang đã đặt ra yêu cầu cấp bách là phải tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp. Hàng loạt chủ trương, chính sách mang tính đột phá nhằm đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản hàng hóa, gắn với phát triển thị trường... hướng tới là trung tâm nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long đang được triển khai tại An Giang.

* Thưa ông, An Giang là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về sản lượng lương thực. Vậy tại sao lại phải “cấp bách cơ cấu lại sản xuất”?

- Nông dân làm ra nhiều lúa, nhưng đời sống vẫn khó khăn do lợi nhuận thấp, cho nên phải tư duy lại theo hướng giá trị chứ không thể chạy mãi theo số lượng. Thay vì sản xuất ồ ạt, bằng các loại giống lúa chất lượng trung bình, bán đại trà dẫn tới bị động đầu ra, giá cả lệ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu thì nay chuyển sang gieo sạ bằng giống tốt để có gạo chất lượng cao, gắn với việc xây dựng thương hiệu riêng, đồng thời phát triển diện tích làm lúa giống. Hiện tại, ngoài Trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật tỉnh, nhiều nông dân có kinh nghiệm làm giống rất tốt, không chỉ cung ứng cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mà còn xuất sang nhiều nước.

Chúng tôi cũng tiếp tục phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn, lo từ khâu giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tới khâu thu hoạch, phơi sấy, xay xát và tiêu thụ sản phẩm, góp phần hạ chi phí sản xuất, gia tăng đáng kể lợi nhuận cho nông dân. Bên cạnh đó, chúng tôi kích thích nông dân bằng việc hỗ trợ vốn, cho vay tín dụng ưu đãi, huấn luyện kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm với giá có lợi để nông dân chuyển diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu phục vụ thị trường tại chỗ và chế biến, xuất khẩu hoặc trồng cây ăn quả giá trị cao.

* Ngoài cây lúa, nghề nuôi cá tra, cá ba sa cũng rất có tiềm năng phát triển. Tỉnh có giải pháp gì để vực dậy nghề truyền thống này?

- Theo tôi biết, không chỉ riêng An Giang mà với nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nghề nuôi cá tra, cá ba sa từng được xem là thế mạnh thứ hai sau cây lúa. Nhưng sau thời gian tự phát, mạnh địa phương nào nấy làm, thiếu “nhạc trưởng” điều phối chung dẫn tới khủng hoảng thừa, giá cả bấp bênh, rồi cạnh tranh xuất khẩu thiếu lành mạnh. Hậu quả là người nuôi cá và không ít doanh nghiệp bị phá sản. Muốn vực dậy nghề này cần có sự kết nối giữa các tỉnh trong khu vực để quy hoạch vùng nuôi cũng như khâu chế biến, tiêu thụ. Tiếc là chuyện này đã nói nhiều, bàn nhiều nhưng tới bây giờ vẫn chưa làm được nên cứ rơi vào vòng luẩn quẩn, hết thừa lại thiếu!

Tới đây, về phía An Giang, trong khả năng và điều kiện của mình, chúng tôi sẽ tập trung vào việc sản xuất giống và thức ăn cho cá bột, nâng cao tỉ lệ sống để cung ứng cá con với giá rẻ cho cả vùng nuôi đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời sẽ kiểm soát chặt việc phát triển diện tích nuôi. Ai có điều kiện, có kỹ năng thì phát triển nghề nuôi, dưới sự giám sát của cơ quan chuyên môn, tuyệt đối không thể phát triển tràn lan như thời gian qua.

* Ông có thể phác họa nền nông nghiệp chất lượng cao mà An Giang hướng tới. Tỉnh sẽ làm gì để đạt mục tiêu này?

- An Giang đã có nghị quyết về phát triển nông nghiệp công nghệ cao với quan điểm và mục tiêu tổng quát là xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, nông sản có tính cạnh tranh cao dựa trên nền tảng sản xuất hàng hóa. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã và đang tiếp tục hoàn thiện quy hoạch vùng nuôi, trồng các loại cây, con gắn với thị trường; đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp; xây dựng chính sách thu hút doanh nghiệp và tăng vốn đầu tư nhà nước cho nông nghiệp.

Một nền nông nghiệp hiện đại cần những người nông dân hiện đại. Cho nên ngoài việc nâng cao dân trí nông thôn, chúng tôi đã xây dựng một số mô hình, điểm truy cập Internet do câu lạc bộ, chi hội nông dân địa phương quản lý. Qua đó, không ít nông dân, chủ cơ sở sản xuất đã tìm được khách hàng tiêu thụ sản phẩm. Sắp tới An Giang sẽ nhân rộng mô hình này, đồng thời mở nhiều khóa tập huấn sử dụng công nghệ thông tin cho nông dân.

* Tỉnh An Giang đã có mô hình cánh đồng mẫu lớn được nhiều nông dân ủng hộ. Theo ông, làm thế nào để thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp?

- Cánh đồng mẫu lớn không chỉ lớn ở diện tích, mà quan trọng là ở cách thức hoạt động. Muốn hiệu quả đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn để thiết lập hệ thống cung ứng vật tư nông nghiệp, hệ thống kho trữ, sấy lúa và xay xát... Thực tế cho thấy sau thời gian hoạt động, mô hình này đã mang lại hiệu quả rõ rệt, lợi nhuận của nông dân tăng đáng kể. Nhưng tiếc là khó có khả năng nhân rộng mô hình, vì doanh nghiệp ngại tham gia do tỉ suất lợi nhuận không cao. Điều này cho thấy chính sách kêu gọi đầu tư cho nông nghiệp trong thời gian qua chưa “đủ đô”, chưa thu hút được doanh nghiệp tham gia. Tôi nghĩ trung ương phải sớm có chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, với những chính sách về thuế, tín dụng, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường... mang tính đột phá, sao cho lợi nhuận đầu tư vào nông nghiệp phải ngang hoặc gần bằng với đầu tư vào lĩnh vực thương mại.

Có như vậy người ta mới mạnh dạn đầu tư, không chỉ trong việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn mà còn ở nhiều lĩnh vực khác như sản xuất, chế tạo máy móc nông cụ, mua sắm dây chuyền thiết bị nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch...

TẤN ĐỨC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên