Phóng to |
Nhiều chuyên gia cho rằng cần đưa thuế TNDN xuống 20% và áp dụng sớm hơn thay vì ngày 1-1-2014 như dự thảo sửa đổi của luật này - Ảnh: T.V.N. |
Ông Trương Văn Vở (phó Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai): Phải tăng đầu tư cho nông nghiệp
Bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu của nền kinh tế, theo tôi, thực trạng hiện nay nói chung vẫn còn khó khăn, dấu hiệu suy giảm kinh tế thậm chí còn rõ hơn. Vì thế tôi đã đề nghị Chính phủ quan tâm, bổ sung làm rõ nguyên nhân về trách nhiệm cá nhân của bộ, ngành liên quan trong việc triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Phải nói là triển khai tái cơ cấu nền kinh tế rất chậm, chưa căn bản, chưa tạo thành hệ thống, chưa phân bổ sử dụng các nguồn lực có hiệu quả.
Bên cạnh đó cần kịp thời sửa đổi, bổ sung đồng bộ thể chế chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2010 đến nay, mức đầu tư ngân sách nhà nước cho nông nghiệp nông thôn rất thấp, trên dưới 1,5% GDP. Đây là khu vực rất quan trọng, giúp ổn định nền kinh tế, vì vậy cần tăng mức đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.
Về vấn đề thuế, tôi cho rằng việc miễn, giảm, giãn thuế không phải là giải pháp căn cơ. Nếu có giải pháp thuế, đề nghị Luật thuế thu nhập doanh nghiệp đang được đưa ra Quốc hội nên đưa luôn thuế suất xuống 20%. Trong giai đoạn khó khăn này, tháo gỡ được giúp doanh nghiệp thì cần phải làm nhanh, mạnh. Cũng không nên phân biệt đối tượng cho hưởng 20%, đối tượng hưởng 23% mà nên đồng nhất một mức 20% để tránh sơ hở, lợi dụng. Không nên sợ hụt thu, cần xem đây là biện pháp mạnh và quan trọng để giúp doanh nghiệp tăng tích lũy, hồi phục và phát triển.
Ông Nguyễn Hoàng Hải (phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN): Giải pháp từ thị trường chứng khoán
Tôi cũng đồng tình với ý kiến của đại biểu Trần Du Lịch khi cho rằng sáu nhóm giải pháp của Chính phủ đưa ra chưa đủ mạnh. Những giải pháp mà đại biểu đưa ra như giảm thuế, tăng cường cho vay, tăng đầu tư công... là cần, tuy nhiên từ khía cạnh tài chính, tôi cho rằng cũng cần có cả những giải pháp mạnh khác như miễn, giảm, giãn thuế trong khi nhiều doanh nghiệp thua lỗ sẽ không giúp được nhiều. Giảm lãi suất nhưng doanh nghiệp không có nhu cầu vay thì họ cũng không vay. Trong khi đó, chúng ta có thể giải quyết được nhiều vấn đề nếu để thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển. Đi vay có thể doanh nghiệp không vay vì chưa có nhu cầu, nhưng nếu huy động trên TTCK tốt thì họ sẽ huy động vì vốn rẻ, dài hạn, không cần lãi suất.
Theo tôi, giải pháp đơn giản để giúp TTCK phát triển không cần nhiều tiền. Như với các ngân hàng, chỉ cần nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài thay vì mức hiện nay và không hạn chế tỉ lệ sở hữu với các doanh nghiệp khác. Nhà nước sẽ quản lý nền kinh tế bởi chính sách. Chứ hạn chế trên TTCK, doanh nghiệp không thể “thay máu”, họ có thể không bị thâu tóm nhưng có thể bị phá sản, hoặc không thể phát triển.
Dòng tiền thế giới được đánh giá đang đổ vào TTCK châu Á, VN mới đây có một số nguồn tiền vào nhưng chưa thấm vào đâu. Nếu có giải pháp đột phá cho TTCK sẽ giúp doanh nghiệp VN thêm vốn, thêm đối tác tốt, từ đó có thể có thêm thị trường và cơ hội phát triển, thoát khỏi khó khăn.
Ông Nguyễn Sơn (Viện Kinh tế chính trị thế giới): Chấn chỉnh 3 “cỗ máy tăng trưởng”
VN phải sửa “cỗ máy phát triển” với ba mấu chốt. Thứ nhất, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cần thu hẹp quyết liệt, giảm đầu tư công từ khu vực này, từ đó giảm bộ máy, chuyển nguồn lực cho khu vực tư nhân hiệu quả cao hơn.
Thứ hai, khu vực bất động sản hiện nay cần tái cấu trúc theo đúng quy luật thị trường, chấp nhận cho phá sản, rồi ngân hàng siết nợ, bán theo giá người dân chấp nhận được.
Thứ ba là tỉ giá, chúng ta ngại giảm giá VND sẽ tăng nợ nước ngoài tính theo đồng USD. Nhưng nếu không điều chỉnh, doanh nghiệp VN đem hàng đi xuất khẩu, đem USD về đã thấy thiệt, rất khó cạnh tranh do giá đắt. Trong khi đó, dù bị sức ép thế nào, Trung Quốc luôn duy trì đồng nhân dân tệ giá rẻ, họ lại ở ngay cạnh VN. Với tỉ giá hiện nay, hàng Trung Quốc sẽ cạnh tranh rất mạnh với hàng VN, sản xuất khó mà phát triển được. Cần mạnh dạn thay đổi tỉ giá theo hướng giảm giá VND để kích thích sản xuất, xuất khẩu, tăng cạnh tranh cho hàng Việt.
Ông Trần Ngọc Vinh (phó đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng): Xem xét kích cầu tiêu dùng
Các giải pháp của Chính phủ thời gian tới, theo tôi, đúng là cần mạnh hơn. Lý do không hẳn vì thời gian qua chưa mạnh, mà theo tôi, có nhiều giải pháp chưa đồng bộ, thậm chí chậm.
Hiện nay hoạt động của các doanh nghiệp - lực lượng chính đóng góp cho tăng trưởng GDP - đang gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản tăng, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân chính là do lãi suất cho vay quá cao, các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay của ngân hàng. Tôi cho rằng không hoàn toàn chính xác như vậy, vì đến thời điểm này lãi suất đã giảm từ 7-11% so với cuối năm 2011. Theo tôi, sức hấp thụ của nền kinh tế đã ở ngưỡng cảnh báo, không thể kỳ vọng việc tiếp tục giảm lãi suất. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn khi sức mua yếu, hàng tồn kho cao, doanh nghiệp sẽ chủ yếu cầm chừng, không dám vay vốn ngân hàng. Do đó, theo tôi, có ba vấn đề Chính phủ cần có giải pháp để giải quyết triệt để, đó là kích cầu tiêu dùng, giải phóng hàng tồn kho và giải quyết nợ xấu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận