Phóng to |
"Liên bang Nga đã tuân thủ đầy đủ quy định về tự do di cư" theo tu chính án Jackson-Vanik năm 1974 - Reuters dẫn thông báo của Tổng thống Obama. Đây là luật bổ sung do Quốc hội Mỹ ban hành từ năm 1974 nhằm hạn chế thương mại song phương với những nước bị coi là chưa có nền kinh tế thị trường. Theo luật này, các nước chỉ được Mỹ cho hưởng thuế ưu đãi nếu không hạn chế tự do di dân trái phép hay vi phạm nhân quyền.
Hạ viện và Thượng viện Mỹ nhanh chóng thông qua đạo luật cho phép Tổng thống Obama trao PNTR cho Nga nhằm bảo đảm các công ty Mỹ sẽ được hưởng lợi sau khi Nga vừa gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
"Bây giờ chúng ta có thể tiến tới áp dụng Hiệp định WTO giữa Mỹ và Nga, giúp nước Mỹ được hưởng những quyền lợi theo cam kết của Nga với WTO và các công ước cụ thể thực hiện chúng" - Reuters dẫn lời đại diện thương mại Mỹ Ron Kirk nói.
Sau khi Mỹ trao PNTR cho Nga, Nga sẽ mở cửa thị trường hơn 140 triệu người tiêu dùng cho Mỹ và các công ty Mỹ được hưởng mức thuế nhập khẩu thấp hơn, được bảo vệ tác quyền sở hữu trí tuệ và hệ thống luật minh bạch hơn. Theo trang RT.com, các nhà kinh tế học Mỹ ước tính xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ sang Nga có thể tăng gấp đôi trong 5 năm tới và đạt 22 tỉ USD.
Khi đều là thành viên WTO, Nga và Mỹ có thể khởi kiện nhau vì các tranh chấp thương mại. Đầu tháng 12, Nga cấm nhập khẩu thịt có chứa chất ractopamine, một chất phụ gia mà Mỹ sử dụng để làm thịt nhiều nạc hơn. Ông Kirk và Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack yêu cầu Nga dỡ lệnh cấm này vì cho rằng điều đó vi phạm cam kết WTO của Nga. Cơ quan lương thực Liên Hiệp Quốc hồi tháng 7 cho biết chất ractopamine "không ảnh hưởng đến sức khỏe con người" nếu dùng trong liều lượng cho phép.
Trong khi đó, chủ tịch Hội đồng thương mại Mỹ - Nga Edward Verona nói Nga có thể khởi kiện lên WTO việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá và thuế trợ cấp đối với ngành thép của Nga.
Tuy nhiên, cùng lúc với việc thông qua PNTR cho Nga thì Quốc hội Mỹ cũng thông qua đạo luật trừng phạt những quan chức Nga vi phạm nhân quyền khi liên quan đến cái chết của cố luật sư hoạt động chống tham nhũng Sergei Magnitsky (qua đời năm 2009), bằng việc cấm họ đến Mỹ và đóng băng mọi tài khoản của họ ở các ngân hàng Mỹ.
Tổng thống Vladimir Putin ngày 20-12 đã chỉ trích gay gắt đạo luật này trong cuộc họp báo. "Hành động này sẽ hủy hoại mối quan hệ của hai nước". Như một động thái trả đũa, Hạ viện Nga trong tuần này thông qua luật cấm người Mỹ nhận con nuôi người Nga và cấm nhập cảnh đối với những công dân Mỹ bị cáo buộc xâm phạm các quyền của Nga.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận