Phóng to |
Một trong những giải pháp của đề án là đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN”. Trong ảnh: doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại chương trình “Ngày hội hàng Việt” ở chợ truyền thống - Ảnh: Dũng tuấn |
Phát biểu về đề án của Bộ Công thương, ông Lê Hồng Thăng, giám đốc Sở Công thương Hà Nội, đã thẳng thắn cho rằng đúng là cần đề án để thúc đẩy nhanh biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng ông Thăng lại thấy những khó khăn của doanh nghiệp trong đề án của Bộ Công thương chưa thật rõ, thiếu những số liệu cụ thể. Mà thực tế không phản ánh hết thì các giải pháp cũng có thể thiếu quyết liệt.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, tổng thư ký Phòng Thương mại - công nghiệp VN, cho rằng một trong những giải pháp trong đề án của Bộ Công thương là chương trình “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” vẫn hô hào là chính. Bà Hằng nêu kiến nghị của các hiệp hội hàng tiêu dùng nói thẳng: đề nghị các cơ quan Đảng, Chính phủ gương mẫu trong việc sử dụng hàng VN như mua cà phê, mua sắm bàn ghế, trang thiết bị... sản xuất tại VN. “Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng nên làm gương, dùng veston, sơmi... của VN” - bà Hằng đề xuất.
Một vấn đề khác là chỉ định thầu, bà Hằng cảnh báo có thể liên quan đến lợi ích nhóm. Đồng ý có thể chỉ định thầu các doanh nghiệp VN tiềm năng nhưng bà Hằng đề nghị phải phổ biến thông tin sớm để nhiều doanh nghiệp cùng biết, nếu không có thể không công bằng.
Theo GS Nguyễn Mại - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nếu giải pháp không thật mạnh và hiệu quả thì doanh nghiệp khó phục hồi. Cấp thiết nhất là vốn, vì vậy ông Mại đề nghị Nhà nước không chỉ gỡ khó như hiện nay mà cần thiết phải tính “mở hầu bao” nhiều hơn. Ông Mại nêu đề án Bộ Công thương cần là “đề án giải cứu” cho đúng mức độ chứ không chỉ là tháo gỡ khó khăn. Các giải pháp, theo ông Mại, mỗi ngành có đặc thù, nên Bộ Công thương phải có giải pháp riêng cho từng ngành, chứ không chỉ chung cho tất cả như hiện nay. Đặc biệt, theo ông Mại, cách điều hành cũng phải có thay đổi...
Ông Lê Hồng Thăng thì đề nghị nên hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề tỉ giá, bởi điều này từ trước đến nay chưa được làm. Với doanh nghiệp có ngoại tệ bán cho ngân hàng, thì khi họ mua ngoại tệ để chuẩn bị nguyên liệu làm hàng xuất khẩu, theo ông Thăng, phải được hưởng tỉ giá khác, ưu đãi hơn. Danh sách các sản phẩm trong nước đã sản xuất được, theo ông Thăng, cũng phải cập nhật nhanh hơn, sáu tháng một lần để bổ sung kịp thời, tránh nhập khẩu những mặt hàng trong nước đã làm được.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Tỳ, phó tổng thư ký thứ nhất Tổng hội Cơ khí VN, cũng cho rằng cách dùng từ “hạn chế nhập khẩu những mặt hàng trong nước đã sản xuất được” của Bộ Công thương quá chung chung. “Làm thủy điện Tam Hiệp, Trung Quốc chỉ nhập một tổ máy trọn bộ, còn lại đưa doanh nghiệp, viện đến nghiên cứu, sản xuất để không phải nhập”. Ông Tỳ nêu kinh nghiệm trên và cho rằng nhập thiết bị ngoại có hoa hồng lớn, nên nếu chỉ nói “hạn chế” thì họ vẫn nhập.
Doanh nghiệp chưa muốn vay vốn mới * TP.HCM: nợ đọng thuế hơn 11.000 tỉ đồng Tại cuộc họp bàn về tình hình kinh tế - xã hội bảy tháng đầu năm 2012 của TP.HCM do UBND TP.HCM tổ chức sáng 26-7, câu chuyện giảm lãi suất cho các khoản vay cũ tiếp tục được đem ra bàn thảo. Ông Nguyễn Ngọc Thắng, phó giám đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước TP.HCM, cho biết các NH đang giảm lãi suất với các khoản vay cũ xuống 15%/năm, tuy nhiên một số NH nhỏ còn khó khăn nên việc thực hiện còn chậm. Trong khi đó, một lãnh đạo quận Phú Nhuận cho biết doanh nghiệp (DN) không mặn mà chuyện vay vốn. “Quận tổ chức hai buổi đối thoại với DN xung quanh chính sách miễn giảm thuế, nhưng DN đến dự chỉ quan tâm đến việc miễn giảm thuế, giải pháp xúc tiến thương mại, giải phóng hàng tồn, mở rộng thị trường. Nghe xong phần này hầu hết DN rút lui. Buổi đối thoại thứ hai chúng tôi phải đảo ngược chương trình, cho NH phát biểu trước, sau đó đến cơ quan thuế trình bày thì DN ở lại đông đủ” - vị lãnh đạo quận Phú Nhuận cho biết. Lãnh đạo quận 1 cho biết nhiều đơn vị vay vốn đầu tư kinh doanh khách sạn, dịch vụ vẫn trả lãi như cũ, không được giảm. Do vậy nhu cầu vay vốn để đầu tư mới gần như không có, thậm chí có đơn vị xây dựng công trình dở dang cũng đành đắp chiếu chứ không dám đầu tư hoàn thiện. Nơi này cũng tổ chức các buổi đối thoại, gặp gỡ giữa DN và NH nhưng rốt cuộc DN chỉ dám vay các NH quen, còn những NH mới giới thiệu sau này thì DN không đến. Một số DN cũng từ chối chính sách ưu đãi cho giãn giảm thuế với lý do có thể thu chi cân đối hằng ngày nên muốn nộp thuế luôn chứ không muốn nợ. Bà Nguyễn Thị Hồng, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết ngày 28-7 TP.HCM sẽ tổ chức kết nối DN và NH. Cuộc họp sẽ có sự tham gia của lãnh đạo 24 quận huyện, các tổng công ty, các thành phần kinh tế và NH trên địa bàn nhằm tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn, phát triển sản xuất kinh doanh. Tại cuộc họp, Cục Thuế TP.HCM cho biết hiện số nợ đọng thuế là hơn 11.000 tỉ đồng, trong đó 2.000 tỉ đồng chưa thật sự là nợ, còn 9.500 tỉ đồng đã được thẩm định và có danh sách các đơn vị nợ lớn. Một trong những nguyên nhân, theo ông Nguyễn Đình Tấn - cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, là do nơi này đang thiếu khoảng 1.200 cán bộ thuế. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận