Không chỉ là người lao động bình dân mà ngay cả những viên chức hưởng lương nhà nước, nhân viên văn phòng để duy trì được cuộc sống trong thời buổi này quả là hết sức khó khăn.
Phóng to |
Giá thực phẩm tăng mạnh khiến những người làm công ăn lương rất bất an - Ảnh: NHƯ BÌNH |
Giá tăng rát mặt
Giá cả tăng cao đánh trực tiếp vào bữa ăn của người dân, vì vậy dù có xoay xở thế nào bà nội trợ cũng thừa nhận vẫn thiếu trước hụt sau. Đồng lương công chức của hai vợ chồng chị Vũ Thị Gấm, giảng viên Trường cao đẳng nghề Giao thông vận tải đường thủy (TP.HCM), được hơn 8 triệu đồng, chỉ tính riêng tiền học và sữa cho con nhỏ đã ngốn hết gần 4 triệu đồng/tháng. Trước đây, với thu nhập này gia đình cũng có của ăn của để, hằng tháng có thể tiết kiệm phòng lo ốm đau, bệnh tật. Tuy nhiên từ nhiều tháng nay, chưa hết tháng đã hết tiền, giá cả tăng rát mặt.
Không vui chơi giải trí, tăng ca tối đa, gửi phong bì cho đám cưới thay vì đến tận nơi, vợ đi xe máy, chồng cuốc bộ đi làm, ăn trứng nhiều hơn... là những cách để công nhân tại các khu công nghiệp xoay xở trong tình hình hiện nay. “Giá cả tăng mỗi ngày mà tôi không đi làm được vì phải ở nhà trông con ốm. Tháng này lại bị trừ lương rồi!” - anh Nguyễn Văn Hưng, 31 tuổi, hiện đang làm công nhân tại Khu công nghiệp Sóng Thần 2 (Bình Dương), cho biết. Vợ anh Hưng bị bệnh nhưng không có tiền chữa đành gửi về quê để uống thuốc gia truyền, tiết kiệm chi phí. Con gái anh gần 4 tuổi nhưng chỉ nặng 12kg. Theo anh Hưng, xăng lên, điện lên, giá cả lên thì thu nhập không đủ chi tiêu. Để giải quyết khó khăn, anh buộc phải tăng ca. Hiện mỗi tuần anh đi làm bảy ngày và tăng ca khoảng bốn ngày. |
Mang thai vào thời điểm giá cả hết sức nhạy cảm, nên trước khi quyết định có em bé, hai vợ chồng anh Đinh Văn Lâm (Khu chế xuất Tân Thuận) cũng dành dụm được chút ít để lo cho em bé. Tuy nhiên với chi phí hiện nay, tiền để dành cũng chỉ giúp cầm cự khoảng ba tháng lo sữa, tã, quần áo, đồ dùng cho em bé. Tháng 10 năm nay chị Linh mới sinh con. Bụng mang dạ chửa, chị chỉ làm việc cầm chừng để giữ chân ở nhà máy. Tất cả thu nhập đều trông vào lương chồng, nếu tính cả số tiền làm ca hết cỡ cũng chỉ 4 triệu đồng.
“Nếu bảo cắt giảm thêm gì cho cuộc sống thì tụi tôi cũng không biết phải cắt gì bởi đã ở mức tối thiểu rồi. Sáng đi làm, ngày nào tăng ca thì làm từ sáng đến tối. Về nhà mệt quá chỉ muốn lăn ra ngủ. Không đi chơi, không ăn hàng, không mua sắm. Quan trọng là có tiền để lo cho con khi ra đời” - anh Lâm lo lắng.
Nhiều người cho rằng câu chuyện giá cả tăng cao bây giờ không còn mới mẻ, họ đã quen sống chung với giá tăng, bởi vậy thay vì than vãn thì tìm cách xoay xở để thích nghi với mặt bằng giá mới.
Sớm ổn định giá
Chợ Tân Kiểng (Q.7, TP.HCM) ngày cuối tuần mới tầm trưa nhưng khá vắng khách. Bà nội trợ nào cũng muốn đi thật nhanh, chỉ mua những gì cần thiết để thoát nhanh khỏi ám ảnh giá. Giá thịt heo vẫn neo 90.000-110.000 đồng/kg, loại ba rọi ngon lên đến 125.000-135.000 đồng/kg, sườn già 85.000-90.000 đồng/kg.
Thịt heo mắc, người dân chuyển sang thịt gà, hải sản... và giá các mặt hàng này cũng tăng theo, trứng gà đã lên 24.000-26.000 đồng/chục, trứng vịt từ 32.000-35.000 đồng/chục... Bà Thường, tiểu thương ở chợ, cho biết giá tăng, vốn liếng để lấy hàng cũng cao hơn trước 30% nhưng sức mua cứ sụt giảm.
Trong một khảo sát gần đây về chỉ số niềm tin của người tiêu dùng VN trong quý 2-2011, Nielsen cho biết 88% người tiêu dùng VN đã thay đổi việc chi tiêu để tiết kiệm ngân sách gia đình so với năm ngoái. Bà nội trợ VN đang cảm thấy áp lực về tiền bạc khi chi phí sinh hoạt, thực phẩm và năng lượng tiếp tục bóp chặt hầu bao của gia đình.
Chị Gấm cho biết là một người nội trợ phụ giúp chồng yên tâm làm việc nhưng suốt ngày cứ đối mặt với điệp khúc giá cả tăng nhiều mà giảm nhỏ giọt khiến những người làm công ăn lương như chị rất bất an.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận