15/05/2012 15:13 GMT+7

Vinasat-2 lên bệ phóng

HẢI MINH
HẢI MINH

TTO - Vệ tinh Vinasat-2 của Việt Nam đã lên bệ phóng để sẵn sàng vào quỹ đạo Trái đất ngày 16-5, theo trang mạng Spacedaily.com. Vệ tinh này có tuổi thọ sử dụng dự kiến 15 năm.

Ngày 16-5 phóng vệ tinh Vinasat-2Vệ tinh Vinasat-2 được bảo hiểm 20 triệu USD

ulpcOnA5.jpgPhóng to
Tên lửa đẩy Ariane 5 mang hai vệ tinh của Việt Nam và Nhật Bản được đưa lên bệ phóng - Ảnh: satnews.com

Dự kiến lúc 5g15 ngày 16-5 (theo giờ Việt Nam), Vinasat-2 sẽ được phóng lên quỹ đạo địa tĩnh ở vị trí 131,8 độ Đông bằng tên lửa Arian 5 của Công ty Vận tải hàng không vũ trụ châu Âu Arianespace từ bãi phóng Kouru của Guyana Nam Mỹ.

Đây là vị trí quỹ đạo thuận lợi, gần với vị trí của Vinasat-1 nên các angten thu phát hướng của cả hai vệ tinh đều không cần chỉnh hướng, tạo điều kiện cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ của Vinasat-2.

Theo Spacedaily.com, sau Vinasat-1 vào năm 2008, Vinasat-2 sẽ giúp duy trì thị trường viễn thông của Việt Nam, duy trì tình trạng có mặt trên quỹ đạo của vệ tinh Việt Nam.

Với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD, Vinasat-2 do Công ty Mỹ Lokheed Martin chế tạo, là một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển công nghệ vệ tinh phục vụ thông tin liên lạc, nghề cá, dự báo thời tiết và an ninh quốc phòng của Việt Nam.

Vinasat-2 sẽ được phóng cùng với vệ tinh Jcsat 13 của Nhật Bản, do tên lửa đẩy Ariane 5 mang. Jcsat 13 có trọng lượng 4.530kg, trong khi Vinasat-2 là 2.970kg.

Đây là vụ phóng thứ hai của Ariane 5 trong năm 2012. Tên lửa này có khả năng mang trên 8.300kg. Trọng lượng trung bình của hai vệ tinh khoảng 7.500kg.

Vinasat-2 được sản xuất trên nền tảng khung A2100, có tuổi thọ thiết kế là 15 năm. Với 30 bộ phát đáp 36MHz trên băng tần Ku (24 bộ khai thác thương mại và 6 bộ dự phòng), Vinasat-2 có khả năng phủ sóng khu vực Đông Nam Á và một số nước lân cận.

Dung lượng truyền dẫn của Vinasat-2 tương đương 13.000 kênh thoại/Internet/truyền số liệu hoặc khoảng 150 kênh truyền hình. Theo đánh giá của VNPT, Vinasat-2 sẽ góp phần tăng cường độ an toàn, ổn định trong quá trình cung cấp dịch vụ phủ sóng thông tin liên lạc phát thanh truyền hình đến mọi miền đất nước, phục vụ thiết thực các nhu cầu công ích, phát triển kinh tế xã hội, phòng chống bão lụt, giảm nhẹ thiên tai và an ninh quốc phòng của đất nước.

Vinasat-2 sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng dung lượng vệ tinh thị trường trong nước và khu vực. Theo ước tính, Vinasat-2 sẽ đáp ứng nhu cầu dung lượng vệ tinh của Việt Nam đến năm 2020. Ngoài ra, Vinasat-2 sẽ phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam.

Theo Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI, thuộc VNPT, là đơn vị được giao kinh doanh dịch vụ của Vinasat-2), sau khi vệ tinh phóng lên quỹ đạo, tiến hành đo thử trên quỹ đạo sẽ được đưa vào khai thác vào khoảng tháng 7-2012.

Trước khi có vệ tinh Vinasat-1, Việt Nam phải thuê 2.024 kênh vệ tinh viễn thông của nước ngoài với chi phí khoảng 10 triệu USD/năm. Do đó, việc Việt Nam có vệ tinh riêng góp phần giúp các đơn vị trong nước tiết kiệm chi phí thuê kênh, giảm từ 1/3 đến 1/2 chi phí tùy thuộc vào băng tần sử dụng.

Theo VNPT, hiện nay, khoảng 90% dung lượng của Vinasat-1 đã được sử dụng, doanh thu dự kiến trong năm 2012 là 250 tỉ đồng, trong đó chưa tính dung lượng sử dụng cho mang lưới của VNPT (gần 30%).

Cho đến nay, Vinasat-1 đã khai thác kinh doanh được 4 năm. Theo VTI (thuộc VNPT), đơn vị này sẽ xúc tiến, tiếp xúc với khách hàng là các đài truyền hình lớn như VTV, VTC, tiếp cận các khách hàng trong lĩnh vực dầu khí, tài chính, ngân hàng... và một số nước trong khu vực như Lào, Myanmar, Campuchia.

Vị trí quỹ đạo được các nước trên thế giới coi như một nguồn tài nguyên quý giá, khan hiếm nên các quốc gia rất khó khăn trong việc đàm phán để có quỹ đạo cho vệ tinh mới. Tháng 8-2008, ngay sau khi phóng vệ tinh Vinasat-1, Việt Nam đã tiếp tục đăng ký với Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) thêm ba vị trí quỹ đạo nữa là 107 độ Đông, 126 độ Đông và 131,8 độ Đông và theo quy định đăng ký với ITU thì đến năm 2012, nếu Việt Nam không tiếp tục phóng vệ tinh lên quỹ đạo thì tất cả các vị trí quỹ đạo nêu trên sẽ thuộc về các nước khác.

Vì vậy ngay từ năm 2009, chỉ 1 năm sau khi vệ tinh Vinasat-1 được phóng thành công lên quỹ đạo, VNPT đã thực hiện các nghiên cứu tiền khả thi Dự án phóng vệ tinh Vinasat-2.

Vinasat-2 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương vào tháng 5-2010 với tổng mức đầu tư khoảng 260-280 triệu USD. Trong đó nguồn vốn của VNPT khoảng 20% và 80% còn lại là vốn đi vay, trong đó 60% là vay thương mại. Tuy nhiên, VNPT hi vọng khả năng thu hồi vốn của Vinasat-2 khá cao, trong khoảng 10 năm.

HẢI MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên