Vận động chuyển trường

NGUYỄN THỊ THU
NGUYỄN THỊ THU

TT - Tôi có con gái hiện đang học lớp 10 ở một trường top đầu của TP.HCM. Năm ngoái, đó là khi con gái tôi học lớp 9, vào thời điểm chuẩn bị thi học kỳ II và ôn tập thi vào lớp 10.

Thi đua trong giáo dục: mục đích đúng nhưng cách làm saiBệnh thành tích trong quản lý sẽ gây mất niềm tinThi dạy giỏi: học trò hay là "diễn viên múa phụ họa"

Lớp con tôi có vài học sinh quậy, học hành bê trễ và luôn khiến giáo viên than phiền. Nhận thấy với sức học tập của các em thì không thể tốt nghiệp được, giáo viên chủ nhiệm đã mời phụ huynh của các em học sinh ấy họp, gọi là “chuyển đến môi trường phù hợp hơn với khả năng của các em”, “không làm liên lụy đến các học sinh khác”, thật ra chính là “vận động chuyển trường” để giữ vững thành tích cho trường, cho lớp mình. Sau đó tôi được biết những trường hợp này không phải hiếm, hầu hết trường nào cũng có. Trước các kỳ thi quan trọng như thi tốt nghiệp, các giáo viên sẽ lọc lại những học sinh yếu kém, có nguy cơ không qua được, ảnh hưởng thành tích đẹp đẽ của trường, rồi mời phụ huynh các em lên, đề nghị chuyển sang trường khác. Đó chính là thực tế đằng sau những bản báo cáo về việc 100% học sinh đậu tốt nghiệp ở các trường THCS, THPT.

Hiện nay, vấn đề kỳ thi tốt nghiệp đang được bàn luận rất nhiều, cũng như vấn đề làm thế nào giáo dục các học sinh chưa ngoan đi vào nề nếp. Mọi người đều thấy được chuyện đậu tốt nghiệp 100% là chưa đúng sự thật, nhưng nguyên nhân đằng sau thì sao? Chính vì cái “bệnh thành tích” đeo đẳng nền giáo dục của chúng ta hàng chục năm trời, mà người hi sinh lại là các em học sinh. Đúng, các em chưa ngoan, học tập chưa tốt, nhưng điều đó không có nghĩa xã hội sẽ gạt bỏ các em ấy. Nếu chúng ta chỉ dạy dỗ cho những học sinh đã tốt rồi thì giáo dục còn ý nghĩa gì nữa? Rồi các em học sinh sẽ nghĩ như thế nào khi chính nhà trường - một nơi mà các em học toàn điều hay lẽ phải - lại bỏ rơi trách nhiệm của mình, khi các giáo viên - luôn được gọi là thương yêu học sinh - lại muốn gạt bỏ các em, vì “không đủ khả năng học tập”.

Những con số đẹp đẽ, nhưng thực trạng ra sao? Đậu hết 100%, bởi vì những em yếu kém đã bị loại bỏ trước đó. Mà học sinh yếu kém, tại sao lại không cố gắng học tập, hay là vì không có ai thật sự tin tưởng, ủng hộ và muốn giúp đỡ các em trở nên tốt hơn? Cha mẹ đã không quan tâm, ngay nhà trường cũng muốn rũ bỏ trách nhiệm, vậy tương lai các em sẽ đi về đâu? Mà giáo dục là nền tảng của một quốc gia, không có được nền giáo dục tốt thì không cho ra những con người tốt.

Tôi không nói đến việc nâng cao trình độ giáo dục khoa học kỹ thuật, tôi đang nói về đạo đức cá nhân. Có những con người đạo đức tốt thì sợ gì kinh tế không phát triển, đất nước không phồn vinh? Nếu ngay từ nhỏ, các em đã thấy lối làm việc quan liêu, trọng thành tích mà bỏ rơi con người, các em có trở thành người tốt được không? Tôi biết giáo dục một con người kỳ thực không hề đơn giản, tôi cũng rất thông cảm cho những người làm nghề “gõ đầu trẻ”. Nhưng tôi vô cùng mong rằng sau khi đọc được bài viết này, các bạn hãy suy ngẫm kỹ lại những việc làm của mình, liệu đã thật sự cố gắng hết sức để yêu thương, giúp đỡ các em học sinh, hay chỉ vì hai chữ “thành tích” mà làm ra những chuyện phi giáo dục? Tôi tin tưởng rằng với cố gắng của tất cả mọi người thì trong một ngày không xa, việc “vận động chuyển trường” này sẽ không còn nữa.

NGUYỄN THỊ THU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên