Đổi mới đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn: đừng chần chừ!

THANH CHÂU (giáo viên TP.HCM)
THANH CHÂU (giáo viên TP.HCM)

TT - Việc Bộ GD-ĐT chủ trương thay đổi cách thi một cách triệt để và giao cho những chuyên gia nghiên cứu đầu ngành thiết kế một đề thi tốt nghiệp ngữ văn là tín hiệu đáng mừng cho việc đổi mới toàn diện phương pháp dạy và học một môn rất đặc thù - vừa là một môn khoa học, vừa là một môn nghệ thuật.

Đổi mới đề thi môn Ngữ văn, không sợ gây “sốc”Thay đổi đề thi tốt nghiệp THPT môn văn: Cần một lộ trìnhThay đổi đề văn: thích nhưng lo

Nhưng thời điểm công bố những thay đổi này trước thềm hai kỳ thi quốc gia chỉ gần hai tháng đã gây ra cho giáo viên và cả học sinh những buồn vui lẫn lộn, thậm chí hoang mang. Vui thì ai cũng thấy rồi, nhưng sự lo lắng cứ đeo đẳng những người đang trực tiếp giảng dạy môn ngữ văn lớp 12 và cả các em học sinh suốt tuần lễ nay.

Làm thế nào để ôn lại toàn bộ kiến thức chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp bên cạnh khối lượng tri thức văn học khổng lồ của lớp 12 chỉ trong một tháng khi chưa có bất cứ một hướng dẫn ôn tập nào của cấp trên? Các chuyên gia và một số thầy cô cốt cán mới chỉ dừng ở việc bàn bạc tại các hội thảo. Trong khi hàng vạn giáo viên và hàng triệu học sinh cuối cấp vừa dạy vừa học, vừa... nghe ngóng. Giá như bộ công bố và quyết định luôn từ đầu năm học thì đỡ cho thầy trò biết bao nhiêu. Thôi thì cứ tự mò mẫm để chuẩn bị. Trong những ngày qua, người viết đã tìm lại toàn bộ chương trình ngữ văn từ THCS đến giờ, kể cả chương trình cũ và mới để lọc ra những bài tiếng Việt có liên quan để tự hệ thống cho các em. Nhân việc làm này, người viết mới nhận ra những chuyên gia biên soạn sách chương trình cũ viết phần ngữ... kỹ hơn rất nhiều sách đang sử dụng.

Nhìn vào cấu trúc đề thi ngữ văn 12 do chuyên gia đề xuất, người viết nhận ra ngay bóng dáng của một bài thi hết học phần môn... tiếng Việt thực hành mà sinh viên chuyên ngành ngữ văn được học ở đại học. Năm 2000, chính người viết làm một bài thi môn này với cấu trúc như thế này tại Đại học Sư phạm TP.HCM. Và hiện nay khi đi giảng môn này tại một số trường ĐH, người viết cũng ra đề tổng hợp giống như vậy. Qua khảo sát với một số học sinh, kiểu đề này rất phù hợp và gây hứng thú với các em học khá, giỏi và có đam mê môn văn, còn phần lớn các em có sức học trung bình đều lắc đầu than khó. Quả thật, xác định lỗi chính tả, lỗi viết câu, lỗi phong cách hay kể lại, thuyết minh những gì gần gũi trong cuộc sống còn dễ, chứ yêu cầu các em tìm lỗi về tư duy, logic, quy chiếu, hay thuyết minh về những địa danh, những sự kiện, những nhân vật chỉ được biết qua sách vở... thì người viết e rằng đây là một vấn đề khó - khó cho cả một số không nhỏ giáo viên và rất nhiều học sinh.

Nếu bộ đã quyết tâm thực hiện cách đổi mới thi môn ngữ văn ngay trong năm nay, xin đừng chần chừ, bàn luận thêm nữa mà hãy hướng dẫn việc dạy và học một cách cụ thể càng sớm càng tốt. Giáo viên bị động đã đành, nhưng đừng để các em học sinh gánh thêm áp lực và cả những thiệt thòi trong lần thử nghiệm này. Bất cứ thiệt thòi nào xảy ra cho các em học sinh đều khiến chúng ta có lỗi.

THANH CHÂU (giáo viên TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên