13/04/2014 05:45 GMT+7

Đào tạo không gắn với nền kinh tế

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Đó là khẳng định của các chuyên gia tại hội thảo “Tái cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân thế nào để có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển” do Viện nghiên cứu và phát triển nhân lực (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập) tổ chức ngày 12-4.

Chất lượng giáo dục quyết định vị thế đất nướcChấn hưng giáo dục, phục hồi kinh tế Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

GS Trần Phương, hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, dẫn chứng ngành công nghệ điện, điện tử được nhà trường đầu tư với kinh phí rất lớn, lại có đội ngũ giảng viên toàn TS, GS, PGS nhưng nhiều năm qua lượng người học rất ít, chỉ ngót nghét 50-60 người/khóa học. Trong khi ngành quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng... hút đến 80% SV theo học thì những ngành kỹ thuật dù nhà trường đầu tư kinh phí lớn nhưng thí sinh chẳng mặn mà, vì dù thời gian học dài hơn, công việc nặng nề hơn, nhưng khi ra trường lương cũng chỉ bằng cử nhân kế toán.

GS Trần Phương khẳng định nền giáo dục VN không gắn kết gì với đòi hỏi nền kinh tế đất nước: “500.000 doanh nghiệp tư nhân chỉ cần nhân lực trình độ trung cấp kế toán là được, nhưng chúng ta lại chỉ phát triển đại học, thừa kiến thức, thừa thời gian đào tạo và gây lãng phí”.

Điều được nhiều đại biểu quan tâm và bày tỏ trăn trở chính là sự thất bại kéo dài trong thực hiện phân luồng của hệ thống giáo dục quốc dân. TS Lê Viết Khuyến, nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), khẳng định việc để một lượng lớn học sinh cố học THPT, rồi sau đó quay trở lại học trung cấp nghề không chỉ làm tiêu hao phi lý tiền bạc của gia đình, xã hội mà còn gây lãng phí cả tuổi thanh xuân của người trẻ. Việc phân luồng cần thiết được thực hiện mạnh mẽ từ sau THCS.

Ủng hộ việc đẩy mạnh phân luồng sau THCS nhưng bà Nguyễn Thị Bình - nguyên phó chủ tịch nước - không giấu được băn khoăn: “Thật ra, phân luồng sau THCS là chủ trương đã được nêu ra từ lâu, từ thời tôi còn làm bộ trưởng Bộ Giáo dục. Vậy lý do gì mà 20-30 năm qua, chúng ta vẫn loay hoay không thể thực hiện được? Đó là vì việc công bố quy hoạch nhân lực không rõ, người ta không thấy được xã hội thật sự đang cần trình độ đào tạo nào. Vì không nêu ra nên ai cũng muốn có trình độ cao với hi vọng cuộc sống sẽ tốt hơn”.

Bà Bình chia sẻ theo cảm nhận của bà, điều cốt lõi khiến giáo dục nghề, giáo dục ĐH chưa gắn với phát triển kinh tế đất nước chính là vì chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước chưa thật rõ ràng. “Từ lâu đã nghe đến mục tiêu phát triển VN thành một đất nước công nghiệp hiện đại trung bình. Vậy chỉ tiêu thế nào sẽ giúp VN trở thành nước công nghiệp hiện đại trung bình? Tôi hỏi một số đồng chí thì các đồng chí vẫn nói “đang bàn” cho dù mốc 2020 đã rất gần...”.

Nền giáo dục được điều khiển bởi “hai cái đầu”

GS.TSKH Nguyễn Minh Đường - ủy viên Hội đồng Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực quốc gia - khẳng định muốn phân luồng tốt, muốn phát triển nền giáo dục lành mạnh thì cần thiết phải thống nhất hệ thống giáo dục quốc dân. Việc tồn tại đồng thời cả hệ giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề ở trình độ trung cấp, CĐ với hai cơ quan quản lý khác nhau thuộc hai bộ GD-ĐT, Lao động - thương binh và xã hội khiến hệ thống giáo dục không phát triển “khi được điều khiển bởi hai cái đầu, cái bảo quay trái, cái lại đòi quay phải”.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên