Chất lượng giáo dục quyết định vị thế đất nước

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT - Ngày 22-3, làm việc với Ban bí thư Trung ương Đoàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh cần tiếp tục tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi để Đoàn thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tạo môi trường tốt để giáo dục, rèn luyện và phát huy thanh niên.

Thế hệ này đang và sẽ quyết định vận mệnh đất nước.Tiêu điểm sáng 26-2: Đổi mới giáo dục phải khả thi và thiết thựcBạn nhỏ hồn nhiên chia sẻ với lãnh đạo cao nhất TP.HCM

HAC1A7u0.jpg
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng các gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2013 - Ảnh: V.V.Thành

Về trọng tâm phối hợp công tác của Chính phủ với Ban chấp hành Trung ương Đoàn thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập đầu tiên đến việc Chính phủ, trực tiếp là các bộ ngành, phối hợp tốt, chặt chẽ, hiệu quả với Trung ương Đoàn trong việc chăm lo giáo dục thế hệ trẻ, trong đó có việc giáo dục lòng yêu nước thương nòi, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, trách nhiệm với xã hội, với gia đình và với bản thân. Bằng các hình thức để đoàn kết, tập hợp thanh niên, đoàn viên, đội viên...

Qua đó phát huy tốt hơn vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo, vượt khó lập thân lập nghiệp của tuổi trẻ cả nước.

Giáo dục, giáo dục và giáo dục

"Năng suất lao động của một cá nhân cũng như cả quốc gia phụ thuộc vào giáo dục. Chúng ta còn nghèo nhưng nhất định phải chắt chiu, dành dụm để chi cho giáo dục"

Thủ tướngNGUYỄN TẤN DŨNG

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề cập việc phối hợp để chăm lo nhu cầu, lợi ích chính đáng của thanh niên.

Nhắc lại lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, Thủ tướng nói muốn VN trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì trước hết phải là “giáo dục, giáo dục và giáo dục”.

Không có kiến thức thì không sánh vai với ai được, không cạnh tranh được, không có phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng cho biết mới đây đã yêu cầu rà soát lại để tăng cường chất lượng giáo dục, đặc biệt là dạy nghề và cao đẳng, đại học.

“Đất nước còn nghèo, nhưng mấy năm trước tôi đã mời bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo lên yêu cầu không để một học sinh nào thi đậu vào cao đẳng, đại học vì không có tiền đóng học phí mà không được học. Số tiền đầu tư cho vay vào khoảng 2 tỉ USD, đến nay số vay năm đầu tiên hoàn lại đã đủ quay vòng cho vay mới” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh đừng để con em chúng ta phải bỏ học. Hiện nay tỉ lệ bỏ học từ cấp I ở nông thôn còn lớn, trong khi đó nếu các em bỏ học từ cấp I thì có thể hình dung tương lai các em sẽ như thế nào.

Thủ tướng kể lại: “Tôi đi thăm Kuwait, gặp hai lao động VN, một cháu lương 6.000 USD/tháng, cháu còn lại lương chỉ 200 USD/tháng. Hỏi ra mới biết hai cháu cùng tuổi, nhưng cháu lương cao đã tốt nghiệp đại học bách khoa và làm việc trong ngành dầu khí, còn cháu lương thấp thì làm thợ hồ. Như vậy năng suất lao động của một cá nhân cũng như cả quốc gia phụ thuộc vào giáo dục. Chúng ta còn nghèo nhưng nhất định phải chắt chiu, dành dụm để chi cho giáo dục”.

Tạo nguồn cán bộ từ 1.000 sinh viên xuất sắc

Tại cuộc làm việc, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh cho biết nghị quyết liên tịch về “Quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh” sau một năm triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả tích cực trên nhiều mặt.

Đơn cử như dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo đã tuyển chọn được 580 đội viên và đã kết thúc giai đoạn một, 20 xã còn lại đã đủ phó chủ tịch UBND nên không tuyển thêm...

Ông Nguyễn Đắc Vinh cũng nêu lên một số hạn chế, trong đó có việc tính đến hết tháng 2-2014, mới có 26/63 UBND tỉnh thành ký quy chế phối hợp với tỉnh, thành đoàn (đạt 41,26%).

Nghe báo cáo về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ra thông báo yêu cầu tất cả các tỉnh thành thực hiện nghiêm túc việc ký quy chế phối hợp với tỉnh, thành đoàn, coi đây là trách nhiệm phải thực hiện ngay trong năm 2014.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết ngoài dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú về làm phó chủ tịch UBND xã nghèo nêu trên, trong năm 2014 bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Trung ương Đoàn tuyển chọn 500 trí thức trẻ về làm công chức chuyên môn ở các xã nông thôn, miền núi.

Bộ Nội vụ cũng đang xây dựng nghị định thí điểm về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, phấn đấu từ nay đến năm 2020 sẽ thu hút được khoảng 1.000 đối tượng trong diện này.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Vũ Văn Tám nêu ý kiến trong thời gian tới Trung ương Đoàn cần chú ý hướng các hoạt động của thanh niên xung phong, làng thanh niên lập nghiệp ra với biển đảo Tổ quốc.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tặng hoa chúc mừng kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, tặng cúp và quà lưu niệm cho 10 gương mặt trẻ VN tiêu biểu năm 2013, tặng quà lưu niệm cho 10 gương mặt trẻ triển vọng năm 2013.

Phát biểu sau đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn các gương mặt trẻ tiêu biểu, triển vọng tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa để xứng đáng là những gương mặt trẻ tiêu biểu VN, thật sự là những tấm gương để bạn bè, những người trẻ tuổi của VN học tập, noi theo để ngày càng có nhiều gương mặt trẻ tiêu biểu, những tài năng ưu tú của thế hệ trẻ VN.

Làm tới đâu phải chắc tới đó

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương để Ban bí thư Trung ương Đoàn trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt đề án “Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu niên giai đoạn 2013-2020”, đồng ý chủ trương về việc tổ chức lực lượng thanh niên xung phong xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, tuy nhiên phải có đề án cụ thể. Đối với việc triển khai xây dựng các làng thanh niên lập nghiệp, Thủ tướng yêu cầu “làm tới đâu phải chắc tới đó”.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên