03/04/2014 04:10 GMT+7

Cần tăng cường đối thoại với học sinh

VĨNH HÀ thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TT - Ông Ngũ Duy Anh, vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên - Bộ GD-ĐT, nhận định như vậy về các giải pháp đối với tình trạng học sinh nói xấu thầy cô giáo trên Facebook.

Kỳ 1: Lên Facebook nói xấu thầy cô Kỳ 2: Tạo kênh để học trò phản biệnKỳ 3: Lên án, cấm đoán: không phải là giải pháp!

8cm1aO15.jpg
Ông Ngũ Duy Anh - Ảnh: Vĩnh Hà

Theo ông Ngũ Duy Anh, thay vì ra các quy định cấm cứng nhắc vốn sẽ khó có thể giải quyết dứt điểm những bất cập trong ứng xử của học sinh với thầy cô, nhà trường cần tạo môi trường để học sinh được giãi bày.

"Tôi ủng hộ việc các nhà trường tăng cường tổ chức các hoạt động đối thoại, trao đổi, chuyện trò với học sinh, sinh viên, tổ chức các diễn đàn để các em được thảo luận, nói lên suy nghĩ thật của mình, qua đó nắm bắt được tâm tư, tình cảm, diễn biến của học sinh, sinh viên để có sự định hướng, giáo dục phù hợp"

* Trước tình trạng học sinh nói xấu thầy cô trên Facebook, Bộ GD-ĐT có ban hành quy định, hướng dẫn cụ thể liên quan tới việc học sinh sử dụng Internet, mạng xã hội?

- Thực tế đã có nhiều nhà trường ban hành và tổ chức thực hiện tốt các quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. Nhưng đúng là vẫn chưa quan tâm đúng mức tới việc ứng xử của học sinh trên các trang mạng xã hội. Trong thời gian tới, để giải quyết tình trạng học sinh, sinh viên sử dụng mạng xã hội với nội dung, mục đích không lành mạnh, Bộ GD-ĐT đang dự thảo và sẽ ban hành kế hoạch tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên mạng Internet của ngành giáo dục, trong đó chú trọng việc tuyên truyền, giáo dục để học sinh, sinh viên biết cách sử dụng hiệu quả ứng dụng của Internet vào mục đích học tập, giải trí lành mạnh.

* Theo ông, trong lúc chờ kế hoạch của bộ, nhà trường có nên đặt ra các quy định để ngăn cấm học sinh có hành vi không đẹp trên Facebook?

- Các nhà trường tùy theo thực tế có thể đặt ra những quy định cụ thể. Cũng có thể đưa ra những khuyến cáo, lưu ý, hướng dẫn liên quan tới việc này. Bởi trên thực tế không phải học sinh, sinh viên nào cũng cố tình mắc lỗi. Có những điều các em không biết, không lường được hậu quả và nghĩ mình có thể tự do phát ngôn.

* Có nhiều ý kiến cho rằng cấm đoán không phải việc tốt, vì cấm chỗ này các em sẽ phát ngôn, hành xử ở chỗ khác. Ông nghĩ gì về ý kiến này?

- Tôi đồng ý nếu chỉ cấm đoán thì không đem lại hiệu quả như mình mong muốn. Với học sinh, sinh viên, bên cạnh những quy định cứng bắt buộc phải có, những quy định có tính pháp lý để các nhà trường dựa vào chấn chỉnh hành vi ứng xử của học sinh, rất cần phải tăng cường các hoạt động, tạo nên môi trường để thầy cô giáo, phụ huynh xích lại gần các em. Đó là cách để thầy cô, cha mẹ hiểu học sinh, hiểu con cái, chia sẻ, tư vấn, giúp các em có suy nghĩ đúng đắn hơn.

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên