Phóng to |
Bộ GD-ĐT đã chính thức bỏ điểm sàn từ kỳ thi tuyển sinh ĐH - CĐ năm 2014 - Ảnh: Đ.N. |
* PGS.TS ĐỖ VĂN DŨNG(hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM):
Phải xác định ngưỡng tối thiểu các môn thi
Đối với các trường công lập, điểm sàn Bộ GD-ĐT xác định hằng năm không có ý nghĩa vì trên thực tế các trường này đều xác định điểm trúng tuyển trên mức điểm sàn. Vấn đề điểm sàn được xới lên lâu nay chủ yếu từ phía các trường ngoài công lập do họ khó khăn trong tuyển sinh. Điểm sàn là mức tối thiểu để đảm bảo chất lượng đầu vào ở các trường ngoài công lập. Nếu bỏ điểm sàn thì Bộ GD-ĐT cần có chính sách tuyển sinh phù hợp để đảm bảo chất lượng đầu vào, nếu buông lỏng quản lý thì hậu quả sẽ khó lường. Việc buông lỏng trong tuyển sinh sẽ đẩy các trường và cả người học rơi vào vòng luẩn quẩn, chất lượng đầu vào kém sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng đào tạo và chất lượng đầu ra cũng không thể tốt được, khi đó xã hội sẽ đánh giá thấp sản phẩm đào tạo của nhà trường và nhà trường sẽ lại gặp khó khăn trong tuyển sinh... Tôi cho rằng nếu các trường ngoài công lập không cải thiện chất lượng đào tạo thì dù Bộ GD-ĐT cho phép các trường hạ điểm sàn đến mức thấp nhất cũng không thu hút được thí sinh.
Về việc Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn theo tôi là hợp lý. Vì nếu chỉ căn cứ điểm ba môn thi để quyết định việc trúng tuyển của thí sinh thì chưa đầy đủ. Khi bỏ điểm sàn, Bộ GD-ĐT cần xác định tiêu chí đánh giá và phải có ngưỡng tối thiểu từng môn thi đối với các trường sử dụng kết quả kỳ thi “ba chung” để xét tuyển. Đồng thời các trường phải thực hiện việc xét tuyển dựa vào kết quả học THPT của thí sinh, điểm học bạ phải đưa ra điều kiện thí sinh đạt từ mức trung bình khá trở lên mới đủ sức học ĐH.
* PGS.TS NGUYỄN HỘI NGHĨA(phó giám đốc ĐHQG TP.HCM):
Cần xác định điểm sàn môn
Nếu Bộ GD-ĐT quyết định bỏ điểm sàn trong kỳ thi tuyển sinh “ba chung” thì cần xác định điểm sàn các môn. Việc xác định điểm sàn các môn thi phụ thuộc phổ điểm cụ thể của từng môn và tổng chỉ tiêu tuyển sinh của khối thi đó. Từ đó, các trường có thể áp dụng một, hai hoặc ba sàn môn và nhà trường có quyền quyết định việc này. Khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn môn thì các trường cũng ra quyết định ngay, thậm chí các trường cũng có thể công bố trước bộ để thí sinh được biết và tập trung đầu tư vào những môn này.
Điểm thi của các môn không giống nhau, giá trị, độ khó của từng môn cũng khác nhau nên việc cộng điểm cả ba môn thi để xác định điểm sàn là không hợp lý. Bộ cần dựa vào kết quả thực tế để loại phần tốp dưới thì hợp lý hơn. Theo tôi việc xác định điểm sàn môn “mở” hơn. Để đảm bảo chất lượng đầu vào, các trường có thể thêm một số tiêu chí khác. Theo đó, Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn môn chung cho cả nước, còn điểm sàn môn riêng của từng trường phải lớn hơn hoặc bằng điểm sàn môn của bộ.
* TS NGUYỄN CAM(ĐH Sư phạm TP.HCM):
Kiểm tra, giám sát “đầu ra”
Lâu nay xã hội vẫn hiểu điểm sàn chính là cái ngưỡng tối thiểu để đảm bảo chất lượng đào tạo bậc ĐH, tránh tình trạng các trường tuyển sinh bừa bãi. Cái ngưỡng đó là điểm sàn thì không phù hợp rồi. Nhưng nếu thay thế bằng “điểm liệt” - tôi có cảm giác như ta giảm ngưỡng xuống thấp hơn. Chưa kể nội dung đề thi có chuẩn không nữa (nếu đề thi quá dễ thì điểm liệt không còn ý nghĩa).
Theo tôi, yếu tố cốt lõi không phải “đầu vào” mà là “đầu ra”. Bộ GD-ĐT cần kiểm tra, giám sát chất lượng “đầu ra” của các trường ĐH. Lâu nay, bậc đại học ở ta cứ đào tạo và sinh viên được tốt nghiệp ra trường, không có sự sàng lọc. Nay, Bộ GD-ĐT cần siết lại việc này và công bố định kỳ chất lượng “đầu ra” của các trường. Còn việc tuyển sinh như thế nào có thể cho các trường tự chịu trách nhiệm.
* Một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM(đề nghị không nêu tên): Điểm liệt sẽ “giết” các trường trung cấp Việc bỏ chế độ điểm sàn trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ là điều cần làm ngay. Thực tế những năm qua cho thấy điểm sàn không đóng tròn vai “đảm bảo chất lượng đào tạo ĐH, CĐ” như Bộ GD-ĐT mong muốn. Không những thế, nó còn thể hiện nhiều hạn chế khác nữa. Tuy nhiên, nếu thay điểm sàn bằng điểm liệt cũng không ổn bởi việc thay thế này rất có thể sẽ giết chết các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề. Và câu hỏi đặt ra là: thực hiện điểm liệt dành cho từng môn thi hay điểm liệt dành cho từng ngành tuyển sinh? Vấn đề ở đây, theo tôi, là chúng ta cần một “bàn tay” đủ mạnh để điều phối việc đào tạo nguồn nhân lực đạt chất lượng cao và đào tạo theo nhu cầu xã hội. Chứ như hiện nay, một số trường tuyển sinh theo kiểu “vơ vào” cho đủ chỉ tiêu, bất kể nhu cầu xã hội ra sao, thí sinh có thật sự đủ năng lực học tập hay không... |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Nên thay điểm sàn bằng điểm liệtXóa sổ điểm sàn tuyển sinh đại học, cao đẳngGiữ thi chung, bỏ điểm sàn?Điểm thi tăng, điểm sàn vẫn "giữ vững"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận