26/02/2014 09:30 GMT+7

Nên thay điểm sàn bằng điểm liệt

TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA (PGĐ ĐH Quốc gia TP.HCM)
TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA (PGĐ ĐH Quốc gia TP.HCM)

TT - Thay cho điểm sàn của các khối thi như trước đây, có lẽ thích hợp nhất là chỉ xác định điểm liệt cho từng môn thi của các khối thi, để trên cơ sở đó các trường dùng kết quả thi “ba chung” có thể vận dụng linh hoạt.

Xóa sổ điểm sàn tuyển sinh đại học, cao đẳngGiữ thi chung, bỏ điểm sàn?Điểm thi tăng, điểm sàn vẫn "giữ vững"

geBKmWep.jpgPhóng to
Bộ GD-ĐT đã chính thức bỏ điểm sàn từ kỳ thi tuyển sinh ĐH - CĐ năm 2014 - Ảnh: Đ.N.

Quyết định bỏ điểm sàn ngay trong kỳ tuyển sinh ĐH - CĐ 2014 nhận được nhiều ý kiến đồng tình của các nhà giáo và chuyên gia giáo dục. Tuổi Trẻ giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM.

Thi riêng, điểm sàn không còn ý nghĩa

"Điều quan trọng nhất hiện nay là các chủ trương chính sách, các giải pháp kỹ thuật cải tiến tuyển sinh, lộ trình quá độ đến giai đoạn sau tuyển sinh “ba chung”... cần sớm được công bố, tránh tình trạng cuộc chơi đã bắt đầu nhưng luật chơi vẫn chưa có"

Theo thông tin từ báo chí, đến nay đã có khoảng 50 trường ĐH, CĐ trình Bộ GD-ĐT phương án tuyển sinh riêng. Các trường, ngành tuyển sinh riêng hoàn toàn (thời gian nộp hồ sơ, địa điểm nộp hồ sơ, đề thi, chấm thi, xét tuyển... hoàn toàn riêng) là các trường, ngành thuộc khối ngành văn hóa, mỹ thuật, nghệ thuật hoặc một số ít ngành khó tuyển. Phần lớn các trường đã nộp đề án thi tuyển sinh còn lại đều kết hợp dùng kết quả của kỳ thi “ba chung” với xét tuyển dựa trên một số tiêu chí do chính nhà trường đặt ra. Tuy hầu hết tiêu chí xét tuyển đều dựa trên học bạ các lớp 10, 11, 12 và kết quả thi tốt nghiệp THPT, nhưng cũng rất đa dạng trong tùy chọn về môn học tương ứng với ngành xét tuyển, và tất cả đều từ mức tối thiểu bình quân 5 điểm cho từng môn hay tổ hợp nhiều môn.

Như vậy, khi tuyển sinh theo phương thức xét tuyển không dựa trên kết quả thi “ba chung” thì không còn khái niệm điểm sàn mà chỉ là các tiêu chí xét tuyển. Việc xét tuyển sẽ tuyển chọn thí sinh nào đạt nhiều tiêu chí nhất và đạt các tiêu chí đó ở mức cao nhất, xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Điểm khác biệt lớn nhất ở đây là các tiêu chí xét tuyển rất đa dạng, linh động theo từng ngành xét tuyển, theo từng môn học hoặc tổ hợp các môn học chứ không cứng nhắc theo từng khối thi của “điểm sàn ba chung”.

Một khi đã cho phép nhiều trường xét tuyển theo tiêu chí riêng thì lập tức theo lẽ đương nhiên khái niệm “điểm sàn ba chung” sẽ không còn ý nghĩa, đơn giản chỉ vì không thể nào tồn tại một lúc hai mức sàn hoặc nhiều mức sàn khác nhau.

Giải pháp nào?

Nếu thống kê trên số lượng trường ĐH, CĐ có đề án xét tuyển riêng (cả trường hoặc một số ngành trong trường) và số lượng thí sinh dự đoán sẽ tham gia xét tuyển riêng, có thể thấy trước rằng việc xét tuyển thí sinh vào các trường ĐH, CĐ năm 2014 chủ yếu vẫn dựa trên kỳ thi “ba chung”. Tuy nhiên, như đã phân tích, khái niệm và mục tiêu của “điểm sàn ba chung” không còn phù hợp nữa, theo chúng tôi nên thay bằng khái niệm “tiêu chí xét tuyển dựa trên kết quả thi ba chung”. Hơn nữa, theo tiêu chí xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT và học bạ lớp 10, 11, 12, có nhiều trường ĐH, CĐ đã đặt ra tiêu chí mức điểm bình quân tối thiểu cho từng môn học hoặc tổ hợp một số môn học không giống như khối thi đại học. Đó là chưa kể nhiều ngành năng khiếu của một số trường vẫn dùng kết quả của một vài môn chung (ví dụ toán, văn...).

Do vậy, thay cho điểm sàn của các khối thi như trước đây, có lẽ thích hợp nhất là chỉ xác định điểm liệt cho từng môn thi của các khối thi, để trên cơ sở đó các trường dùng kết quả thi “ba chung” có thể vận dụng linh hoạt. Ý nghĩa, mục tiêu của điểm liệt này có thể nhìn nhận và hiểu dưới nhiều quan điểm khác nhau. Chúng tôi xuất phát từ quan điểm điểm sàn trước đây và điểm liệt đề xuất ở đây có tác dụng phân luồng học sinh sau THPT hơn là dùng để đánh giá khả năng, năng lực học đại học của thí sinh, vì chính bằng tốt nghiệp THPT đã là một mức sàn có thể tin cậy.

Với quan điểm đó, tất nhiên điểm liệt không thể là 0 điểm. Điểm liệt cho từng môn bao nhiêu là phù hợp? Điều này cũng rất khó xác định chính xác, tuy nhiên trước mắt chúng tôi đề xuất dựa trên hai số liệu, một là số lượng thí sinh dự thi của môn đó, hai là tổng chỉ tiêu tuyển sinh của khối thi đó ở các trường ĐH. Trên thông tin của hai số liệu cơ bản đó, có thể ấn định mức điểm liệt sao cho chỉ loại khoảng 5-10% thí sinh của mỗi môn để đảm bảo định hướng phân luồng sau THPT, và như vậy tối thiểu mỗi khối thi sẽ có ít nhất 70% thí sinh được tham gia xét tuyển vào các trường theo kết quả “ba chung”.

Cũng cần nhắc lại trong kỳ tuyển sinh năm 2013, dù đã cải tiến việc xác định điểm sàn căn cứ trên tổng điểm bình quân ba môn thi, số thí sinh trên điểm sàn đủ điều kiện tham gia xét tuyển cũng chỉ đạt 43,31% tổng số thí sinh dự thi (theo thống kê của Cục Khảo thí, năm 2013 có 1.298.522 thí sinh dự thi ĐH, với mức điểm sàn của từng khối thi đã xác định, có 562.499 thí sinh đạt điểm sàn để tham gia xét tuyển 323.681 chỉ tiêu tuyển sinh ĐH).

Bỏ thì thương, vương thì tội

Khái niệm “điểm sàn ba chung” rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, bỏ thì thương, vương thì tội. Nếu bỏ điểm sàn, các trường tự xác định tiêu chí điểm trúng tuyển theo kết quả thi “ba chung” thì vai trò và tầm quan trọng của một kỳ thi quốc gia được chuẩn bị rất công phu và chất lượng trong khâu tổ chức thi và đề thi sẽ giảm rất nhiều. Nhưng cũng không thể giữ khái niệm điểm sàn theo kiểu cũ khi mà có nhiều hình thức xét tuyển linh hoạt, hợp lý và hứa hẹn cũng đảm bảo chất lượng đầu vào đã được chấp nhận. Chỉ khi nào tất cả các trường cùng thi “ba chung” như trước đây thì điểm sàn chung cả nước cho từng khối thi mới có ý nghĩa và có tác dụng.

TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA (PGĐ ĐH Quốc gia TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên