15/01/2014 07:17 GMT+7

Dạy bảo mẫu tay ngang là bảo hộ cho bảo mẫu

NGUYỄN VĂN PHƯỚC
NGUYỄN VĂN PHƯỚC

TT - Thực tế nhu cầu của phụ huynh phải gửi con vào các nhóm trẻ gia đình tự phát là không thể tránh khỏi, có thể nói là tất yếu. Vấn đề đó dần trở nên hết sức bức thiết cho phần đông người dân sống ở các khu đô thị, thị trấn và thành phố lớn như TP.HCM.

Nghề nào như nghề bảo mẫuHọc làm bảo mẫuBảo mẫu đi học

W39vq5jf.jpgPhóng to

Việc hành nghề bảo mẫu sẽ mọc lên như nấm sau mưa, mọi người đều có thể trở thành bảo mẫu một cách dễ dàng, không phân biệt người có trình độ chuyên môn hay không, có thật sự yêu trẻ hay không, hay mục đích chính chỉ là lợi nhuận.

Từ đó kéo theo sự quản lý của các phòng đào tạo, chính quyền ở địa phương không thể giám sát hết được, và điều gì đến sẽ đến, nhiều vụ đau lòng gây hoang mang dư luận tiếp tục diễn ra theo cấp số cộng. Mà những việc tưởng chừng không thể xảy ra ấy lại xảy ra phần lớn tại các nhóm trẻ gia đình, nơi nuôi dạy trẻ tự phát. Có nhiều cô bảo mẫu còn rất trẻ chưa một ngày học dạy trẻ mầm non, chưa biết tâm lý giáo dục trẻ là gì... cũng ngang nhiên trở thành bảo mẫu.

Thử dạo quanh một vòng các nhóm trẻ tự phát này ta đều thấy có một mẫu số chung: không có sân chơi cho trẻ, không có bảng ghi thực đơn hằng ngày, không có dụng cụ vui chơi, không có một y tá hay điều dưỡng. Chỉ có cánh cửa với đầy bông hoa nhỏ ấy mà mỗi khi đóng sầm lại ta không thấy gì bên trong, khác hoàn toàn với trường mầm non công lập được đầu tư bài bản. Đặc biệt là ở các trường công lập này giáo viên được tuyển chọn khá kỹ lưỡng, được đào tạo từ các trường sư phạm hẳn hoi, và bản thân các giáo viên này đã có ý định nuôi dạy trẻ từ khi mình tốt nghiệp lớp 12 rồi chọn thi vào ngành, được đào tạo vài năm tùy theo hệ, hơn hẳn đối tượng tự phát này.

Theo tôi, việc mở khóa đào tạo bảo mẫu ngắn hạn chỉ giải quyết phần ngọn. Không giải quyết tận gốc việc thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm, thiếu sân chơi và cơ sở vật chất... sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro khi phải gửi trẻ ở các nhóm trẻ gia đình này. Do đó chúng ta đã vô tình bảo hộ cho họ một tấm giấy thông hành. Hiện nay có thể nói là thiếu trầm trọng loại hình trường mầm non công lập, đặc biệt ở các huyện ngoại thành, có xã chỉ có một trường mầm non với sức chứa nhỏ, không thể tải hết lượng trẻ đến tuổi mầm non. Vấn đề ở đây là phải có sự đầu tư thích đáng, đồng bộ từ phía các sở GD-ĐT, các UBND quận, huyện, thành phố và từ ngân sách của Nhà nước, để xây dựng thêm nhà trẻ sao cho đảm bảo chứa tất cả trẻ em có hộ khẩu tại địa phương, cộng thêm phần biến động của trẻ nhập cư và hộ KT3.

Nếu chúng ta không làm được điều này thì việc chạy vạy để cho con vào nhà trẻ công lập cứ tái diễn, cha mẹ bắt buộc phải gửi vào các nhóm trẻ tự phát, và đương nhiên nhóm trẻ gia đình có cơ hội bùng phát theo quy luật có cầu thì có cung. Nói dễ hơn làm, vì thế các ban, ngành cần khẩn trương lập kế hoạch và thực hiện. Sau đó cần phải nêu ra thật cụ thể điều kiện cần và đủ để mở được nhóm trẻ gia đình, chẳng hạn về trình độ chuyên môn, cơ sở vật chất, đội ngũ y bác sĩ, khuôn viên mặt bằng... Mặt khác là cần có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng nhiều hơn nữa, nơi nào không đảm bảo về nuôi dạy trẻ, kiên quyết xử lý không khoan nhượng.

Sau ba tháng, họ có thành bảo mẫu?

Hôm nay các bảo mẫu tự phát này có trình độ từ lớp 7 trở lên được đào tạo ba tháng miễn phí, cấp cho giấy chứng nhận, rồi lại tiếp tục mở ra các nhóm trẻ nữa. Sau ba tháng ấy, liệu họ có trở thành bảo mẫu mới, mức độ mới được bao nhiêu? Còn những bảo mẫu có trình độ dưới lớp 7 hiện tại cũng đang hành nghề thì giải quyết ra sao?

Liệu có công bằng?

Nếu như hôm nay các bảo mẫu tay ngang theo học mỗi lớp khoảng 100 người, rồi đây con số này sẽ không dừng ở đó mà tiếp tục tăng lên 200, 300... Chẳng lẽ chúng ta cứ đào tạo theo kiểu đuổi bắt như thế sao? Và có thật sự công bằng cho những người được đào tạo nghề bảo mẫu nghiêm túc từ đầu?

NGUYỄN VĂN PHƯỚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên