13/01/2014 07:10 GMT+7

Bảo mẫu đi học

LƯU TRANG
LƯU TRANG

TT - Sau hàng loạt sự cố đáng tiếc xảy ra tại các nhóm trẻ gia đình tự phát, nhiều lớp học dành cho các cô bảo mẫu “tay ngang” được mở ra ở một số địa bàn đông dân nhập cư của TP.HCM như quận 12, Tân Phú, Thủ Đức, Bình Tân...

Nghề nào như nghề bảo mẫuHọc làm bảo mẫuĐể không còn những “Phương Anh... 1, 2...”

36TCBY0D.jpgPhóng to
Học viên lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ bảo mẫu do Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM tổ chức thí điểm tại Q.Bình Tân - Ảnh: L.Trang

Tốt nghiệp lớp 9 ở quê, bươn chải lên TP kiếm sống, làm thử nhiều nghề rồi “đậu” lại với nghề “giữ em bé”. Đó là hành trang nghề nghiệp của nhiều cô gái trẻ đang làm nghề bảo mẫu, trông giữ trẻ tại các nhóm trẻ gia đình ở TP.HCM. Vì là “tay ngang” nên kiến thức về chăm sóc, dạy dỗ trẻ của các cô phần lớn là kinh nghiệm bản thân (nhờ nuôi con, cháu) hoặc được các đàn chị đi trước dạy nghề bằng phương thức... truyền miệng.

Muôn nẻo đường vào nghề

Càng về cuối năm, nhu cầu giữ trẻ tăng cao, những “nhà trẻ” tự phát mọc lên như nấm trong các con hẻm nhỏ, nơi mà không có bảo mẫu, giáo viên nào được đào tạo để giữ trẻ. Với các bảo mẫu tay ngang đơn giản chỉ là “ai cần thì tui giữ!” chứ không cần bằng cấp, kiến thức.

Nhóm trẻ của chị H. ở khu phố 3, phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM, bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2012, hiện nay giữ tám trẻ, nhỏ nhất 10 tháng tuổi, lớn nhất 3 tuổi, học phí trẻ dưới 1 tuổi là 1,6 triệu đồng/tháng, trẻ lớn hơn 1,4 triệu đồng/tháng. Vợ chồng chị H. trước đều là công nhân làm việc ở Thủ Đức, do sức khỏe yếu, con còn nhỏ chị xin nghỉ ở nhà chăm con rồi nhận trẻ con trong xóm giữ tại nhà. “Mấy bé ở đây toàn con của công nhân, tiền ít, hoàn cảnh khó khăn. Ai cần thì tui giữ. Chờ con lớn một chút thì đi làm nghề khác, không tính làm lâu dài nên không cần đi học”.

Cô bảo mẫu Đặng Hoài T. 26 tuổi, quê Thanh Hóa. Học xong lớp 9, T. theo gia đình vào TP.HCM làm ăn, ban đầu phụ giúp cha mẹ buôn bán rồi làm đủ nghề như đi bán cà phê, phụ việc trong quán ăn, làm công nhân công ty may mặc. Đến năm 2000 được người quen giới thiệu, T. vào làm bảo mẫu một nhóm trẻ gia đình tại quận 12. Làm được gần hai năm thì bỏ việc vì lương thấp, công việc áp lực, T. thuê nhà và cùng mẹ nhận giữ trẻ tại nhà. Hiện nay nhóm trẻ của T. có 12 trẻ từ 1-4 tuổi. Gần đây muốn mở rộng nhóm trẻ, T. quyết định đi học trở lại và tìm đến Trường cao đẳng Sư phạm trung ương TP.HCM đăng ký học lớp đào tạo cô nuôi dạy trẻ.

T. kể: “Trước đây mình nghĩ nghề này chỉ cần thích chơi với trẻ con, cẩn thận, sạch sẽ, quen việc thì làm được thôi. Mấy năm qua mình vẫn mở lớp mà đâu cần bằng cấp gì. Nhưng khi đi học mới thấy có nhiều kiến thức nuôi dạy trẻ mình chưa biết hoặc trước nay làm sai mà không biết. Đi học có chứng nhận rồi thì khi nói chuyện với phụ huynh cũng dễ dàng hơn”.

Miệt mài đến lớp

Đại học Sài Gòn, Đại học Sư phạm TP.HCM, Trường cao đẳng Sư phạm trung ương TP.HCM, Trường trung cấp Kỹ thuật và nghiệp vụ Nam Sài Gòn... là những địa chỉ tại TP.HCM thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ bảo mẫu với các hình thức dạy tại chỗ hoặc phối hợp với các quận, huyện mở lớp nhằm phục vụ nhu cầu “học để trở thành bảo mẫu chuyên nghiệp” của không ít chị em.

Đều đặn 18g mỗi ngày từ thứ hai đến thứ sáu, gần 100 học viên là người trực tiếp nuôi, giữ trẻ tại các nhóm trẻ gia đình trên địa bàn phường Tân Tạo, quận Bình Tân, lại có mặt ở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ bảo mẫu do Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM tổ chức. Trước đó một giờ, họ vẫn còn quay quắt với những đứa trẻ ở những nhóm lớp mầm non. Sau một ngày tất bật với trẻ, thời gian ít ỏi buổi tối được dành cho lớp học nghề.

Những kiến thức vỡ lòng của nghề bảo mẫu như cho trẻ ăn, ngủ, ứng xử với trẻ biếng ăn, vệ sinh cho trẻ, xử lý tai nạn... được chuyển tải thông qua các câu chuyện nghề nghiệp. Nghề bảo mẫu không được tô hồng mà qua mỗi buổi học, học viên phải hiểu được rằng chỉ có tình thương trẻ và lòng yêu nghề thật sự mới có thể trụ lại với công việc đầy áp lực, đầy thách thức lòng kiên nhẫn và sức khỏe của người làm nghề, lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho cả cô và trẻ này.

Chị Lan Phương, 25 tuổi, ở khu phố 4, phường Tân Tạo, cho biết: “Được sự động viên của chủ nhóm lớp, tôi dành thời gian đi học để trang bị thêm các kiến thức cần thiết cho việc giữ trẻ. Hồi trước ai làm nghề này cũng được, nhưng bây giờ các nhóm trẻ gia đình cũng bị kiểm tra rất gắt gao, không thể cứ đi làm mà không có tấm bằng lận lưng, nên mệt thì mệt vẫn phải tranh thủ đến lớp học”. Phường Tân Tạo, quận Bình Tân là địa bàn phần lớn dân nhập cư, đối tượng phụ nữ là công nhân và có con nhỏ đông, các nhóm trẻ gia đình tự phát hoạt động phức tạp. Lớp học mở với số lượng ban đầu 80 học viên nữ, chỉ sau vài tuần số học viên đã tăng lên hơn 100 người. Nhiều chị em đã đi làm bảo mẫu lâu năm hoặc chỉ giữ một vài trẻ ở nhà cũng viết đơn xin học bởi không còn muốn làm bảo mẫu “tay ngang”.

“Qua khảo sát nhu cầu có thật và rất bức xúc của phụ nữ phải đi làm, cần nơi nuôi giữ con, hội đã xây dựng kế hoạch liên tịch phối hợp nhiều ban, ngành và trình UBND TP.HCM để thực hiện mô hình thí điểm tại Bình Tân và Thủ Đức về phát triển lực lượng giữ trẻ gia đình, phổ biến kiến thức, pháp luật liên quan đến việc nuôi giữ trẻ. Sắp tới các lớp học này sẽ được mở rộng ở bảy quận, huyện khác để tạo điều kiện cho các cô nuôi dạy trẻ được đến lớp” - bà Đinh Thị Bạch Mai, chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM, cho biết.

Đào tạo miễn phí

Lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ bảo mẫu do Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM tổ chức thí điểm tại quận Bình Tân với kinh phí do UBND TP.HCM hỗ trợ. Học viên là người giữ trẻ tại các nhóm trẻ có trình độ lớp 7 trở lên. Chương trình học kéo dài khoảng ba tháng, với 300 tiết học về đặc điểm cơ thể trẻ, vệ sinh chăm sóc trẻ, dinh dưỡng cho trẻ, tâm lý học, sơ cấp cứu, giao tiếp với trẻ, dạy trẻ tạo hình, làm quen với toán, âm nhạc... Sau Bình Tân, lớp học sẽ được mở ở các địa bàn đông dân nhập cư và tập trung tại các khu công nghiệp như Thủ Đức, quận 7, Nhà Bè, Tân Bình và quận 12. Sau khóa học, học viên được cấp giấy chứng nhận đào tạo cô nuôi dạy trẻ của Trường cao đẳng Sư phạm mẫu giáo trung ương TP.HCM.

Tăng nội dung “đạo đức nghề nghiệp”

Tiến sĩ Phạm Thu Hương, giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng khoa học giáo dục của Trường cao đẳng Sư phạm trung ương TP.HCM, đơn vị giảng dạy tại lớp học, cho biết: “Sau nhiều tai nạn nghề nghiệp của các cô nuôi dạy trẻ thời gian qua, chúng tôi đã tăng thêm 12 tiết nói về “đạo đức nghề nghiệp” trong tổng số 300 tiết của chương trình đào tạo. Người làm nghề phải xác định động cơ theo nghề này, phải thực tâm yêu trẻ thì hãy theo cái nghề vất vả, thu nhập thấp mà thời gian nhiều và trách nhiệm nặng nề này. Phải yêu trẻ mới có thể vượt qua những áp lực đó”.

LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên