Cô thi dạy giỏi, trò buồn“Bội thực” thi giáo viên dạy giỏiGiáo viên quả là giỏi!
Phóng to |
Hôm rồi, cô lên tiết thao giảng cho ban giám hiệu và cả trường xem. Là cô giáo có tay nghề vững vàng và nhiều năm kinh nghiệm, vì thế mặc dù dạy thao giảng nhưng cô không hề dạy trước bài như một số giáo viên khác. Cô chuẩn bị giáo án thật kỹ và dự kiến tình huống xảy ra cũng như cách xử lý sao cho thật hay. Tiết toán của cô trôi qua từ đầu đến lúc cô cho bài tập cuối đúng như cô muốn.
Bài tập cuối theo dự định cô sẽ gọi học sinh yếu nhất lớp làm và cô dự đoán nếu em làm sai, cô sẽ gọi học sinh giỏi nhất lớp nhận xét và sửa chữa bài. Cô sẽ chốt lại ý và tiết học sẽ kết thúc một cách hoàn hảo. Thế nhưng thực tế, khi gọi N. - học sinh kém nhất lớp - lên bảng giải bài, N. đã làm đúng. Bất ngờ xen lẫn niềm vui vì bài giảng của mình học sinh đã tiếp thu rất tốt, ngay cả học sinh yếu nhất lớp còn làm được. Cô tiếp tục gọi H. - học sinh giỏi nhất lớp - nhận xét bài của N. Bất ngờ hơn, H. bảo bài làm của N. sai. Cô cho H. lên bảng giải bài, bài giải của H. hoàn toàn sai.
Trong tâm trạng bực bội vì học sinh giỏi toán lại làm sai và lo lắng thời gian của tiết học sắp hết, cô hỏi cả lớp học sinh nào đồng ý với cách giải của H. là đúng thì giơ tay. Học sinh cả lớp giơ tay. Có tiếng xì xào phía người dự giờ, cô sửng sốt nhìn học sinh, cô nhanh chóng sửa bài vì đã hết giờ, tiết học kết thúc. Sau đó, tiết dạy của cô không được đánh giá tốt vì người dự cho rằng học sinh cả lớp chưa hiểu rõ nên làm sai.
Trở về lớp, cô trách cả lớp, nhất là H. - học sinh giỏi nhất - mà làm sai, làm cô xấu hổ với đồng nghiệp. H. bật khóc và cả lớp khóc theo, làm cô phải gượng vui trấn an học sinh. Sau đó cô hỏi cả lớp vì sao chỉ có N. làm đúng. Lúc này học sinh thi nhau la lên: “Em làm đúng mà cô!”, “Em làm đúng!”... Cô kiểm vở các em, cả lớp đều đúng.
Lúc này cô mới hiểu. Cũng như cô, học sinh cả lớp nghĩ rằng H. rất giỏi nên H. phải là người đúng. Kể xong, cô nói: “Biết thế, tôi dạy trước bài như những giáo viên khác thường làm thì chắc rằng tiết dạy của tôi sẽ được khen”.
Rót cho cô bạn ly nước, đợi cô bình tĩnh, tôi thẳng thắn bày tỏ ý mình. Trước tiên, tôi rất thông cảm với tình huống bất ngờ ngoài dự kiến của cô. Nhưng tôi cũng trách cô quá chủ quan khi cho rằng H. luôn luôn giỏi, chính vì cô như thế nên học sinh cả lớp xem H. như là “thần tượng”: H. phát biểu là đúng, H. giải là chính xác. Hôm nay, H. làm sai nhưng cả lớp đều “hùa” theo là đúng là lẽ đương nhiên. Nếu lúc đó cô bình tĩnh hơn, kiểm tra tập một số em, khi có em làm đúng mà vẫn giơ tay theo H. thì cô sẽ có dịp giáo dục các em phải tự tin ở chính mình và H. sẽ không tự cao cho mình là “số 1” của lớp. Đến lúc đó, cô sửa bài thì tiết thao giảng của cô sẽ tốt về nhiều mặt.
Tôi cũng “lên án” cô khi có suy nghĩ sẽ dạy trước bài khi có dự giờ để đạt tiết tốt. Với tôi, đó là biểu diễn, “đóng kịch”. Tôi cũng thông cảm với cô về cách đánh giá khi dự giờ hiện nay quá xem trọng hình thức, tiết học phải hoàn hảo. Tại sao người dự không chú ý về kiến thức người dạy truyền đạt, về cách tổ chức hoạt động lớp, về phương pháp, kỹ thuật giáo viên sử dụng và học sinh có tích cực học không, có thích thú học không? Với tình huống như thế, sao không ai kiểm tập của học sinh cả lớp để biết rằng bao nhiêu học sinh làm sai, bao nhiêu học sinh làm đúng nhưng thiếu tự tin nên giơ tay theo bạn...
Chính vì cách đánh giá tiết dạy hiện nay quá chú trọng hình thức nên lớp nào sắp “đóng phim” (lên tiết thao giảng, thi giáo viên giỏi, bị thanh tra dự giờ...) là cả trường đều biết. Bị dự giờ, giáo viên phải chuẩn bị trước thật kỹ lưỡng, thậm chí dạy trước nhiều lần. Bởi chỉ trong khoảng 40 phút của một tiết học, giáo viên phải “phô diễn” hết kiến thức, kỹ năng sư phạm, phương pháp dạy tích cực, cách tổ chức tiết học thật sinh động thể hiện sự vui học, tích hợp được nhiều thứ như kỹ năng sống - môi trường - tiết kiệm năng lượng, đồ dùng dạy học đẹp, lạ... Hiện nay, để được đánh giá tiết dạy tốt, đa số giáo viên phải dạy trước là như thế đó!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận