Thật não nề khi những hoạt động chào mừng Ngày nhà giáo phải ngưng lại, giáo viên chia ca vào bệnh viện để túc trực bên học trò đang trong cơn nguy kịch, học sinh cả trường xôn xao, bàng hoàng...
Không ai lường trước được điều gì. Cô hiệu trưởng trường nơi T., em học sinh tự tử, đang theo học cho biết đã thấy T. có biểu hiện buồn chán trước đó mấy ngày. Thầy giáo chủ nhiệm đã trò chuyện, an ủi T., bạn bè trong lớp cũng động viên T. vượt qua khó khăn của gia đình, nhưng đâu ngờ... Kết thúc buổi học sáng, T. tìm đến lầu hai Bệnh viện Gò Vấp và nhảy xuống với mong muốn rũ bỏ những đau buồn mà số phận bắt em phải gánh chịu.
Trong bức thư dài gần tám trang giấy vở ô li mà T. nhờ một bạn học gửi cho mẹ mình, em nói rất buồn vì hoàn cảnh gia đình, cuộc sống khó khăn đến cùng cực, nhất là những khi phải lo đóng tiền học cho mình. T. thầm hứa với mẹ, với bà ngoại rằng sẽ học thật tốt, sẽ lấy danh hiệu học sinh giỏi để gia đình có thể tự hào với những người xung quanh, để không ai có thể xem thường mình. Nhưng rồi việc học ngày càng khó khăn, khi lên lớp 9 nhiều môn T. không hiểu bài, cũng không dám hỏi ai, em không đi học thêm như các bạn nên có những bài tập không giải được. Và nhất là khi nhìn bảng điểm học kỳ I năm học này, T. thất vọng và cảm thấy tự ti hoàn toàn, nghĩ rằng mình không thể qua nổi lớp 9, chưa nói đến thi vào lớp 10. Một con người khác xuất hiện trong bản thân em nói sẽ đưa em đi thật xa...
Những con điểm ngỡ vô tri lại có thể đẩy một cô học trò chăm ngoan đến bước đường cùng. Nhưng nguyên nhân sâu xa là trái tim non dại của em không đủ sức chịu đựng những thử thách của cuộc đời, từ gia đình kém may mắn đến những áp lực quá lớn mà em tự đặt ra, tự ép mình để vươn lên. Mẹ làm nghề giúp việc nhà thu nhập bấp bênh, ngoài giờ học T. đi phụ bán dừa để có thêm tiền trang trải cuộc sống. Ba năm qua T. đều là học sinh giỏi, năm lớp 8 điểm số trung bình của em là 9,4. Trong bảng điểm học kỳ I với một vài cột điểm kiểm tra miệng, kiểm tra viết, điểm số của T. vẫn khá cao, chỉ có hai điểm 6. Theo một cô giáo dạy ở trường, điểm số như vậy đã thuộc vào hàng khá, giỏi ở ngôi trường có 2/3 học sinh diện tạm trú này. Vậy mà một học sinh có hoàn cảnh éo le đã rất nỗ lực vượt lên khó khăn, trở thành một học sinh ngoan, giỏi cuối cùng lại phải tìm đến cái chết. Gia đình, thầy cô, bạn bè của T. đều bàng hoàng, nhưng hai chữ “giá như...” đã quá muộn màng.
Thiếu kỹ năng sống, thiếu kỹ năng đối diện với áp lực là điều dễ nhận thấy ở những học sinh tuổi mới lớn. Khi gặp những bất trắc trong cuộc sống, các em dễ thất vọng và thường chọn cách xử lý dại dột nếu không có sự quan tâm, can thiệp kịp thời của gia đình, nhà trường và xã hội. Ngoài những bài học về kỹ năng sống, tình yêu thương của gia đình và sự giáo dục nhà trường là liều thuốc mạnh nhất để xóa tan những cơn trầm cảm, những hành động bồng bột, dại khờ của tuổi mới lớn giữa biển đời không êm ả.
Chiều 22-11, khoa phẫu thuật gây mê hồi sức Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (TP.HCM) cho biết em P.T.T.T. (15 tuổi) vẫn đang trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu. Trước đó bệnh viện tiếp nhận em T. từ Bệnh viện Gò Vấp lúc 13g24 ngày 19-11 trong tình trạng chấn thương sọ não, xuất huyết quanh thân não, dập phổi, dập gan, gãy xương cánh tay phải, gãy xương chậu bên phải. Tối cùng ngày, em T. đã được mổ dẫn lưu màng phổi bên phải, dùng thuốc vận mạch và thở máy. Những tổn thương khác được điều trị nội khoa. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận