17/10/2013 04:35 GMT+7

Phải tôn trọng cách viết của tiếng Việt

H.HG. ghi
H.HG. ghi

TT - Cách giải thích của đại diện Nhà xuất bản (NXB) Giáo Dục trên Tuổi Trẻ ngày 15-10 là một sự bao biện.

H3yWHJ1k.jpgPhóng to
Bài thơ Quê hương của nhà thơ Đỗ Trung Quân in tại trang 79 sách giáo khoa lớp 3 tập 1 - Ảnh: Nguyễn Khánh
Kd89QAIm.jpg
GS.TS Nguyễn Đức Dân - Ảnh: Hoàng Hương
Thứ nhất, việc biên tập lại các đoạn văn, đoạn thơ cho phù hợp với nội dung bài học thì phải được chú thích ngay sau bài học. Ví dụ như bài thơ Quê hương của nhà thơ Đỗ Trung Quân: “Tuổi thơ con thả trên đồng” nếu biên tập thành “Chiều chiều con thả trên đồng” thì ngay sau bài học phải chỉ ra phần này để giáo viên, học sinh biết được bản gốc của đoạn thơ. Đây là một nguyên tắc nhưng không hiểu sao NXB Giáo Dục lại không thực hiện.

Thứ hai, không thể lấy lý do học sinh chưa được học chữ hoa mà sách giáo khoa (SGK) không viết hoa đầu câu và tên người. Quy tắc viết hoa phải được tôn trọng tuyệt đối để tránh định hình trong học trò một mớ hỗn độn về viết hoa, viết thường. SGK cần phải viết hoa, viết thường theo đúng quy tắc cách viết của tiếng Việt, khi dạy giáo viên sẽ giải thích cho học sinh hiểu. Nếu cứ giữ cách trình bày như hiện tại, e rằng sẽ làm học sinh có thói quen tùy tiện trong cách viết hoa.

Riêng câu “Trai gái bản mường cùng vui vào hội”, đại diện NXB Giáo Dục cho rằng: bản và mường đều là cách gọi những cộng đồng dân cư ở miền núi, tương tự xóm làng ở miền xuôi. Điều này là chính xác.

Về câu “Nhà Dế Mèn ở gần bãi cỏ non, còn nhà Sên thì ở ngay trên tàu lá chuối”, tôi cũng cho rằng: học sinh rất dễ nhầm “Sên” là tên người. NXB Giáo Dục giải thích: “Học sinh chưa được học vần “ôc” nên chưa thể đưa chữ “ốc”. Để hiểu nội dung câu văn, học sinh đã có tranh minh họa màu, rất rõ nét ngay bên trên câu văn”. Tôi thấy cách giải thích như vậy chưa ổn. Tranh minh họa để bổ sung chứ không phải thay thế cho chữ, cho từ. Nói như NXB tức là SGK cứ thể hiện sai từ ngữ, học sinh muốn hiểu thì nhìn vào tranh minh họa hay sao?

Vấn đề cuối cùng có liên quan đến cụm từ “thổi xôi”. Đây là vấn đề thuộc về phương ngữ, “thổi” là phương ngữ vùng Bắc bộ, rất ít người dùng. Và nếu dùng cũng dùng trong phạm vi hẹp: thổi xôi, thổi cơm. Trong khi đó, từ “nấu” được nhiều người dùng hơn, phạm vi sử dụng cũng rộng hơn: nấu cơm, nấu xôi, nấu canh, nấu chè, nấu cháo... Do đó, chỉ cần dạy cho học sinh từ “nấu” là đủ; việc đưa từ “thổi xôi” vào SGK như một sự đánh đố học trò các tỉnh phía Nam.

Tuy nhiên, nói như thế không phải cứ phương ngữ là không thể dạy cho học trò. Đối với những tác phẩm bất hủ như Thánh Gióng, Dế Mèn phiêu lưu ký... nhất định phải giữ nguyên những từ địa phương. Tôi lấy ví dụ trong tác phẩm Thánh Gióng phải giữ nguyên từ “tre ngà”. Thêm vào đó, SGK cần giải thích cho học sinh hiểu tre ngà là loại tre màu hơi vàng, nhỏ thôi nhưng rất rắn chắc. Giữ nguyên để học sinh hình dung ra được Thánh Gióng nhổ tre ngà để đánh giặc chứ không phải loại tre bình thường.

Cuối cùng, qua những ý kiến khác nhau về SGK Tiếng Việt lớp 1 mới thấy rất cần có nhiều bộ SGK. Mỗi bộ SGK có thể phù hợp với một vùng, miền khác nhau và người giáo viên có quyền chọn lựa một bộ sách phù hợp nhất với học sinh của mình.

Xét về mặt quy tắc thì cách đọc - viết tiếng Việt phải luôn luôn chính xác trong mọi trường hợp, nhất là SGK càng không được quyền viết sai. Các nhà viết sách tuân thủ theo quy ước sư phạm nhưng quy ước ấy không thể đặt lên trên quy tắc về cách đọc, cách viết tiếng Việt.

Nhà ngôn ngữ họcTRẦN CHÚT:

Sách giáo khoa phải luôn chuẩn mực

Ngay từ năm 2002, tôi đã có ý kiến trên một số phương tiện truyền thông về những sai sót của SGK Tiếng Việt lớp 1. Tất cả chi tiết mà báo Tuổi Trẻ phản ánh đều chính xác. Nếu nói học sinh chưa học viết chữ hoa và chữ thường nên SGK không tuân thủ theo đúng cách viết của tiếng Việt là không thể chấp nhận được. Vì trong mọi trường hợp SGK phải luôn luôn chuẩn mực. Chính SGK không chuẩn mới làm cho học sinh rối trí, giáo viên không biết giải thích như thế nào với học trò của mình. Nên nhớ rằng học sinh không chỉ học qua SGK mà các em còn được tiếp xúc với nhiều loại sách, báo khác nữa. Tôi mong rằng bộ SGK mới sẽ không mắc phải những lỗi sơ đẳng như trên.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

“Sạn” trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1“Sạn” trong sách giáo khoa: nhặt ngay kẻo hỏng học trò!Thổi xôi là gì?Nhà xuất bản Giáo Dục nói gì?

H.HG. ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên