15/10/2013 06:23 GMT+7

Nhà xuất bản Giáo Dục nói gì?

VĨNH HÀ ghi
VĨNH HÀ ghi

TT - “Biên tập lại cho phù hợp với nội dung bài học” - đó là thừa nhận của ông Nguyễn Văn Tùng, phó tổng biên tập NXB Giáo Dục, trước những băn khoăn của bạn đọc về “sạn” trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, tập 1.

“Sạn” trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1“Sạn” trong sách giáo khoa: nhặt ngay kẻo hỏng học trò!Thổi xôi là gì?

aOt9D9dK.jpg

Ông Tùng đã trả lời chi tiết về những “hạt sạn” mà bạn đọc “nhặt” ra trên các số báo ngày 11-10 và 14-10. Cụ thể như sau:

1. Câu thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân, chữ “Tuổi thơ” trong nguyên tác được sửa thành chữ “Chiều chiều” như văn bản in trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1, là do câu thơ đã được “biên tập” lại cho phù hợp với nội dung bài học. Trang cuối sách người biên soạn có ghi chú điều ấy với tính chất xin phép các nhà văn, nhà thơ như sau: “Sách giáo khoa Tiếng Việt 1, tập 1 đã trích nguyên văn hoặc có biên tập cho phù hợp với yêu cầu từng loại bài học - tác phẩm của các tác giả sau đây: Võ Thanh An, Hoàng Minh Châu, Định Hải, Xuân Hoài, Phạm Hổ, Ngô Văn Phú, Đỗ Trung Quân, Bế Kiến Quốc, Nguyễn Hoàng Sơn, Trần Hồng Thắng, Lê Xuân Thọ, Tạ Hữu Yên. Trân trọng cảm ơn các tác giả”.

2. Từ bài 1 đến bài 27 không viết hoa đầu câu và tên người, lý do: lúc này học sinh chưa được học chữ hoa. Các em chưa có khái niệm về chữ hoa thì không nên viết hoa, bởi nếu viết hoa, các em chưa biết mẫu chữ sẽ không đọc được.

3. Bài báo nói từ bài 28 trở đi việc viết hoa không nhất quán. Ví dụ được dẫn ra ở trang 87: “Buổi trưa, Cừu chạy theo mẹ ra bờ suối. Nó thấy bầy hươu nai đã ở đấy rồi...”. Ban biên tập trả lời sách viết như vậy là hợp lý. Lý do: Cừu là số ít, được hiểu là tên một nhân vật. Hươu nai là số nhiều “bầy hươu nai”, với nghĩa chỉ giống loài, nên không viết hoa. Ví dụ nữa, tác giả bài báo nêu trang 115 “Trai gái bản mường cùng vui vào hội”. Tác giả bài báo cho rằng phải viết hoa chữ mường. Ban biên tập trả lời: bản và mường đều là cách gọi những cộng đồng dân cư ở miền núi, tương tự xóm làng ở miền xuôi.

4. Bài báo cho rằng các em học sinh chưa có nhiều khái niệm về cuộc sống xung quanh nhưng nội dung lại được đánh đố bằng những câu chữ như “Nhà Dế Mèn ở gần bãi cỏ non, còn nhà Sên thì ở ngay trên tàu lá chuối”. Viết như thế rất dễ khiến học sinh nhầm “Sên” là tên người, nếu như không nhìn bức tranh minh họa ở trên. Ban biên tập có ý kiến trả lời: giai đoạn này học sinh chưa được học vần “ôc” nên chưa thể đưa chữ ốc. Thêm nữa, để hiểu nội dung câu văn này, học sinh đã có tranh minh họa màu, rất rõ nét ngay ở bên trên câu văn.

5. Về cụm từ “y tế xã”, theo tác giả bài báo là chưa đủ thành phần cần phải viết đủ là “trạm y tế xã”, ban biên tập đã kiểm tra và thấy rằng: Dù cụm từ có bị lược bỏ thành phần, nhưng theo cách nói thông dụng, học sinh vẫn có thể hiểu được. Nếu thêm từ cho đủ thành phần cụm từ, học sinh lại không đọc được, vì giai đoạn này, các em chưa được học vần am (trạm). Cụm từ này cũng có tranh minh họa rất rõ nét.

6. “Thổi xôi” là gì? Theo tác giả bài báo là một số giáo viên và phụ huynh học sinh không hiểu từ thổi, cần phải diễn đạt là nấu cơm, nấu xôi. Ban biên tập có ý kiến: thổi là một động từ rất quen thuộc với người VN. Từ điển Tiếng Việt 2010 của Hoàng Phê (NXB Đà Nẵng) trang 1223 có viết: “Thổi: Động từ [ph] nấu [cơm, xôi]. Ví dụ: thổi cơm, thổi xôi”.

* TS Lê Hữu Tỉnh (nguyên phó tổng biên tập NXB Giáo Dục):

Cần tuân thủ quy ước sư phạm

Người tham gia biên soạn sách học vần cho trẻ em đều phải biết khi đưa ngữ liệu vào sách học vần thì phải tuân thủ quy ước sư phạm là chỉ đưa những ngữ liệu có âm vần mà trẻ đã được học, theo thứ tự từ dễ đến khó. Có những đoạn văn, bài thơ có các câu từ hay, giàu hình ảnh biểu cảm nhưng trong đó có các âm vần khó, trẻ chưa được học thì rất có thể dẫn tới tình trạng trẻ học vẹt mà không đánh vần, không đọc được câu từ.

Bài học từ cuốn học vần của tác giả Nguyễn Thị Nhất, xuất bản năm 1981-1982 là một ví dụ điển hình cho việc làm trái với quy ước sư phạm. Cuốn học vần này đưa vào những ngữ liệu hay, như câu thơ “Long lanh đáy nước in trời” (Truyện Kiều) nhưng do trẻ chưa được học âm vần trong câu thơ nên chỉ học thuộc lòng theo tranh. Mà đã học thuộc lòng thì trẻ không thể nào biết chữ được. Khi nhận ra bất cập này, Bộ GD-ĐT đã đề nghị chỉnh lý cuốn học vần trên. Cuốn sách học vần chỉnh lý do tác giả Trịnh Mạnh và Trần Mạnh Hưởng đã khắc phục được những bất cập trên và cuốn này được sử dụng cho tới khi ta thay chương trình - sách giáo khoa mới.

Do phải ràng buộc vào quy ước trên, nhiều người có thể thấy không chỉ cuốn Tiếng Việt lớp 1 hiện tại mà những cuốn học vần của các tác giả trước đây cũng đưa vào những ngữ liệu khá ngô nghê. Ví dụ như “Phố có phở”... Chúng tôi mong các bậc phụ huynh và bạn đọc chia sẻ khó khăn của những người soạn sách trong việc chọn ngữ liệu đưa vào sách học vần. Vì mục đích của sách học vần là dạy trẻ học đọc, viết chữ. Những ngữ liệu hay nhưng không phù hợp quy ước sư phạm thì cũng không thể sử dụng.

BPPUFnfB.jpgPhóng to

Lại sách Tiếng Việt lớp 1...

Sách Tiếng Việt lớp 1, tập 1, NXB Giáo Dục, tháng 5-2012 có in bài thơ Con chim chiền chiện của Huy Cận. Khổ cuối của bài thơ được in là “Bay cao cao vút/ Chim biến mất rồi/ Chỉ còn tiếng hót/ Làm xanh da trời”. Trong khi đó, câu thơ đúng là “Bay cao bay vút” (từ “bay” chứ không phải “cao”).

TRẦN VĂN TÁM(Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)

VĨNH HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên