09/10/2013 07:23 GMT+7

Lạm thu chỉ có ở trường ngoại thành?

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TT - Chấn chỉnh dạy thêm, học thêm tràn lan và siết chặt quản lý thu, chi trong nhà trường là hai mục tiêu được Sở GD-ĐT Hà Nội đặt ra khi thành lập 20 đoàn kiểm tra ngay đầu năm học 2013-2014.

QZsL81Xk.jpgPhóng to
Lớp 5 tuổi một trường mầm non ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội chỉ ghi một số khoản đóng góp trên bảng, còn tiền xây dựng trường, thuê người dọn nhà vệ sinh, tiền quỹ lớp... thì thỏa thuận miệng với phụ huynh - Ảnh: Huy Quang

Tại buổi giao ban với báo chí tại Thành ủy Hà Nội chiều 8-10, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội đã công bố kết quả ban đầu của đợt kiểm tra này.

Chỉ thẳng tên trường ngoại thành

Tiếp tục kiểm tra trong tháng 10

Ông Nguyễn Hiệp Thống khẳng định việc kiểm tra của Sở GD-ĐT Hà Nội không dừng ở đây mà trong tháng 10 sẽ tiếp tục có những đoàn kiểm tra về hai vấn đề nổi cộm trên, không chỉ kiểm tra những trường chưa được kiểm tra đợt trước, mà có thể quay lại những trường đã kiểm tra nếu có dấu hiệu sai phạm.

Theo ông Nguyễn Hiệp Thống, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, việc tổ chức ngay các đoàn kiểm tra đầu năm học mới thể hiện thái độ kiên quyết của lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội với sai phạm trong dạy thêm và lạm thu. Tuy nhiên báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội mới chỉ ra những tồn tại chung, phần lớn trường hợp sai phạm quy định về thu, chi đều mới chỉ dừng ở mức “dự thảo” hoặc quyết định thu nhưng chưa thực thu.

Ông Hoàng Cơ Chính, đại diện thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: theo báo cáo của các đoàn thanh tra thì một số trường vẫn dự kiến thu các khoản nằm ngoài văn bản quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, ví dụ như Trường THCS Bình Minh, THCS Thanh Oai (huyện Thanh Oai) vẫn đưa ra mức thu tiền hỗ trợ dạy và học. Trường THCS Nguyễn Huy Tưởng - Đông Anh vẫn đặt ra mức thu tiền photo tài liệu, tiền học tăng cường lớp chất lượng cao cho khối lớp 6; Trung tâm Giáo dục thường xuyên Sơn Tây vẫn thu tiền photo đề kiểm tra, tiền ôn thi cho khối 10, tiền mua vở học sinh... Ngoài ra, thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho biết có một số trường dự kiến thu tiền tự nguyện chưa đúng quy trình, chưa báo cáo cơ quan cấp trên phê duyệt, tổ chức thu tự nguyện nhưng theo hình thức “cào bằng”. Ví dụ như Trường mầm non Dương Xá, Trường tiểu học Kim Sơn (Gia Lâm) tổ chức mua máy điều hòa, máy phát điện; Trường tiểu học Bích Hòa (Thanh Oai) mua dù che, làm nhà kho; Trường THCS thị trấn Liên Quan (Thạch Thất) thu tiền sửa chữa sân trường.

Kết luận của thanh tra Sở GD-ĐT cũng nêu có một số trường thực hiện mức thu quỹ cha mẹ học sinh theo mức cào bằng, thực hiện thu khi chưa có dự toán chi công bố công khai. Đặc biệt vẫn dùng quỹ cha mẹ học sinh cho ban đại diện cha mẹ học sinh dùng để khen thưởng giáo viên, nhân viên nhà trường, bồi dưỡng lễ tết cho cán bộ giáo viên. Những điển hình “thu và sử dụng sai quỹ cha mẹ học sinh” được chỉ tên là Trường tiểu học thị trấn Xuân Mai A (Chương Mỹ), Trường tiểu học Đức Giang, Trường tiểu học Bích Hòa và Trường THCS Bình Minh (Thanh Oai).

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, đầu năm học mới Hà Nội có 87 trường THPT (82,08%), 224 trường THCS (38,29%) được cấp phép dạy thêm trong nhà trường và 37 trung tâm bồi dưỡng văn hóa được cấp phép dạy thêm ngoài nhà trường. Tuy nhiên đoàn kiểm tra đầu năm học cũng phát hiện một số cơ sở chưa có giấy phép như quy định. Có trường không phân loại học sinh để dạy thêm, chưa kiểm tra đầy đủ và lưu giữ bài soạn của giáo viên tham gia dạy thêm, chưa có chương trình dạy thêm cho từng môn... Một số trường tăng tiết học không báo trước cho học sinh, thu học phí vượt quá mức trần của UBND thành phố Hà Nội quy định hoặc dự toán mức thu - chi trong hoạt động dạy thêm, học thêm không rõ ràng.

Trường nội thành không có “lạm thu”?

Việc những sai phạm được chỉ ra cũng cho thấy những trường được nêu tên 100% là các trường khu vực ngoại thành vốn không phải “điểm nóng” trong việc lạm thu tại Hà Nội. Báo cáo không phát hiện được một trường hợp nào thu sai trong số các trường khu vực nội thành.

Tại buổi giao ban, nhiều phóng viên đã trực tiếp trao đổi những trường hợp cụ thể liên quan tới lạm thu, dạy thêm sai quy định ở ngay tại các trường trong nội thành TP Hà Nội. “Ở Trường tiểu học Quang Trung, phụ huynh học sinh phải đóng nhiều lần tiền để được sử dụng máy chiếu cũ của lớp trước để lại” - một phóng viên, đồng thời là phụ huynh, chất vấn. Ông Ngô Trí Nam, phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm, khẳng định: “Quận Hoàn Kiếm không cho phép các trường đầu tư tùy tiện, việc thu nhiều lần tiền để mua máy chiếu không phải chủ trương của trường”. Tuy nhiên, ông Nam không trả lời về việc sẽ xác minh thông tin trên và sẽ xử lý thế nào nếu thông tin đó đúng sự thật.

Tương tự, ý kiến của một số phụ huynh được báo chí phản ánh tại cuộc họp về hiện tượng khá phổ biến trong năm học này ở nhiều trường khu vực nội thành là “quỹ phụ huynh được chia nhỏ thành nhiều quỹ khác nhau, trong đó số tiền được kê khai trên giấy tờ, thông báo công khai chỉ là quỹ “chính thức”, còn các loại quỹ khác được phụ huynh tự đặt tên như “quỹ phụ huynh 2” hay “quỹ hỗ trợ dạy học”, những quỹ này mức tiền thường gấp 3-4 lần quỹ dùng để báo cáo. Theo một phụ huynh có con học tiểu học quận Hai Bà Trưng thì thực nộp quỹ phụ huynh lớp là 1 triệu đồng/học sinh, nhưng trên giấy tờ quỹ phụ huynh chỉ có 300.000 đồng/học sinh. Số tiền “trội” lên được ghi sổ sách riêng, danh nghĩa tự nguyện nhưng ai cũng phải nộp, phải ký. Tình trạng các trường khu vực nội thành đầu tư tràn lan máy chiếu, bảng tương tác theo hình thức quyên tiền của cha mẹ học sinh cũng được báo chí chất vấn đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội.

___________

Tin bài liên quan:

Mượn tay hội phụ huynh lạm thu tiền trườngTrường “đá bóng” lạm thu cho ban đại diệnChấm dứt lạm thu được không?Tiền cao, chất lượng mới cao?

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên