08/10/2013 07:55 GMT+7

Tiền cao, chất lượng mới cao?

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TT - Nhiều trường ĐH đang mở rộng quy mô đào tạo theo mô hình chất lượng cao để cạnh tranh về chất lượng và được thu học phí cao. Số sinh viên sẵn sàng đóng học phí cao để được thụ hưởng điều kiện giáo dục tốt hơn ngày càng tăng.

Mượn tay hội phụ huynh lạm thu tiền trườngTrường “đá bóng” lạm thu cho ban đại diệnChấm dứt lạm thu được không?

ZRDSDTwZ.jpgPhóng to
PGS.TS Ngô Anh Tuấn nhận xét phần trình bày của sinh viên lớp CLC ngành in và truyền thông Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - Ảnh: Trần Huỳnh

Tháng 8-2011, Thứ trưởng Bộ GD-ÐT Bùi Văn Ga có văn bản cho phép các trường tuyển sinh đào tạo chất lượng cao (CLC). Nhưng trước đó, một số trường ÐH đã tuyển sinh, đào tạo thí điểm mô hình này và đến nay có thêm rất nhiều trường áp dụng. Điều đáng nói là những điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên để đảm bảo chất lượng đào tạo lẽ ra mọi sinh viên phải được thụ hưởng, nhưng nay chỉ dành cho những người chịu trả học phí cao.

Học “kiểu CLC”

Chưa có tiêu chí

Theo công văn hướng dẫn về việc tuyển sinh đào tạo CLC, Bộ GD-ĐT cho phép các trường được tự xác định chương trình và chi phí đào tạo để thực hiện chương trình. Các trường chủ động xây dựng mức học phí để trang trải chi phí đào tạo tương ứng với điều kiện bảo đảm chất lượng của chương trình. Trên cơ sở chỉ tiêu được giao, các trường xác định điểm trúng tuyển và số lượng cần tuyển đối với từng chương trình đào tạo CLC.

Đồng thời, các trường được tự chủ hoàn toàn trong việc mở chương trình CLC để thu học phí cao. Chính vì vậy, hiện nay mức học phí chương trình đào tạo CLC ở mỗi trường đều khác nhau. Tuy nhiên, đến nay Bộ GD-ĐT chưa có văn bản nào quy định về tiêu chí chương trình này.

Những phòng học ở tầng bốn khu A3 tòa nhà trung tâm Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM luôn đóng kín là “giang sơn” của sinh viên các lớp CLC. Trong giờ học môn công nghệ xử lý ảnh kỹ thuật số của lớp 12148 CLC ngành in và truyền thông, PGS.TS Ngô Anh Tuấn yêu cầu các nhóm sinh viên thuyết trình đề tài được phân công trước đó. Mỗi nhóm hai sinh viên lần lượt đứng trước lớp trình bày bằng Power - Point. Các sinh viên thay nhau “giảng” cho cả lớp bằng slide khá tự tin. Lúc nào “gay cấn” nhất, thầy là người đứng ra giải quyết.

Sinh viên Nguyễn Thị Thúy Hoa cho biết: “Hầu hết môn học của lớp đều học theo cách làm chuyên đề, thảo luận. Sinh viên phải nghiên cứu, tự học là chính”. PGS.TS Ngô Anh Tuấn cho biết thêm: “Đề tài giao sinh viên hầu hết ngoài chương trình học hoặc nội dung bài mới, đòi hỏi sinh viên phải đọc nhiều tài liệu trên mạng mới đủ kiến thức làm”.

Buổi học đầu tiên môn tiếng Anh của lớp CLC 13 DMA Trường ĐH Tài chính - marketing khá sôi nổi. Giảng viên, sinh viên trao đổi bài vở khá thoải mái, tự tin hoàn toàn bằng tiếng Anh. Sinh viên chương trình CLC thường xuyên được tham gia những buổi thuyết trình, báo cáo chuyên đề, thảo luận nhóm, làm bài tập nghiên cứu, giải quyết tình huống thật...

Đối với sinh viên CLC Trường ĐH Luật TP.HCM, tiếng Anh là môn học ưu tiên rèn luyện bởi họ luôn phải học nhiều giáo trình bằng tiếng Anh. Tất cả phải chạy đua cật lực trong cuộc đua trụ lại lớp CLC (nếu cuối học kỳ kết quả học tập không đạt loại khá sẽ bị loại). Ở những lớp học này, không ai ngạc nhiên khi một ngày có người lạ hoắc nào đó ngang nhiên vào lớp học hoặc vài thành viên trong lớp “biến mất”.

Một điểm chung ở tất cả trường có chương trình đào tạo CLC là sinh viên được học trong giảng đường riêng, máy lạnh mát rượi, học giáo trình riêng, lớp sĩ số ít... Đội ngũ giảng viên được mời giảng cho các lớp CLC là giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm, học hàm học vị cao, tâm huyết. Tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM ngoài việc được học trong các phòng học VIP, sinh viên CLC còn được sử dụng thư viện sau đại học của trường. Trường ĐH Luật TP.HCM bố trí các phòng học tiện nghi dành cho sinh viên CLC tại khu B cơ sở Nguyễn Tất Thành (Q.4, TP.HCM). Quy mô lớp học chỉ khoảng 50 sinh viên. Sinh viên được tham gia study tour ở nước ngoài do nhà trường tổ chức hằng năm.

Tăng hằng năm

Theo TS Phạm Hữu Hồng Thái, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing, năm học trước nhà trường tuyển sinh khóa 1 chương trình đào tạo CLC với 260 sinh viên, đến năm nay chương trình đã thu hút 750 sinh viên. Sau khi trúng tuyển và có nguyện vọng học chương trình này, sinh viên sẽ qua vòng kiểm tra tiếng Anh, đạt từ 250 TOEIC trở lên mới được theo học. Học phí ở mức 22 triệu đồng/năm.

PGS.TS Bùi Xuân Hải - phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM - cho hay đến nay trường đã tuyển năm khóa đào tạo CLC. Khóa đầu tiên nhà trường đào tạo nhóm ngành luật thương mại, dân sự, quốc tế chỉ với 50 sinh viên. Sau đó nhà trường tiếp tục mở thêm chuyên ngành hành chính, tư pháp. Học kỳ này nhà trường tiếp tục mở thêm chuyên ngành quản trị luật. Tổng số sinh viên CLC khóa này tăng lên 150. Học phí nhóm ngành luật thương mại, dân sự, quốc tế, quản trị luật là 17,5 triệu đồng/năm. Riêng chuyên ngành hành chính, tư pháp nhằm cung cấp nguồn nhân lực CLC, đáp ứng nhu cầu cải cách hành chính, tư pháp nên mức học phí chỉ bằng 1,5 lớp đại trà (7,2 triệu đồng/năm).

Để được học chương trình này, sinh viên phải qua vòng kiểm tra đầu vào ngoại ngữ đạt 380-400 điểm TOEIC, kiểm tra IQ và phỏng vấn trực tiếp. Nhà trường tính tổng ba cột điểm trên xét từ cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu. Năm nay hơn 250 ứng viên nhưng trường chỉ chọn 150 sinh viên.

Năm nay Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) tuyển sinh khóa đầu tiên chương trình CLC ngành công nghệ thông tin với 80 sinh viên. TS Trần Cao Vinh, trưởng phòng đào tạo, cho biết: “Ngành công nghệ thông tin của trường đã được kiểm định quốc tế nên được chọn thí điểm đào tạo CLC. Với việc thu học phí cao (27 triệu đồng/năm), nhà trường mới có thể tạo ra điều kiện học tập tốt hơn để phục vụ một bộ phận sinh viên có nhu cầu”.

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM bắt đầu tuyển khóa đào tạo CLC từ năm 2011 với 127 sinh viên với hai chuyên ngành tài chính doanh nghiệp và ngân hàng. Năm nay, trường tuyển khóa 3 với 416 sinh viên các chuyên ngành kinh doanh quốc tế, tài chính doanh nghiệp, ngân hàng, kiểm toán, quản trị kinh doanh và kế toán. TS Trần Thế Hoàng - trưởng quản lý phòng đào tạo nhà trường - chia sẻ: với mức học phí 25 triệu đồng/năm được áp dụng ba năm nay, nhà trường đã tạo ra dịch vụ đào tạo CLC. So với lớp đại trà, lớp CLC ít sinh viên, dễ dàng áp dụng phương pháp giảng dạy tiên tiến, đào tạo kỹ năng, sinh viên được trang bị thêm về ngoại ngữ...

Lẽ ra mọi sinh viên đều được thụ hưởng

Đại diện các trường đều cho rằng lẽ ra mọi sinh viên phải được thụ hưởng điều kiện học tập như chương trình CLC, tuy nhiên các trường không thể thực hiện được với mức học phí quá thấp như hiện nay. “Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đang trình đề án tự chủ tài chính hoàn toàn, tiến tới triển khai đào tạo CLC đại trà. Mô hình lớp CLC là giải pháp tình thế trong lúc nhà trường chưa được tự quyết về tài chính” - TS Trần Thế Hoàng, trưởng quản lý phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên