Kỷ luật thép ở trường: cứng nhưng đừng quá máy móc?

LÊ VĂN NHUNG
LÊ VĂN NHUNG

TTO - Câu chuyện Trường học với kỷ luật thép đang thu hút ý kiến nhiều chiều của bạn đọc. Nhiều người cho rằng "thép" là cần thiết để học sinh tập trung học hành. Song, cũng có ý kiến phản biện quá nghiêm khắc sẽ tạo ra "gà công nghiệp", "thép" nhưng đừng quá máy móc...

Tuổi Trẻ Online trích đăng một số ý kiến.

Trường học với kỷ luật thépBuộc học sinh về nhà thay quần ống hẹp là khắt kheKiểm tra để chấn chỉnh "phong trào" quần bó, mông hở

rjyprVli.jpgPhóng to
Giờ ôn tập buổi tối của học sinh Trường THPT dân lập Thanh Bình, Q.Tân Bình, TP.HCM luôn có sự giám sát của giám thị và giáo viên quản nhiệm - Ảnh: Như Hùng

Đồng ý thì cho con học, không thì thôi!

Nội quy nhà trường được đưa ra và công khai, đồng ý thì cho con vào học. Không phải ai cũng có con ngoan ngoãn ở cái tuổi "bùng nổ về tâm sinh lý" và nếu con ngoan thì không ai đưa vào đây vì học phí và các khoản tiền rất cao. Có thể chính môi trường này đã giúp nhiều học sinh nên người. Sự khắt khe đã được thỏa thuận thì tại sao lại thắc mắc?

Gia đình không quản nổi, phải nhờ nhà trường

Thực lòng mà nói có nhiều gia đình không quản lý được nữa nên mới đưa con vào các trường tư thục này. Vì vậy, việc “thiết quân luật” như quân đội của các trường tư thục là cần làm. Nhiều phụ huynh phải công nhận là con họ có nhiều thay đổi theo hướng tích cực từ khi vào học các trường này.

Theo tôi nghĩ, xã hội hóa ở Việt Nam đang diễn ra một cách rất nhanh. Sự thay đổi diễn biến tâm lý của giới trẻ hiện nay đôi khi bố mẹ không theo kịp vì có nhiều lý do, nhưng hầu như là vì bố mẹ bận lo cơm áo gạo tiền. Vậy nên kỷ luật nghiêm ở nhà trường là rất cần thiết!

Quá cứng nhắc coi chừng phản tác dụng!

Ai đã làm việc, giảng dạy ở trường tư thì mới biết sự cần thiết phải có một quy định rõ ràng về nội quy, cũng như phải có hình thức kỷ luật đủ để răn đe.

Học sinh vào các trường tư đa số là học lực trung bình và yếu, ý thức kỷ luật không tốt như những học sinh ở các trường công. Vậy nên nếu chúng ta buông lỏng trong quản lý thì các em sẽ vi phạm nhiều hơn, ảnh hưởng đến việc học của các em và có khi lại gây ra hậu quả nghiêm trọng nữa.

Nhưng cũng phải đề ra được một quy định phù hợp với điều kiện và lứa tuổi của các học sinh và khi vi phạm nội quy thì cũng nên xử lý trên cơ sở giáo dục để các em sửa đổi và tiến bộ. Đừng quá cứng nhắc, khắt khe, dẫn tới phản tác dụng.

Xã hội càng phức tạp, nhà trường càng phải "thép"

Đã là một tập thể, một cộng đồng thì bắt buôc phải có những quy định buộc phải tuân theo. Với tình hình xã hội phức tạp hiện nay, việc kỷ luật cứng rắn để buộc các em hình thành ý thức, tuân theo kỷ cương, pháp luật sau này là cần thiết.

Hầu hết phụ huynh sẽ đồng tình điều này nếu thật sự quan tâm đến việc giáo dục con em mình nên người.

Đi học chứ không phải đi "tù"!

Tôi thấy các quy định và cách thực hiện sẽ có vấn đề: tuổi các em vẫn chưa đủ lớn để nhận thức được hết mọi vấn đề. Dạy học và giáo dục ý thức của các em mới là quan trọng chứ không phải đưa ra quy định quá khắt khe rồi bắt các em thực hiện cứng nhắc.

Tôi nghĩ giáo dục ở các nước phát triển không bao giờ như thế mà người ta vẫn giỏi.

Đừng tạo ra robot!

Tôi thấy nhiều trường học ở ta quá khắt khe (không phải là phương thức sư phạm) trong việc giáo dục học sinh. Đây cũng là cách mà nhà trường đẩy phần khó cho người khác, ở đây là học sinh và phụ huynh, và giữ an toàn cho bản thân mình.

Nghiêm khắc gì thì cũng phải có tính sư phạm, đừng máy móc. Chúng ta nên đào tạo con người theo tinh thần đó, không phải tạo ra những robot cho đất nước này.

Chưa thuyết phục

Có thể chấp nhận những quy định của các trường nhưng tôi nhận thấy việc xây dựng thương hiệu của các trường nói trên chẳng giúp được gì trong việc hình thành nhân cách của học sinh trong tương lai, thậm chí làm cho cuộc sống sau này của học sinh thụ động.

Còn nữa, tôi đặc biệt phản đối việc học sinh cấp I cứ vào lớp là thầy cô bắt khoanh tay để lên bàn. Việc này chỉ làm cho học sinh thụ động. Không phải học sinh khoanh tay để lên bàn là học sinh ngoan, học giỏi. Các bé chỉ cần giữ trật tự và nghe giảng bài là được.

Việc sử dụng điện thoại trong giờ học là không được vì ảnh hưởng đến người khác. Tất cả học sinh cần phải tắt hết điện thoại trong giờ học nhưng các em có quyền sử dụng trong giờ ra chơi.

Tôi không muốn con mình thành gà công nghiệp

Có cần phải xây dựng kỷ luật thép trong trường học không? Làm như vậy là có quá xúc phạm đến quyền của các em không?

Nếu là tôi, tôi sẽ không cho con học trường nội trú. Giáo dục trẻ đâu cần phải quá khắt khe kiểu đó, dù ở trường nội trú các em rất sung sướng, tất tần tật mọi việc đều có người lo, các em chỉ có việc học, học và học. Đưa con vào môi trường đó chẳng khác nào là nuôi gà công nghiệp. Trong khi bên cạnh những kiến thức thì điều rất cần đó là giáo dục cho trẻ đạo đức, kỹ năng và cách ứng phó vói những khó khăn trong cuộc sống nữa. Tôi không đồng tình với cách giáo dục này.

LÊ VĂN NHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên