Phóng to |
Thí sinh trao đổi về bài thi môn văn tại hội đồng thi Trường ĐH Sài Gòn sáng 9-7 - Ảnh: Như Hùng |
Đánh giá về đề thi môn văn khối C và khối D, thầy Nguyễn Đức Hùng - giáo viên Trường THPT Lạc Hồng (TP.HCM) - chia sẻ: Đây là đề thi văn hay nhất trong mười năm trở lại đây. Kiểu đề này buộc thí sinh phải tư duy tối đa, tổng hợp vấn đề và đã gạt bỏ hoàn toàn lối học vẹt và văn mẫu. Đề thi là thước đo đúng nghĩa về tư duy trí tuệ của thí sinh, rất phù hợp với một kỳ thi tuyển sinh về tính phân lập. Điều này không chỉ tác động đến cách làm bài của thí sinh mà ngay cả việc dạy văn cũng phải thay đổi. Cách ra đề so sánh hai mệnh đề như vậy đòi hỏi thí sinh phải hiểu rõ tác phẩm, biết lập luận so sánh chứ không thể học vẹt được.
Mới lạ
Khá dài Theo cô Lê Thị Tuyết Anh - giáo viên môn văn Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM), cách ra đề môn văn năm nay khá độc đáo, mới lạ nhưng quá dài. Ví dụ những năm trước chỉ cho ra một đoạn thơ thì năm nay ra cả một tác phẩm thơ và cũng không in thơ vào đề thi như những năm trước. Việc ra cả một bài thơ e rằng thí sinh sẽ không gạn lọc được những ý cần thiết để đưa vào bài. |
Ở khía cạnh khác, mặc dù cho rằng đề thi văn năm nay có tính sáng tạo, phát huy được sự đọc hiểu, nắm bắt tác phẩm thí sinh mới có thể làm được nhưng cô Dương Thu Trang - Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP.HCM) - cho rằng đề thi vẫn chưa tác động nhiều đến việc dạy và học. Theo cô Trang, hình thức và cách đặt vấn đề của đề thi năm nay tuy mới nhưng nội dung lại chưa thật sự mới. Đề thi vẫn chưa tác động đến người học làm thế nào để khám phá tác phẩm, chưa có động cơ để đọc tác phẩm đó.
Hai câu nghị luận xã hội năm nay được đánh giá là khá hay khi đề cập đến những vấn đề lớn mà xã hội quan tâm hiện nay, nhất là đề khối C. Theo ý kiến của nhiều giáo viên, hiện tại người tốt trong xã hội không ít nhưng số người dám lên tiếng bảo vệ cái tốt không nhiều. Vì nhiều lý do chỉ có ít người dám lên tiếng và họ là những người bản lĩnh và có trách nhiệm, dám hành động vì lẽ phải. Đây là một ý rất hay, cần phải suy nghĩ. Điều này sẽ tác động đến suy nghĩ của thí sinh, định hướng một lối sống đẹp. Tuy nhiên, câu nghị luận của đề khối D là đánh giá của một cá nhân còn trẻ nên có thể sẽ có nhiều ý kiến khác nhau về nhận định này. Đây là ý kiến chủ quan của một cá nhân nên không thể áp đặt cho tất cả mọi người, mọi thế hệ. Do đó thí sinh có thể đồng tình hoặc chưa đồng tình với quan điểm và có những lập luận khác nhau.
Hà Sang, học sinh Trường THPT Nguyễn Du, thí sinh thi khối D ở TP.HCM, thì cảm thấy rất bất ngờ với đề thi môn ngữ văn vì khá lạ. Sang nói: “Tôi có cảm xúc nhất với câu hỏi về nghị luận xã hội vì khi mới đọc đề, tôi hơi bất bình, nhất là nhận xét “Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động”. Anh chàng Việt kiều đó có ở Việt Nam đâu mà đòi nhận xét về người Việt Nam? Và trong tôi thôi thúc một điều là phải làm câu này trước, phải viết ra tất cả những suy nghĩ, những bức xúc của mình. Tôi đã viết tình trạng “đi theo” không phải lúc nào cũng xấu, đi theo mà có học hỏi, có chọn lọc, đi theo mà cố gắng học cái tốt của người và rút kinh nghiệm cho riêng mình thì vẫn tốt. Việc đi tiên phong thì tốt nhưng phải có điều kiện, có năng lực chứ không biết gì mà đi tiên phong thì chẳng khác gì hại mình”.
Người chấm cũng phải “mở”
Trong khi đó, cô Lê Thị Tuyết Anh lại cho rằng câu nghị luận xã hội ở đề khối C và D đều đưa ra cơ hội cho thí sinh “lật ngược vấn đề”. Câu này mang tính giáo dục cao, là dịp để giới trẻ nhìn lại một cách tích cực, khách quan về lối sống, con người Việt Nam nói chung và lối sống của giới trẻ nói riêng. Tương tự, ông Đoàn Lê Giang - giảng viên Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) - cũng cho rằng câu nghị luận xã hội trong đề khối D năm nay là ý kiến đánh giá của một người trẻ, ý kiến này có thể chưa chuẩn xác khiến người ta có ý kiến khác nhau, gây tranh luận. Do đó thí sinh cũng có thể sẽ có nhiều cách đánh giá khác nhau về nhận định này và đưa ra các quan điểm, đánh giá của riêng mình.
Với đề thi như vậy, ông Giang cho rằng đáp án phải thật sự mở, không cần phải nêu ý kiến chi tiết mà chỉ cần đưa ra những khả năng, những ý kiến khác nhau và các luận điểm kèm theo nhận định đó, từ đó để đánh giá năng lực tư duy, ý tưởng và tổ chức bài văn của thí sinh. Không chỉ đáp án phải mở mà ngay cả người chấm thi cũng không nên trung thành mù quáng với đáp án, không đếm ý cho điểm mà phải đánh giá tư duy của thí sinh. Chia sẻ quan điểm này, cô Trang nói rằng mỗi người chấm cũng phải là một đáp án. Đề mở thì vai trò của người chấm càng cực kỳ quan trọng. Đề mở, nếu đáp án chi tiết sẽ là sự phản bội với đề thi và khiến cho sự đặc sắc của đề thi mất đi và thí sinh sẽ bị mất điểm.
Đề thi hóa: nhiều điểm 10 hơn năm trước Theo Th.S Nguyễn Cửu Phúc, tổ trưởng tổ hóa Trường THPT Nguyễn Công Trứ (TP.HCM), đề hóa khối B năm nay dễ hơn năm trước. Số lượng câu hỏi nằm trong chương trình lớp 12 chiếm 55-60%, phần còn lại nằm trong chương trình lớp 10, 11. Về lý thuyết, ngoài một số câu thuộc dạng cơ bản, độ khó chỉ như đề thi tốt nghiệp thì cũng có vài câu mang tính chất tổng hợp, thí sinh phải nắm đầy đủ kiến thức và có tư duy để so sánh, tổng hợp mới làm trọn vẹn. Tương tự, Th.S Trần Thị Phương Thảo, giáo viên môn hóa Trường THPT Gia Định (TP.HCM), cũng cho rằng đề thi môn hóa năm nay bám sát chương trình, sách giáo khoa, số câu hỏi thuộc dạng bài toán chiếm 27/50 câu hỏi. Trong đó, cũng có câu chỉ dừng lại ở mức độ trung bình, có 4 câu khó có lẽ để phân loại thí sinh, yêu cầu thí sinh phải mất nhiều thời gian hơn mới giải được vì hơi dài. Nhìn chung, đề thi môn hóa năm nay cho ra những dạng câu hỏi quen thuộc, không có câu nào đánh đố như đề năm trước. Vì vậy, dự đoán số lượng điểm 10 sẽ nhiều hơn năm trước. H.HG. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận