22/06/2013 11:41 GMT+7

Đề thi văn ngày càng hấp dẫn

H.HƯƠNG - L.TRANG - V.HÀ
H.HƯƠNG - L.TRANG - V.HÀ

TT - Đề thi văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM ngày 21-6 đã gây xôn xao dư luận, làm nức lòng thí sinh bởi lần đầu tiên trong đề văn có cả một... hình biếm họa cùng câu chuyện hiện đại, thời sự về ngôn ngữ chat.

TPHCM: Đề văn lớp 10 có bị lộ?Bài giải đề thi môn Văn vào lớp 10 TP.HCMĐề văn tuyển sinh lớp 10 hấp dẫn

tAGkzt0M.jpgPhóng to
Thí sinh với tâm lý thoải mái trước khi vào phòng thi môn văn tại hội đồng thi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Q.5, TP.HCM kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2013 - Ảnh: Như Hùng

Không những thế, câu hỏi về nghị luận xã hội cũng được đánh giá là “đầy chất nhân văn, có tác động tốt đến học sinh, nhất là học sinh ở thành phố” (trích lời nhận xét của ông Nguyễn Văn Cải, phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung).

Vài năm trở lại đây, dư luận bắt đầu quan tâm chờ đợi và kỳ vọng nhiều hơn ở đề thi môn văn của những kỳ thi cấp thành phố, cấp quốc gia. Bởi không dừng lại ở kiến thức sách vở, những đề thi văn bắt đầu phản ánh chân thực và đầy đủ hơi thở cuộc sống cùng những thông điệp nhân văn đến lớp người trẻ...

Bất ngờ với tính thời sự

Đề văn đã loại bỏ cách học văn mẫu

Theo cô Trần Thị Tuyết Hạnh - tổ trưởng tổ văn Trường THCS Lê Văn Tám, Q.Bình Thạnh, đề văn lớp 10 ở TP.HCM năm nay thể hiện rõ sự đổi mới ngay từ những câu lý thuyết (câu 1 và 2). Cái hay của đề còn thể hiện rất rõ ở câu 3 và 4.

Nhìn chung, với cách ra đề như năm nay, dụng ý của người ra đề là muốn loại bỏ cách dạy và học theo văn mẫu. Thay vào đó, học sinh phải biết suy nghĩ độc lập, học phải hiểu và biết vận dụng kiến thức (không chỉ học trong sách giáo khoa, học từ thầy cô mà phải đọc thêm sách, báo) vào bài làm của mình.

Tuy nhiên, dư luận cũng đang chờ đợi một đáp án “mở hết cỡ” để đề văn như trên thật sự làm thay đổi - một sự thay đổi tích cực quá trình dạy và học trong trường phổ thông.

Nguyễn Ngọc Doanh Doanh, học sinh lớp 9 Trường THCS Lê Văn Tám, Q.Bình Thạnh, bày tỏ: “Cảm giác đầu tiên của em khi đọc câu số 3 là cảm thấy rất thương và tội nghiệp các bạn ở Đức Phổ, Quảng Ngãi. Trong bài thi, em đã viết về sự khâm phục của mình với ý chí, nghị lực, với sự đam mê học tập của các bạn ấy. Vì đây là đề mở nên em cũng có nhắc đến sự hi sinh của những người mẹ nghèo, tất cả cho con em mình được ăn học thành tài. Em thích những đề văn thuộc dạng mở như thế này. Nó mang lại cho em nhiều cảm xúc và em được viết, được làm bài một cách thoải mái chứ không bị gò bó như những đề văn khác. Từ câu chuyện của các bạn ở Quảng Ngãi, em đã rút ra bài học cho riêng mình, đó là trong mọi hoàn cảnh, dù khó khăn đến đâu cũng phải cố gắng vươn lên, cố gắng đi học và học thật tốt cho ba mẹ vui lòng. Ngoài ra, em tự thấy mình may mắn hơn các bạn ấy rất nhiều, em không được phép tiêu xài phung phí mà phải tiết kiệm, ít nhất tiết kiệm để tự mua đồ dùng học tập cho mình”.

Một giáo viên môn ngữ văn Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3 (đề nghị không nêu tên) cho rằng vài năm gần đây, đề thi môn ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 phản ánh những vấn đề nóng hổi của cuộc sống. Thí sinh ngoài việc phải có kiến thức văn học, có kỹ năng làm bài, các em phải biết quan sát, tìm hiểu, nhận định về nhiều khía cạnh, nhiều vấn đề khác xung quanh mình. Đề thi môn văn tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM năm nay rất hay và có tác động tích cực đến việc giáo dục học sinh. Nhất là câu hỏi về nghị luận xã hội, yêu cầu thí sinh phải biết quan tâm đến những mảnh đời bất hạnh khác, phải nhận ra được rằng dù có khó khăn đến mấy cũng phải cố gắng học và không được từ bỏ ước mơ. Câu hỏi đó còn mang ý nghĩa sâu sắc hơn khi trong bối cảnh ở TP.HCM hiện nay, đa số học sinh được ba mẹ cưng chiều, các em sống trong đủ đầy, no ấm và ít biết chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh khác.

Trước đó, đề kiểm tra học kỳ II môn văn năm học 2009-2010 của Sở GD-ĐT TP.HCM với yêu cầu trình bày suy nghĩ về “kẻ mạnh” trong đoạn trích “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của mình” (Đời thừa - Nam Cao) được dư luận đánh giá cao về tính thời sự.

Nhiều giáo viên chấm bài bất ngờ khi nhiều bài làm thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nổi cộm và cũng rất gần gũi là bạo lực học đường (thời điểm ấy dư luận đang xôn xao, bất bình vì hàng loạt clip học sinh đánh nhau được liên tục đăng tải trên mạng, nhiều học sinh lớp 12 tại TP.HCM đã có dịp bày tỏ quan điểm của mình, rằng vì sao một bộ phận người trẻ hiện nay thích thể hiện sức mạnh không phải qua điểm số, tài năng mà qua những trận đánh nhau kinh hoàng).

Liên tiếp những đề văn gắn liền tính thời sự đã thỏa mãn sự kỳ vọng của xã hội khi một bộ phận giới trẻ đang suy nghĩ lệch lạc, sống thiếu lý tưởng, a dua, đua đòi, vô cảm... Chính vì vậy một đề thi hay, gần gũi, thời sự sẽ nhắc nhở người trẻ về lối sống, lối nghĩ, sẽ như một cơn mưa rào tắm mát những khô cằn trong tâm thức, đánh động những xúc cảm tưởng chừng như ngủ quên đâu đó.

Không ngạc nhiên khi những đề văn chạm đến những vấn đề thời sự của giới trẻ như thảm họa mê muội thần tượng (đề thi văn khối D kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2012), cố gắng trở thành người nổi tiếng (đề thi văn khối D kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2011), thói dối trá (đề thi văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012) và gần đây nhất tấm gương cậu học trò quên mình cứu người đã được đưa vào đề thi môn văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013.

Trả lại giá trị môn văn

Câu hỏi nghị luận xã hội trong đề thi văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM năm 2012 bàn đến “thế hệ gấu bông” - một loạt bài đã đăng trước đó trên báo Tuổi Trẻ. Câu chuyện người con hững hờ, vô cảm nhìn mẹ nhặt đồ đạc bị văng ra đường khi té xe cứ như chuyện ở đâu không liên quan tới mình, hay chuyện những cô cậu học trò rành rẽ sở thích, thời trang của thần tượng nhưng khi hỏi cha mẹ thích gì thì không biết cũng là những chi tiết không quá xa lạ trong cuộc sống hiện nay. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều thí sinh cho biết họ đã thay đổi cách sống, cách suy nghĩ, thay đổi cách cư xử với cha mẹ mình sau khi kỳ thi tuyển sinh kết thúc.

Theo một thành viên ban đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội, ban đề thi đã cân nhắc tới sự phù hợp về hiểu biết xã hội và suy nghĩ của học sinh trình độ lớp 9 khi lần đầu tiên ra câu hỏi mở có liên hệ với thực tiễn đời sống. “Chương trình THCS đã học văn nghị luận xã hội và nhiều chủ đề quen thuộc mà học sinh vẫn được hướng dẫn liên hệ như lòng biết ơn, tình cảm gia đình, lý tưởng sống... Chủ quyền lãnh thổ và việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ lần đầu tiên đưa vào đề văn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 nhưng cũng không xa lạ với học sinh THCS ở thủ đô, nơi các em được cập nhật thông tin xã hội đầy đủ. Hình ảnh người lính qua các thời kỳ kháng chiến, chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc cũng là hình ảnh quen thuộc không chỉ với học sinh THCS mà cả tiểu học” - thành viên của ban đề thi Hà Nội chia sẻ.

Một thành viên trong ban đề thi môn văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2012 ở TP.HCM thổ lộ: “Chủ trương của Sở GD-ĐT TP.HCM là sẽ ra những đề mang hơi thở cuộc sống, gần gũi với thí sinh, giáo dục thí sinh và đặc biệt là tạo điều kiện cho thí sinh được tự do bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của mình. Một vấn đề rất quan trọng nữa là đề thi ra theo hướng đổi mới còn nhằm mục đích triệt tiêu tình trạng học tủ, học vẹt, học theo văn mẫu vốn đang tồn tại từ những năm trước”.

Những đề thi mang hơi thở cuộc sống

* Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về hành động cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam từ thông tin sau:

Chiều 30-4-2013, bên bờ sông Lam, đoạn chảy qua xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An, Nguyễn Văn Nam, học sinh lớp 12T7 Trường THPT Đô Lương 1 nghe thấy tiếng kêu cứu có người đuối nước ở dưới sông, em liền chạy đến. Thấy một nhóm học sinh đang chới với dưới nước, Nam đã nhảy xuống, lần lượt cứu được ba học sinh lớp 9 và một học sinh lớp 6. Khi đẩy được em thứ năm vào bờ thì Nam đã kiệt sức và bị dòng nước cuốn trôi.

(Theo Khánh Hoan, thanhnienonline, ngày 6-5-2013)

(Trích đề thi môn ngữ văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013)

* Mùa hè này, những học trò nghèo của làng chài bãi ngang xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi ngày nào cũng xuống biển bắt cua, sò, ốc... để kiếm vài ngàn ít ỏi nuôi mơ ước đến trường. Từng giọt mồ hôi non nớt sớm rơi trên gành đá, hòa vào lòng biển vì ước mong có được bộ sách, cái cặp cho năm học mới. Đồng hành với khát khao của con trẻ, những người mẹ nghèo của vùng đất này cũng nói với con: “Ăn khổ mấy má cũng chịu, miễn con có sách vở, quần áo mới tới trường là má vui rồi!”.

(Theo báo Thanh Niên ngày 18-6-2013, “Ôm ước mơ đi về phía biển”)

Hãy viết bài văn ngắn khoảng một trang giấy thi trình bày suy nghĩ của em được gợi ra từ câu chuyện trên.

(Trích đề thi văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM ngày 21-6-2013)

* “Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa”. Hãy viết một bài văn ngắn khoảng 600 từ trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.

(Trích đề thi môn ngữ văn khối D, kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012)

* Nick Vujicic, người Úc, sinh năm 1982, đã phải đối diện với hoàn cảnh vô cùng nghiệt ngã từ khi mới chào đời.

Tháng 5-2013, Nick đã đến Việt Nam. Mặc dù là một người không tay, không chân, anh trở thành một diễn giả nổi tiếng trên toàn thế giới. Bằng trái tim của mình, anh đã chạm đến trái tim của hàng triệu người. Hãy viết bài văn nghị luận bày tỏ suy nghĩ về những điều kỳ diệu của chàng trai đặc biệt này.

(Trích đề văn dự thi vào lớp 10 chuyên văn THPT của Hà Nội năm 2013)

* Trong loạt bài trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần bàn về “thế hệ gấu bông” có hai hiện tượng:

1. Một cô bé 15 tuổi được mẹ chở đi đánh cầu lông. Xe hai mẹ con bị va quẹt, đồ đạc trên xe văng tung tóe. Người mẹ vội vàng gom nhặt, vài người đi đường cũng dừng lại phụ giúp, còn cô bé thờ ơ đứng nhìn. Đợi mẹ nhặt xong mọi thứ, cô bé leo lên xe và thản nhiên dặn: “Lát về mẹ nhớ mua cho con ly chè”.

2. Một cậu học sinh khi được hỏi về ca sĩ nổi tiếng mà cậu hâm mộ, cậu đã trả lời rất rành mạch về cách ăn mặc, sở thích của ca sĩ đó. Nhưng khi hỏi về sở thích, nghề nghiệp của cha mẹ cậu, cậu ấp úng mãi không trả lời được.

Là người con trong gia đình, em hãy trình bày suy nghĩ về hiện tượng trên qua một bài văn ngắn (khoảng một trang giấy thi).

(Trích đề thi văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM năm 2012)

H.HƯƠNG - L.TRANG - V.HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên