Phóng to |
Một buổi học tiếng Anh ở Trường tiểu học Mai Thị Non, thị trấn Bến Lức (Long An) - Ảnh: Sơn Lâm |
Để giúp học sinh nói được tiếng Anh và tiến tới học các môn tự nhiên bằng tiếng Anh, từ nay đến năm 2020 tỉnh sẽ chi tới 437 tỉ đồng cho đề án này. Ông TRẦN HOÀNG NHÂN giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Long An, cho biết thêm:
- Đây là đề án nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thực hiện theo mục tiêu chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề án của tỉnh Long An nhằm đổi mới toàn diện việc dạy và học tiếng Anh trong hệ thống các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Long An. Ngay từ năm 2012-2013 Sở GD-ĐT đã triển khai dạy chương trình giáo dục 10 năm môn tiếng Anh cho khoảng 15% học sinh lớp 3. Học xong lớp 5, các em này sẽ đạt trình độ A1.3 (tương đương trình độ Starters của Cambridge ESOL). Với tiến độ đó thì đến năm 2020 có 100% học sinh lớp 12 được học theo chương trình này.
* Để dạy học sinh tiếng Anh theo chuẩn mới, Sở GD-ĐT tỉnh Long An đào tạo lại cho giáo viên như thế nào?
- Đương nhiên là muốn dạy tiếng Anh theo chuẩn mới cho học sinh thì giáo viên cũng phải đạt chuẩn. Bộ GD-ĐT cũng đã quy định cụ thể rồi. Ngoài ra cũng phải đầu tư trang thiết bị cần thiết cho hoạt động dạy học nữa. Trọng tâm của đề án mà UBND tỉnh phê duyệt chính là đào tạo đội ngũ giáo viên đủ tiêu chuẩn để giảng dạy. Trước nay việc dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông chủ yếu tập trung đáp ứng yêu cầu thi cử mà không có đủ điều kiện để rèn luyện các kỹ năng cơ bản là nghe, nói, đọc, viết. Hạn chế này, theo tôi, chủ yếu xuất phát từ vấn đề năng lực của giáo viên.
Từ năm học 2011-2012 tỉnh đã chủ động đào tạo giáo viên dạy tiếng Anh đạt chuẩn và thực hiện dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 ở 11 trường tiểu học. Đến năm học 2012-2013 đã có 39 trường tiểu học đủ điều kiện dạy tiếng Anh cho học sinh mà đề án đã đặt ra. Năm học tới đây sẽ có 78/260 trường tiểu học dạy tiếng Anh cho học sinh theo chuẩn mới.
* Ông đánh giá kết quả bước đầu của việc dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học tại tỉnh Long An ra sao?
- Phải đến hết năm học 2013-2014 lứa học sinh ở 11 trường tiểu học đầu tiên tham gia đề án này mới học hết lớp 5. Khi đó mới có thể đánh giá chính xác hiệu quả được. Tuy nhiên qua theo dõi, khảo sát gần đây chúng tôi thấy mọi chuyện đang đi đúng hướng, suôn sẻ, cũng có hiệu quả.
Phóng to |
Ông Trần Hoàng Nhân - Ảnh: S.L. |
* Nhiều phụ huynh cho rằng việc dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 là quá sớm vì ở tuổi này tiếng Việt của các em vẫn chưa rành. Nếu ép các em học có thể xảy ra bệnh thành tích, còn hiệu quả thật sự không bao nhiêu?
- Các trường được chúng tôi tuyển chọn thí điểm đề án ban đầu đã được khảo sát rất kỹ các yếu tố như: năng lực giáo viên, cơ sở hạ tầng... Hơn nữa, như tôi đã nói, đề án vẫn đang ở giai đoạn khởi động nên mọi thứ đều kỹ càng và kiểm soát chặt, chưa để các yếu tố có hại đến đề án nảy sinh như bệnh thành tích là một ví dụ. Còn việc đưa ngoại ngữ vào chương trình tiểu học là giải pháp của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao dân trí. Nếu có phương pháp dạy và chương trình hợp lý thì đây sẽ là cơ hội cho các học sinh sớm tiếp cận ngoại ngữ chứ không nên đặt vấn đề đó là gánh nặng.
* Nếu tính mục tiêu của đề án là học sinh THPT phải nói được tiếng Anh và các trường THPT chuyên phải học các môn tự nhiên bằng tiếng Anh thì chỉ còn 6-7 năm nữa thôi, ngành giáo dục Long An không thể đạt được điều này?
- Đó chính là một thách thức của đề án. Phần học sinh thì không lo, chỉ lo phần giáo viên. Cái khó của tỉnh hiện nay là thiếu giáo viên tiếng Anh và ngay cả số giáo viên hiện có cũng phần lớn chưa đạt chuẩn. Giáo viên tiếng Anh được đào tạo từ các nguồn khác nhau nên năng lực ngoại ngữ và năng lực giảng dạy của một bộ phận giáo viên còn hạn chế.
Đó là chưa kể cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy và học ngoại ngữ hiện chưa đáp ứng được yêu cầu rèn luyện kỹ năng. Việc phân bổ 45 học sinh/lớp như hiện tại gây khó khăn trong việc dạy và học ngoại ngữ. Ngoài ra, địa bàn tỉnh Long An rất rộng, nhiều vùng sâu, vùng xa còn khó khăn cũng là trở ngại trong việc thực hiện đề án. Hiện tại chúng tôi đang tập trung đào tạo đội ngũ giáo viên tiếng Anh cho đạt chuẩn. Đề án đã nói rất rõ là sẽ đầu tư tối đa để đưa giáo viên ra nước ngoài học, thuê giáo viên nước ngoài đến dạy, tăng cường cơ sở vật chất... Chúng tôi đang chạy đua với thời gian, nhưng không phải làm vội, làm gấp, qua loa.
* Vấn đề được dư luận quan tâm là tỉnh đưa giáo viên đi những nước nào học và mời giáo viên nước nào về dạy, chi phí ra sao, thưa ông?
- Chúng tôi đã khảo sát rất kỹ và đưa vào đề án. Cụ thể, chi phí đưa một giáo viên ra nước ngoài để đào tạo theo chuẩn châu Âu dự tính là 180 triệu đồng/người. Còn mời giáo viên nước ngoài về đào tạo ở địa phương thì chi phí khoảng 40 triệu đồng/người. Trong giai đoạn đầu, sở đã lên kế hoạch mời 500 giáo viên nước ngoài về đào tạo tại địa phương và đưa 100 giáo viên đủ điều kiện đi học tập nước ngoài để có thể đạt chuẩn.
Để tránh những hệ quả xấu có thể xảy ra khi mời giáo viên nước ngoài, chúng tôi sẽ phối hợp với hệ thống Trung tâm Cambridge nằm trong hệ thống của Bộ GD-ĐT khảo sát trước khi nhận giáo viên nước ngoài và nước sẽ đưa giáo viên đi học. Tỉnh sẽ không “vừa đá bóng, vừa thổi còi” mà đều thông qua Bộ GD-ĐT. Khó khăn chỉ ở giai đoạn đầu chứ về lâu dài khi các trường sư phạm trong nước cũng đào tạo giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn thì sẽ thuận lợi hơn.
* Ông nói gì về con số 437 tỉ đồng đầu tư cho dự án trong khoảng tám năm?
- Tôi nghĩ con số gần 437 tỉ đồng cho dự án là hợp lý vì có rất nhiều việc cần làm. Điều chúng ta quan tâm không phải xài bao nhiêu tiền mà kết quả như thế nào mới là quan trọng. Chúng tôi đã lên kế hoạch để có thể tổ chức các cuộc sát hạch, đánh giá mức độ thành công của dự án qua từng giai đoạn ngắn nhằm kịp thời bổ sung, điều chỉnh những khiếm khuyết, phát huy những mặt mạnh để đề án đi đúng hướng.
* Mục tiêu cụ thể từng giai đoạn từ nay đến năm 2020? - Có thể sơ lược là từ năm học 2012-2013 bắt đầu triển khai dạy chương trình giáo dục 10 năm môn tiếng Anh cho khoảng 15% số lượng học sinh lớp 3 và liên thông đến năm 2020 có 100% học sinh lớp 12 được học theo chương trình này. Năm 2015 triển khai chương trình dạy thí điểm môn toán bằng tiếng Anh ở Trường THPT chuyên Long An, sau đó mở rộng dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh. Mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ có 100% giáo viên dạy tiếng Anh ở các cấp học đạt trình độ chuẩn châu Âu. 100% trường phổ thông, giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng có đầy đủ trang thiết bị dạy ngoại ngữ cho chương trình mới. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận