18/03/2013 06:52 GMT+7

Tìm ngành vừa sức

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TT - Gần 3.000 học sinh đã đến với Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2013 do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT và Tỉnh đoàn Kiên Giang tổ chức tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Kiên Giang sáng 17-3.

Thời điểm nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường ĐH, CĐ đã trôi qua một tuần, cũng là lúc nỗi lo của học sinh cuối cấp trở nên căng thẳng hơn.

Học trò huyện đảo chọn nghề

"Không có ngành nào không thú vị, nhưng học sinh thường không tìm hiểu kỹ ngành nghề mà chỉ chạy theo đám đông"

PGS.TS ĐỖ VĂN DŨNG(phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)

Có mặt từ rất sớm trong bộ đồng phục lớp màu đỏ nổi bật là 28 học sinh Trường THPT Kiên Hải (huyện đảo Kiên Hải). “Thầy trò chúng tôi phải đi tàu cao tốc vào Rạch Giá từ trưa hôm trước, rồi thuê phòng trọ để sáng ra kịp dự buổi tư vấn” - thầy Danh Gia Bảo, quản lý học sinh Trường THPT Kiên Hải, cho biết.

Đến từ huyện đảo xa này, mỗi học sinh mang theo niềm mơ ước, dự định chọn nghề chuẩn bị cho tương lai. Khi giờ tư vấn còn chưa bắt đầu, nhóm học trò huyện đảo đã rôm rả bàn luận chọn câu hỏi để gửi đến ban tư vấn. “Ngôn ngữ học là ngành học tiếng nước nào? Có được học tiếng Anh và tiếng nước nào khác nữa không? Mình thích sau này trở thành hướng dẫn viên du lịch và lập công ty ngay trên quê mình thì học ngành nào phù hợp?” - một cô học trò gương mặt sáng ngồi ngay hàng ghế đầu liên tục đưa ra thắc mắc để giành quyền được đặt câu hỏi.

Cô học trò tên Lê Thị Mỹ Ngọc ngồi cạnh thầy Gia Bảo chăm chú đọc từng quyển tài liệu vừa nhận được. “Từ bé em đã có ước mơ được trở thành cô giáo tiểu học. Nghĩ tới việc khi mình là người đầu tiên dạy cho các em nhỏ biết chữ, em cảm thấy hạnh phúc ngập tràn rồi” - Mỹ Ngọc chia sẻ. Trước khi đến với buổi tư vấn, Ngọc đã dự định thi vào ngành sư phạm tiểu học ở Trường ĐH An Giang nhưng còn băn khoăn “sợ ra trường không được đi dạy”.

Cô học trò huyện đảo nở nụ cười tươi, mắt sáng lên sau khi nghe thầy Lê Ngọc Diệp - trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp và bồi dưỡng Sở GD-ĐT Kiên Giang - thông tin: “Riêng ngành sư phạm, hiện nay nhu cầu ở tỉnh thiếu về giáo viên tiểu học, mầm non. Năm trước, 400 sinh viên tốt nghiệp cử nhân sư phạm nộp hồ sơ nhưng tỉnh chỉ tuyển 80 giáo viên”.

Chọn trường vừa sức

Chọn ngành học thật sự yêu thích hay chọn trường phù hợp với sức học để tăng cơ hội trúng tuyển là tâm tư của rất nhiều học sinh Kiên Giang gửi đến ban tư vấn.

Điểm trung bình ba môn thi ĐH của thí sinh Kiên Giang năm 2012 là 10,21; thấp hơn bình quân cả nước 11,30 điểm và điểm thi của học sinh Kiên Giang xếp 48/63 tỉnh, thành. Thông tin trên được PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, đưa ra khiến nhiều học sinh tỉnh nhà khá lo lắng. “Với kết quả này, các bạn cần cân nhắc chọn trường vừa sức bởi cùng một ngành hiện có nhiều trường đào tạo” - thầy Hùng nói.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng chọn ngành nào đó đầu tiên phải phù hợp với sức học của mình là chính. Học sinh không nên chọn một ngành thời thượng, dù rất yêu thích nhưng sức học lại không phù hợp.

Theo thầy Dũng, mức độ thành công phụ thuộc vào khả năng tự học của mỗi người. Nếu chọn ngành phù hợp thì tốt, nhưng lỡ chọn ngành không phù hợp cũng không quá nghiêm trọng. “Chưa hẳn ngành yêu thích là phù hợp. Thật ra không có ngành nào không thú vị, nhưng học sinh thường không tìm hiểu kỹ ngành nghề mà chỉ chạy theo đám đông. Khuynh hướng chuyển đổi ngành nghề sau này sẽ là xu hướng chủ yếu vì cơ cấu kinh tế luôn dịch chuyển. Với kiến thức nền ĐH, sinh viên có thể học thêm và chuyển hướng dễ dàng...” - thầy Dũng khẳng định.

Một thí sinh hỏi: ngoài ĐH còn có con đường nào khác để vào đời? TS Lê Thị Thanh Mai, ĐH Quốc gia TP.HCM, tư vấn: “Các em cũng có thể học trung học chuyên nghiệp. Những trường này chỉ xét tuyển dựa vào học bạ THPT và đa số yêu cầu phải tốt nghiệp THPT. Các em cũng có thể học trung cấp nghề, CĐ nghề khi chỉ cần đăng ký xét tuyển hoặc tham gia học các chương trình liên kết... Tóm lại, tùy sức học của bản thân, định hướng nhu cầu nhân lực của địa phương, học sinh có nhiều ngã rẽ sau khi tốt nghiệp THPT, không nhất thiết phải vào ĐH, CĐ”.

Nhóm ngành kinh tế vẫn giữ chỉ tiêu và quy mô đào tạo

Tại khu vực tư vấn nhóm ngành kinh tế, các thành viên ban tư vấn lần lượt chia sẻ và trấn an thí sinh rằng những thông tin gần đây trên mạng cho rằng các trường sẽ ngừng đào tạo nhóm ngành kinh tế là không chính xác.

Các trường vẫn giữ chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành này như các năm, không có thay đổi lớn trong quy mô, chỉ tiêu đào tạo. Thực tế hiện nay nền kinh tế thế giới và VN đang trong thời điểm khó khăn nên việc nhiều doanh nghiệp phá sản là chuyện bình thường.

Nhưng chắc chắn theo quy luật, sau giai đoạn khó khăn thì nền kinh tế lại khởi sắc. Khi đó nhu cầu tuyển dụng cũng sẽ tăng trở lại theo số doanh nghiệp mới ra đời. Vì vậy thí sinh cần yên tâm. “Chỉ cần có niềm đam mê, yêu thích ngành kinh tế các em nên mạnh dạn thi vào...” - ThS Hứa Minh Tuấn, Trường ĐH Tài chính - marketing TP.HCM, khuyên.

Vz5Y99o0.jpgPhóng to
TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), tư vấn trực tiếp cho các bạn học sinh tỉnh Kiên Giang - Ảnh: Minh Đức
TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên