Dạy thêm, học thêm, do đâu?

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ - PHÚC ĐIỀN (còn tiếp)
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ - PHÚC ĐIỀN (còn tiếp)

TT - Lương thấp không đủ sống, chương trình nặng và thi cử căng thẳng, áp lực thành tích, thói quen học thêm, nhu cầu của phụ huynh... là những lý do khiến dạy thêm tồn tại.

Kỳ 1: Chỉ là giải pháp “chặt ngọn”

gVVlpadu.jpgPhóng to
Một điểm dạy thêm tại nhà ở Q.Tân Bình, TP.HCM (ảnh chụp lúc 16g45 ngày 5-4) - Ảnh: NHƯ HÙNG

“Bọn mình ủng hộ việc sẽ không dạy thêm nữa, vì dạy thêm cũng mệt mỏi lắm, thật sự là “bán cháo phổi”. Buổi tối khi các gia đình quây quần bên mâm cơm thì mình vẫn phải làm việc, 21g-22g mới ngồi vào bàn ăn khi thức ăn đã nguội lạnh cả. Không cho dạy thêm thì hãy điều chỉnh chế độ lương cho giáo viên đi. Lương giáo viên trẻ bây giờ khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng, lương của mình, một giáo viên có hơn chục năm trong nghề, cũng chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng. Với số tiền thế này, ở giữa Hà Nội, phải sống thế nào?” - cô Hoài Văn, một giáo viên dạy văn bậc THCS tại Hà Nội, tâm sự.

Không dạy thêm thì phải đi làm thêm...

Vừa là cô giáo dạy lịch sử vừa là phụ huynh, cô Nguyễn Thị Bích Thủy - Trường THCS Lương Thế Vinh, Q.3, TP.HCM - kể: “Giáo viên dạy thêm cũng có thể phát sinh chuyện tiêu cực, nhưng tôi cho rằng hiện tượng chèn ép HS để dạy thêm gây dư luận xấu chỉ là số ít. Giáo viên dạy thêm tức là truyền đạt thêm kiến thức cho HS, thu nhập bằng chính kiến thức của mình, trách họ sao được! Dạy thêm là nhu cầu của nhiều giáo viên, xuất phát từ chính cuộc sống của họ, từ chuyện đồng lương không đủ trang trải cuộc sống. Ví dụ một đồng nghiệp của tôi, thâm niên trên 20 năm đang hưởng bậc lương đụng trần, thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng, nuôi hai con học ĐH, nếu chỉ chờ vào đồng lương không nuôi sống được gia đình. Ngay như những giáo viên dạy sử, địa, giáo dục công dân không dạy thêm như các bộ môn khác được, họ cũng phải dạy thêm bằng cách “chạy sô” dạy ở các trường tư, trường quốc tế, thậm chí phải đi dạy kèm để trang trải cuộc sống...”.

Áp lực và thói quen

Thầy Huỳnh Nghề - hiệu trưởng Trường THCS Ba Đình, Q.5, TP.HCM - cho rằng: “Không phải tất cả HS đều phải đi học thêm. Có những HS THCS không học thêm ngày nào nhưng vẫn học tốt. Một HS THCS học một buổi ở trường, về nhà có ý thức tự giác học bài, làm bài có thể không cần đi học thêm. Tuy nhiên, nhiều HS chúng ta đã quen học thêm từ lớp 1, giờ không biết cách tự học giống như kiểu những đứa trẻ quen được người lớn đút cho ăn, lớn lên không đút không ăn... Cũng có một lý do khác nữa từ chuyện xã hội có quá nhiều cạm bẫy, game online lan tràn. Nhiều phụ huynh cho rằng cứ cho con đi học thêm để cách ly con khỏi những thói hư tật xấu. Khi nhà nhà cho con đi học thêm thì sẽ thành phong trào”.

Một cô giáo dạy công nghệ bậc THCS tại Hà Nội cũng cho biết: “Giáo viên công nghệ không HS nào cần học thêm, tổ chúng tôi có chị phải đi làm gia sư buổi tối, người khác mở net, bán quần áo tại nhà. Tôi kiên trì lắm cuối cùng cũng phải xin đi dạy thêm ở một trường tư. Lương của tôi với thời giá hiện nay chỉ đủ đi chợ 20 ngày/tháng cho bữa ăn của cả gia đình”. Ngậm ngùi, cô giáo Nguyễn Thị Hồng - công tác tại một trường THPT ở Vĩnh Phúc - tâm sự: “Mình ra trường bốn năm, lương ban đầu 1,6 triệu đồng, nay nâng lên thành 2,3 triệu đồng/tháng. Trường tổ chức dạy thêm, mỗi tuần tham gia được hai buổi với số tiền đóng 5.000 đồng/ca học/HS, mỗi cô giáo lại được trả thêm 150.000-170.000 đồng/buổi. Gọi là đã có dạy thêm, nhiều thầy cô trong trường vẫn phải tranh thủ làm thêm nhiều việc kiếm sống như nhận mối gia công hàng từ các công ty để tăng thu nhập”.

Chương trình nặng, thi cử căng thẳng

Chương trình quá tải, lại áp dụng cho một nền giáo dục nặng nề thi cử, càng lên cấp cao áp lực thi cử càng khủng khiếp do HS có quá ít “nhánh rẽ”, chỉ chăm chăm chen chân để vào đại học, hệ lụy của nó là dạy thêm, học thêm chóng mặt.

Theo một giáo viên Trường THCS Thăng Long, Ba Đình, Hà Nội, tư tưởng siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm vẫn chỉ dừng ở lý thuyết khi thực tế những đề thi tập trung hiện vẫn quá khó, nâng cao nhiều so với sách giáo khoa. “Ngay kỳ thi hết học kỳ 1 vừa qua của khối lớp 9, cả giáo viên và HS trường tôi đều ngã ngửa vì đề thi quá khó. Chính đề thi khó đã đẩy phụ huynh vào tâm lý hoang mang, gõ bằng được “cửa” nào bổ sung kiến thức cho con em mình” - giáo viên này chia sẻ.

“Không học thêm không được!” - đó là ý kiến từ phía phụ huynh và cả nhiều hiệu trưởng. Lớp 5 phải học để có điểm tốt chọn trường vào lớp 6. Lớp 9 muốn có cửa vào lớp 10 trường tốt hẳn nhiên phải học thêm vì đề tuyển sinh lớp 10 yêu cầu nâng cao, chỉ học kiến thức cơ bản không có điểm tốt. Chương trình lớp 8 còn nặng nề hơn cả lớp 9, phải học thêm đã đành. Nhưng nhiều HS tiểu học không học thêm thì lên lớp 6 cũng phải học thêm. Lý do vì sao? Hiệu trưởng một trường THCS ở Q.3, TP.HCM nói: “Cứ nhìn vào cấu trúc chương trình giữa hai bậc tiểu học và THCS sẽ rõ. HS tiểu học học nhẹ nhàng, tỉ lệ HS giỏi cao ngất. Lên lớp 6 học cùng lúc 13 môn, môn nào cũng học bài, làm bài. HS bị sốc, điểm số giảm, tỉ lệ HS giỏi từ 70% xuống còn 20-30%, phụ huynh sốt ruột, vậy là bắt đầu học thêm”.

Cũng có lý do từ giáo viên

Vì sao phải học thêm? Hiệu trưởng một trường THCS tại Q.1, TP.HCM bộc bạch: “Giáo viên của chúng ta vì nhiều lý do (hạn chế trình độ, phương pháp giảng dạy, do cuộc sống...), một bộ phận không nhỏ thầy cô dạy chưa hết lòng hết sức trên lớp. Những HS đi học thêm có thể chia làm hai nhóm. Một nhóm HS có học lực hạn chế cần học thêm như một kiểu “mua điểm, mua tình cảm” của thầy cô để yên tâm trong giờ lên lớp. Nhóm HS giỏi không hài lòng với kiến thức trên lớp hoặc không hài lòng với cách dạy của thầy trên lớp nên tìm thầy giỏi hơn. Ở cả hai nhóm này đều xuất phát từ chuyện dạy chính khóa của giáo viên chúng ta. Vì thầy dạy chưa hay nên trò mới phải tìm thầy khác hoặc ở lớp thầy chưa dạy hết lòng nên trò phải đến nhà thầy học thêm”.

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ - PHÚC ĐIỀN (còn tiếp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên