Phóng to |
Một ngày dạy học của L.N.T. (sinh năm 1986) tại TP.HCM thường có 3-4 ca. Tốt nghiệp ngành sư phạm địa lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cách đây ba năm, hộ khẩu ở Quảng Bình, lại không có KT3 nên T. không thể thi công chức ngành giáo dục như các bạn. T. nộp gần 40 bộ hồ sơ vào các trường dân lập, bán công, trung tâm... để được dạy hợp đồng.
Lương bèo bọt...
Mấy tháng đầu không trường nào gọi, T. phải bươn chải đủ cách để trụ lại TP.HCM. T. kể: “Về quê thì khó khăn vì muốn chạy việc ở quê phải tốn khá nhiều tiền. Ở Sài Gòn phải “cày” mới đủ sống bởi mức lương hợp đồng rất thấp. Đã là giáo viên hợp đồng thì phải xác định “chạy sô” mới mong trụ nổi ở đất này”.
Hiện nay T. “chạy sô” tại một trung tâm giáo dục thường xuyên và hai trường tư thục ở Tân Bình. Tại trung tâm giáo dục thường xuyên, mỗi tuần T. dạy 17 tiết, mỗi tiết được trả 34.000 đồng, dạy tiết nào hưởng công tiết đó, không có khoản gì thêm. Lương dành cho giáo viên hợp đồng ở các trường tư thì rất nhiều mức - 25.000-30.000 đồng/tiết, cũng có trường trả 70.000-80.000 đồng/tiết.
“Dạy trường tư áp lực rất nặng nề, phải tuân thủ kỷ luật riêng của từng trường và nguy cơ bị cho nghỉ việc có thể ập đến bất cứ lúc nào nếu người ta không cần mình nữa. Giáo viên hợp đồng như... con rơi vậy” - T. nói.
200.000-250.000 đồng/tháng Bà Cao Thị Thái - trưởng phòng giáo dục mầm non Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa - cho biết hiện nay toàn tỉnh có 13.469 cán bộ, giáo viên, nhân viên bậc học mầm non. Trong đó số cán bộ, giáo viên, nhân viên ngoài biên chế là 10.335 người, bao gồm 8.138 người đang hưởng chế độ hợp đồng theo quyết định của UBND tỉnh. Số còn lại là những người thuộc diện hợp đồng với xã, phường, thị trấn hoặc huyện cũng đang hưởng mức phụ cấp rất thấp. Có nhiều giáo viên đứng lớp ngày hai buổi nhưng chỉ được hưởng phụ cấp 200.000-250.000 đồng/tháng (tùy từng địa phương). |
Tương tự, giáo viên mỹ thuật Nguyễn Huỳnh Kim Ngân (đang dạy hợp đồng tại Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1, TP.HCM) cũng phải “chạy sô” cùng lúc hai trường mầm non ở quận 8 và quận 10 và một trường phổ thông tại quận 1. Ở trường mầm non, công việc khá vất vả nhưng giáo viên hợp đồng chỉ được trả 30.000 đồng/tiết. Tốt nghiệp khoa sư phạm mỹ thuật Trường cao đẳng Sư phạm trung ương TP.HCM, Ngân quyết định học liên thông để có tấm bằng đại học nên chấp nhận làm giáo viên hợp đồng tại các trường để có tiền trang trải việc học.
“Nói vậy thôi nhưng mỗi đợt đóng học phí tôi đều xin tiền gia đình vì mức thu nhập chỉ đủ lo cho sinh hoạt”. Mỗi tuần Ngân dạy 15 tiết ở 15 lớp và có thêm bốn tiết chủ nhiệm, với “giá” mỗi tiết khoảng 35.000 đồng. Ngoài ra, Ngân không có chế độ nào khác. Thu nhập hằng tháng vỏn vẹn 3 triệu đồng, trừ tiền thuê nhà, xăng xe và ăn uống thì không còn bao nhiêu. Ngân cho biết trong số 34 giáo sinh tốt nghiệp cùng đợt với mình, gần 20 người đang là giáo viên hợp đồng.
Làm thêm đủ việc
Đầu tháng 9, 62 giáo viên mầm non ngoài biên chế ở xã Mậu Lâm và Thanh Tân, huyện miền núi Như Thanh (Thanh Hóa) đồng loạt nghỉ dạy để gửi đơn đến cơ quan chức năng của huyện, tỉnh phản ảnh về phụ cấp hằng tháng quá thấp, không đủ sống. Hàng nghìn giáo viên mầm non ở Thanh Hóa đang sống lay lắt với thu nhập 17.000-20.000 đồng/ngày. Sau khi trừ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn và một số khoản đóng góp, ủng hộ khác thì giáo viên ngoài biên chế của Trường mầm non xã Mậu Lâm được nhận cao nhất hơn 500.000 đồng/tháng, thấp nhất 480.000 đồng/tháng.
Cô Phạm Thị Sơn - giáo viên Trường mầm non xã Mậu Lâm - tâm sự: “Vào thời buổi giá cả leo thang, xăng xe đắt đỏ như hiện nay, tiền phụ cấp hằng tháng phải chi một nửa cho xăng xe đi lại vào khu lớp lẻ ở các bản vùng sâu, cách trung tâm xã 5-7km đường đồi dốc để dạy dỗ các cháu. Hằng ngày chúng tôi không dám nghĩ đến bữa ăn sáng, vì còn nửa số tiền phụ cấp trong tháng phải dành lo cho gia đình”.
Cô N., một giáo viên hợp đồng khác cũng ở huyện Như Thanh, kể: nhiều giáo viên hợp đồng ở đây ngoài giờ dạy phải kiếm đủ việc làm thêm, từ vào rừng hái măng, đến việc đi bẻ nhãn, bán nước, tạp hóa. Có cô một buổi đi dạy, một buổi ngoài chợ. Thu nhập từ việc làm thêm có khi kiếm được vài chục ngàn đồng/ngày, có khi chỉ 5.000-10.000 đồng nhưng vẫn phải cố làm để lấy tiền nuôi con, nuôi nghề.
Vẫn trụ với nghề
Số phận những giáo viên tiếng Anh tại các trường tiểu học ở Nam Định cũng không sáng sủa hơn. Chỉ ràng buộc bằng một hợp đồng ngắn hạn, họ có thể bị chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào khi nhà trường, phòng giáo dục không có nhu cầu nhận giáo viên hợp đồng nữa.
Cô N.N., một giáo viên hợp đồng tại TP Nam Định, cho biết: “Chúng tôi như những người làm công ăn lương mà không được bảo đảm về quyền lợi lâu dài. Từ năm 2009, chúng tôi đã đề nghị cấp trên xem xét, trả lời dứt khoát nhưng vẫn không được giải quyết. Hợp đồng thì ký ba tháng/lần, dạy học 14-15 năm rồi nhưng lúc nào cũng nơm nớp lo mất việc”.
Trả lời thắc mắc của chúng tôi về việc lương không đủ sống nhưng vì sao vẫn gắn bó với nghề, cô N.T.L., có thâm niên dạy học gần 20 năm, nói: “Một phần đời khá dài gắn bó với lớp học, với con trẻ, giờ không muốn bỏ. Dù nghề không nuôi được mình nhưng mỗi ngày được tiếp xúc với con trẻ, ra đường được người dân gọi là “cô giáo” cũng thấy an ủi”.
Ở các huyện ngoại thành của Hải Phòng có những nơi đang phải sử dụng đến vài trăm giáo viên hợp đồng ở các cấp học. Trong đó có những người thâm niên nhiều năm nhưng không được tuyển dụng vào biên chế.
Một chuyên viên của Phòng GD-ĐT Thủy Nguyên, Hải Phòng cho biết: “Không có định biên để tuyển giáo viên THCS, nhưng thực tế vẫn phải hợp đồng với mấy trăm giáo viên với mức lương rất thấp”. Cô giáo N.T.N., đang dạy học ở Thủy Nguyên, cho biết lương hợp đồng chỉ 600.000 đồng/tháng, ngoài ra không có gì thêm. Sang năm thứ sáu làm nghề dạy học, nhiều lúc buồn nản nhưng cô N. nói “vẫn cố bám hi vọng sẽ có biên chế”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận