01/09/2011 06:12 GMT+7

Nhà trường "biến hóa" quỹ phụ huynh

V.H. (một phụ huynh lớp 4 ở TP.HCM)
V.H. (một phụ huynh lớp 4 ở TP.HCM)

TT - Buổi họp phụ huynh đầu năm học mới, phụ huynh lớp 4 được phát bản công khai thu chi của quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh toàn trường năm học 2010-2011 tính đến ngày 30-8.

Tổng cộng năm học vừa qua nhà trường đã chi hơn 167 triệu đồng từ quỹ phụ huynh.

qOpzVDmp.jpgPhóng to
Các học sinh trường tiểu học khoe dụng cụ học tập mới khi cô giáo kiểm tra ngày đầu năm học - Ảnh: N.Hùng

Những lo toan đầu năm học mới luôn là câu chuyện làm đau đầu phụ huynh. Bạn hãy gửi câu chuyện của mình về email: toasoan@tuoitre.com.vn.

Bản báo cáo khiến chúng tôi thắc mắc bởi có 49 khoản chi thì chỉ có chín khoản là chi cho học sinh, còn lại là chi cho nhà trường. Đọc qua thấy có nhiều mục chi hết sức vô lý và không phù hợp trong điều kiện địa phương có đa số phụ huynh khó khăn như chi mua phân bón, xơ dừa, chi mua ba xe đất (để trồng cây xanh), chi phóng to bằng khen thưởng, ép lụa, chi lắp đặt hệ thống báo trộm, chi mua đềcan, sọt rác... Trong báo cáo thu chi này có cả khoản chi “bồi dưỡng kế toán - thủ quỹ” (1 triệu đồng), phụ huynh chúng tôi xem xong chỉ biết lắc đầu hỏi nhau xem khoản đó là khoản gì.

Trong buổi họp phụ huynh, nhiều người trong chúng tôi đều bức xúc trước cách quản lý thu chi quỹ phụ huynh của trường. Quỹ này lẽ ra phải do ban đại diện cha mẹ học sinh quản lý nhưng ở đây chúng tôi thấy hiệu trưởng đích thân chi và bản sơ kết thu chi cũng do hiệu trưởng ký. Không biết vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh ở đâu khi đầu năm tổ chức thu 150.000 đồng quỹ phụ huynh là số tiền do nhà trường đưa ra và phụ huynh chúng tôi chỉ biết đóng chứ không biết tiền sẽ dự chi vào việc gì, cũng không ai hỏi ý kiến chúng tôi một câu. Quá bức xúc, tôi giơ tay phát biểu với cô giáo chủ nhiệm rằng nhà trường không nên đưa con số cụ thể mà hãy để phụ huynh tự nguyện đóng góp theo khả năng của từng người. Cô giáo nói sẽ ghi nhận ý kiến của tôi và báo lại ban giám hiệu.

Trong số chúng tôi người làm công nhân, người thì lao động chân tay, chỉ một số ít là công chức nhưng ai cũng nghĩ đến tương lai của con mình nên không ai dám ý kiến. Vì vậy năm ngoái chúng tôi phải đóng 150.000 đồng quỹ ban đại diện, năm nay tiếp tục đóng số tiền như vậy. Vợ tôi đi đóng tiền cho con, nhà trường bảo tiền quỹ ban đại diện không ép nhưng vì đây là trường điểm nên ai cũng phải đóng. Tôi nghe nói nhiều phụ huynh không đóng thì con họ không được xếp lớp.

Nhà trường cũng vừa phát phiếu tạm thu tiền học kỳ I và dự kiến các khoản thu trong năm học mới, phụ huynh chúng tôi phải đóng rất nhiều khoản lẻ mẻ như tiền phù hiệu, tiền sổ liên lạc, nước uống, tiền quét dọn vệ sinh rồi lại tiền vệ sinh lớp bán trú. Quỹ ban đại diện vẫn phải đóng song song với tiền cơ sở vật chất 20.000 đồng/năm, tiền cơ sở vật chất bán trú 100.000 đồng/năm theo quy định.

Tôi nhớ Bộ GD-ĐT quy định các trường không được lạm thu, quỹ của ban đại diện cha mẹ học sinh là hoàn toàn tự nguyện, không trường nào được ép buộc phụ huynh đóng tiền. Nhưng ở trường hợp của chúng tôi, nói không ép nhưng không đóng tiền thì trở thành “khác người”, bao nhiêu con mắt của giáo viên và những phụ huynh khác nhìn vào, ai cũng sợ con mình bị ghẻ lạnh. Vì lẽ đó, nhiều người trong chúng tôi bức xúc cũng chẳng dám nói, ráng vay mượn để đóng cho qua chuyện. Để rồi số tiền mồ hôi nước mắt của chúng tôi được chi vô tội vạ, mà chúng tôi thì không một lần được giơ tay có ý kiến.

Áp lực đến hẹn lại lên

Tôi có hai con, đứa đầu năm nay vào lớp 8, đứa thứ hai năm nay vào lớp 2. Mới đóng tiền đầu năm cho đứa lớn đã thấy “méo mặt”. Tổng các khoản học phí chính khóa, bán trú, tiền ăn tháng đầu, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn... là 1,44 triệu đồng. Đó là chưa kể tiền sách giáo khoa, tiền tập vở, dụng cụ học tập thêm 220.000 đồng, tiền đồng phục cho bốn bộ quần áo mặc hằng ngày và một bộ đồ thể dục là 800.000 đồng. Như vậy, mới lo cho đứa lớn đã 2,64 triệu đồng. Riêng cô con gái thứ hai thì trường chưa có thông báo về mức thu đầu năm nhưng mới chi khoản đồng phục và sách giáo khoa, tập vở, cặp... là 1,1 triệu đồng.

Năm nào cũng vậy, vợ chồng tôi thật sự rất mệt mỏi với các khoản thu đầu năm học. Tôi cũng biết nhà trường rất khó khăn trong thời kỳ bão giá hiện nay, các khoản tiền cũng cần tăng để nhà trường chi tiêu cho phù hợp. Nhưng lương công chức của cả hai vợ chồng tôi tổng cộng chỉ có 5,2 triệu đồng, đầu năm đóng tiền học cho con xong, trả tiền điện, nước, xăng xe... là coi như cả nhà nhịn ăn. Đó là vẫn còn may, vì hiện tại nhà trường vẫn chưa tăng học phí chính khóa, nếu tăng nữa thì chúng tôi cũng chưa biết tính sao.

Từ khi cháu lớn đi học mầm non đến nay, tôi đã ý thức được áp lực của việc đóng tiền trường cho con nên đã tích cóp hằng tháng để dành tiền đóng học phí và phòng khi ốm đau. Tuy nhiên, gần một năm nay, giá thực phẩm tăng ào ào, mỗi bữa ăn tôi phải tính toán chi li từng đồng mà vẫn không có khoản dư như mình mong muốn. Trước mỗi bữa ăn, cả ông xã và hai con nhìn mâm cơm than: “Sao đợt này mẹ cứ cho ăn đậu hoài, hết đậu hũ chiên lại đến canh bí đỏ đậu phộng, ngán lắm”. Tôi rất băn khoăn nhưng không biết xoay xở thế nào để chu toàn mọi việc. Con mình được đi học đàng hoàng, được ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và ngon miệng... thật sự là bài toán khó đối với người nội trợ.

V.H. (một phụ huynh lớp 4 ở TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên