01/08/2011 10:50 GMT+7

Học trò nói về môn sử

Thoại
Thoại

TTO - Học sử mà cảm thấy như bị tra tấn, muốn tiếp thu hết lượng kiến thức lịch sử trong sách giáo khoa phải có năng lực và niềm đam mê "ghê gớm", vui mừng khi "thoát nạn" học môn sử... là những nội dung các bạn đọc tiếp tục chia sẻ xoay quanh chuyện dạy và học sử.

Học trò nói về môn sử

TTO - Học sử mà cảm thấy như bị tra tấn, muốn tiếp thu hết lượng kiến thức lịch sử trong sách giáo khoa phải có năng lực và niềm đam mê "ghê gớm", vui mừng khi "thoát nạn" học môn sử... là những nội dung các bạn đọc tiếp tục chia sẻ xoay quanh chuyện dạy và học sử.

Tuổi Trẻ Online trích đăng.

MbZahR6i.jpgPhóng to

Thí sinh dự thi ĐH năm 2011 - Ảnh minh họa: tư liệu

Chúng tôi có cần học sử nhiều thế không?

Tôi sinh năm 1993, vừa thi xong đại học khối D năm nay. Năm cấp III, tôi học lớp chuyên văn, tức là lớp "gần gũi" nhất với khối C nhưng thực tế tôi và các bạn đều định hướng từ lớp 10 sẽ theo khối D.

Nói thật, dù học sinh có học khá toán, Anh hay không thì cũng cố nhồi nhét để theo ban D. Lớp tôi chỉ có 40% theo khối C và 3/4 trong số này theo khối C là vì không đủ sức theo khối D, phần còn lại (khoảng ba người) là thật sự quan tâm đến sử và địa.

Các nhà báo, giáo sư, tiến sĩ... thường phê bình thế hệ trẻ chúng tôi không biết quan tâm đến lịch sử nước nhà, điểm thi sử năm nào cũng thấp. Nhưng xin hỏi tại vì đâu mà chúng tôi không quan tâm đến điều đó? Xin thưa vì rất nhiều lý do.

Thứ nhất, đã bao giờ các chú, các bác thử cầm quyển sách sử - địa cấp III lên xem chưa ạ? Số tiết học cũng chỉ tương đương số tiết học giáo dục công dân - quyển sách mỏng nhất trong bộ sách giáo khoa.

Ngành giáo dục mấy năm nay chủ trương giảm tải cho học sinh, nhưng giảm tiết học mà nội dung sách vẫn như cũ thì chỉ làm khổ chúng tôi thêm thôi. Nội dung đó trước kia học trong 2-3 tiết thì bây giờ phải học xong trong một tiết. Giáo viên phải dạy lướt qua thật nhanh mới mong hết 5-6 trang sách đầy chữ trong 45 phút. Còn nhiệm vụ chúng tôi là phải về nhồi nhét 5-6 trang sách ấy để trả bài.

Hơn thế nữa, nói thật, học sử phải có niềm đam mê ghê gớm lắm mới mong tiếp thu và nhớ hết lượng kiến thức, chữ nghĩa mà các giáo sư soạn cho chúng tôi.

Các môn học phổ thông là để phổ cập kiến thức cho học sinh, giúp học sinh có kiến thức căn bản trong bộ môn ấy. Sau đó nếu yêu thích thì học sinh sẽ học lên đại học chuyên sâu hơn.

Thứ hai, điều làm chúng tôi không quan tâm nhiều đến sử, địa chính là do thái độ của xã hội hiện nay. Thử hỏi xã hội hiện nay có trọng dụng những nhân tài về lĩnh vực sử địa hay không? Hay là cầm tấm bằng cử nhân sử địa trên tay sau này không biết phải làm gì, chỉ có nghiên cứu rồi viết sách chờ thời hay làm giáo viên sử địa lương đủ sống?

Đừng đổ lỗi hoàn toàn cho học sinh, vì xét cho cùng chúng tôi cũng chỉ chạy đến những cái đang được ưu tiên trong xã hội để mong có một tương lai tốt đẹp hơn...

Thoại

Thoát học môn sử: mừng quá chừng!

Tôi từng học ban C và tôi thấy môn lịch sử thật sự đã đến đỉnh của thời kỳ suy thoái. Tôi từng rất chán ghét môn lịch sử, đặc biệt vào năm lớp 12. Một quyển tài liệu dày cộm được đưa ra và chúng tôi phải thuộc lòng hết cuốn này khi thi tốt nghiệp. Tại sao trong mỗi sự kiện lại phải thuộc tới mức độ ngày này giờ này làm gì, bắn rơi bao nhiêu máy bay, bao nhiêu quân ta, bao nhiêu quân địch tham gia, bao nhiêu quân chết, bao nhiêu người dân biểu tình... cứ giống như văn tường thuật sự kiện đó vậy.

Thậm chí khi đã thuộc sự kiện mà chưa nhớ rõ ngày giờ, số quân địch bị tiêu diệt vẫn bị xem như chưa học bài kỹ, tại sao lại bắt học sinh trở thành những con vẹt như vậy để rồi sau đó cũng quên hết chẳng đọng lại được gì trong đầu.

Đừng trách chúng tôi mà đây là hệ quả tất yếu của việc dạy và học. Vì vậy, nếu cho rằng hàng ngàn điểm 0 là bình thường thì tôi nghĩ không lâu nữa môn sử sẽ không bao giờ có thể là một môn học có ý nghĩa như chính giá trị của nó.

Luân

Chán ngán điệp khúc "thuộc lòng"

Tôi là một học sinh vừa tốt nghiệp lớp 12. Tuy yêu thích sử nhưng tôi cũng không chọn thi vào ban C, bởi đơn giản vì cách học sử hiện nay quá nhàm chán và đầy những con số trong khi những điều quan trọng khác của lịch sử như lịch sử của địa phương mình, vẻ đẹp của các giá trị văn hóa qua từng thời kỳ... lại ít được nhắc đến.

Cấp III phải học lại từ đầu chương trình sử cấp II. Tôi hỏi cô giáo tại sao thì nhận được câu trả lời rằng để nâng cao, đào sâu thêm kiến thức. Nhưng đào sâu ở đâu khi tuần chỉ có một tiết dạy, kiểm tra chỉ đơn giản là học thuộc đúng bài rồi chép lại lấy điểm.

Tại sao không chia nhỏ chương trình ra cho từng lớp học, ví dụ như lớp 6 chỉ học về thời cổ đại, lớp 7 nghiên cứu về thời Bắc thuộc, lớp 8 về thời Lý... Và trong suốt năm học đó, học sinh có thể tự nghiên cứu, bàn luận theo ý thích (dĩ nhiên là có giáo viên theo dõi): nếu học về bảy kỳ quan thế giới, học sinh có thể tìm hiểu bảy kỳ quan đó từng xuất hiện ở đâu, ra đời như thế nào, rồi tranh luận với các học sinh khác.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng nên xem xét dành một khoảng thời gian cho lịch sử địa phương, vì đó chính là cách hữu hiệu thu hút sự chú ý của học sinh. Đọc đi đọc lại những bài sử trong sách giáo khoa, tôi chẳng có được ấn tượng gì nhiều.

Với cách dạy và học đó, chương trình như vậy thì làm sao học sinh yêu thích lịch sử? Xin đừng lên án học sinh ghét sử, bởi chính cách dạy và chương trình như vậy đã giết chết niềm yêu thích ngay từ đầu. Với cách dạy và chương trình hấp dẫn thì học trò sẽ yêu mến nó thôi.

Phan Hữu Hà

Điểm sử thấp: Do dạy, do học hay do gì?Chương trình môn Sử nặng nề, xã hội thờ ơĐiểm thi môn sử thấp không ngờVốn liếng sử nhà còn lại bao nhiêu?Điểm thi môn sử thấp không ngờ: Lỗi từ cách dạyNên từ bỏ “giấc mơ” thuộc sử như "cháo"Hàng ngàn điểm 0 có bình thường?Chỉ học sinh "cần cù bù thông minh" mới chọn khối C?

Thoại
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên