29/07/2011 17:29 GMT+7

Chỉ học sinh "cần cù bù thông minh" mới chọn khối C?

Nguyễn Thanh Bình (GV Trường THPT chuyên Tiền Giang)
Nguyễn Thanh Bình (GV Trường THPT chuyên Tiền Giang)

TTO - Có phải chỉ có những học sinh yếu kém các môn tự nhiên nên mới xem khối C làm cứu cánh với hi vọng "cần cù bù thông minh"? Có phải tình hình "u ám" của việc dạy và học môn sử xuất phát từ việc người dạy sử và môn sử chưa được coi trọng, thậm chí bị khinh thường?

Chỉ học sinh "cần cù bù thông minh" mới chọn khối C?

TTO - Có phải chỉ có những học sinh yếu kém các môn tự nhiên nên mới xem khối C làm cứu cánh với hi vọng "cần cù bù thông minh"? Có phải tình hình "u ám" của việc dạy và học môn sử xuất phát từ việc người dạy sử và môn sử chưa được coi trọng, thậm chí bị khinh thường?

Đó là những vấn đề được bạn đọc trao đổi sôi nổi. Tuổi Trẻ Online trích đăng.

hvSVTEn1.jpgPhóng to

Thí sinh dự thi ĐH 2011 - Ảnh: Như Hùng

Đừng để con em Việt dốt sử Việt

Việc chọn khối C thường rơi vào những học sinh không năng khiếu các môn tự nhiên nên các em chọn giải pháp "cần cù bù thông minh". Song, mỗi năm chúng ta đều ghi nhận sự sụt giảm về số lượng đăng ký thi khối C.

Điều này cũng có nghĩa các môn khoa học xã hội dần bị xem nhẹ và trong mắt học sinh nó cũng chỉ là môn học thuộc lòng không có tư duy. Hãy xem xét một cách nghiêm túc phương pháp giảng dạy môn lịch sử hiện tại.

Thứ nhất, môn sử là môn học khô khan từ trước đến nay. Học sinh một lần trả bài phải thuộc lòng hàng chục mốc lịch sử không kể cả thời gian xảy ra sự kiện. Việc này làm học sinh bị quá tải bởi lẽ chỉ trong một kỳ thi học kỳ, học sinh đã phải nhớ hàng trăm sự mốc lịch sử chưa kể phải nêu chi tiết bao nhiêu quân, bao nhiêu bị tiêu diệt rồi bị thương. Học lịch sử đơn giản chỉ học thuộc lòng không có sáng tạo. Học xong lớp này rồi qua lớp khác - chữ thầy cứ trả cho thầy.

Thứ hai, việc giảng dạy vẫn còn tồn tại việc đọc - chép. Học sinh chưa được dạy ghi chú thay vì ghi chép bài dạy. Đơn giản là vì giáo viên chưa có thói quen xem ghi chú của học sinh. Nhìn một quyển vở ghi chép đầy đủ thì lúc nào cũng đẹp hơn một quyển ghi chú. Ngoài ra, giáo viên hiện tại vẫn đóng vai trò là "diễn viên" trên bục giảng. Học sinh chỉ việc lắng nghe giáo viên giảng dạy mà không được thuyết trình. Nếu để học sinh tự tìm hiểu, tự đọc rồi rút ra ý chính thì hay hơn nhiều.

Thứ ba, tư liệu giảng dạy cực kỳ khan hiếm. Trên thế giới có nhiều quốc gia đầu tư làm phim tài liệu phục vụ việc giảng dạy môn lịch sử. Cứ lên Internet mà tìm kiếm về một sự kiện lịch sử thế giới chúng ta cũng dễ dàng tìm thấy. Trong khi tìm kiếm lịch sử Việt Nam thì như "mò kim đáy bể". Có chăng cũng chỉ tìm thấy được vài đoạn về lịch sử hiện đại từ sau năm 1945 chứ không tìm thấy được tài liệu chính thống bằng tiếng Việt về lịch sử các vị vua triều đại.

Muốn cho học sinh nhớ được lịch sử phải cho các em xem phim. Ví dụ khi nói về cuộc đời Bác Hồ, giáo viên cho học sinh xem phim tư liệu và điều này giúp các em nhớ lâu hơn thay vì phải thuộc lòng con chữ trong sách vở.

Cũng cần nói thêm, phim lịch sử có tác động rất lớn đối với người xem. Phim Trung Quốc là một minh chứng. Có người cho là học sinh bây giờ biết lịch sử Trung Quốc nhiều hơn lịch sử Viêt Nam. Trong thực tế, việc làm phim lịch sử ở Việt Nam cũng gian nan lận đận.

Các nhà giáo dục cũng cần xem xét lại bài thi dành cho học sinh. Mục đích của bài thi lịch sử là gì? Học sinh sau khi học xong lịch sử thì họ có được gì? Nên chăng chúng ta nên kiểm tra khả năng "biết" lịch sử hơn là khả năng "cảm nhận" lịch sử, bởi muốn cảm nhận, đánh giá lịch sử thì trước hết học sinh phải "biết", phải "hiểu".

Nói tóm lại muốn học sinh nhớ lịch sử thì học sinh phải được truyền đạt "hình ảnh" về lịch sử chứ không phải "là con chữ" để rồi học thuộc lòng, quên một chữ là quên hết cả bài.

Bác Hồ từng dạy: "Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Xin đừng để con em chúng ta dốt lịch sử Việt Nam.

Nguyễn Thanh Bình (GV Trường THPT chuyên Tiền Giang)

Không thể nghiên cứu, giảng dạy sử nếu dạ dày lép kẹp

Không phải chỉ môn sử mà cả những môn xã hội nói chung trong những năm gần đây thường có chất lượng thi thấp. Là người đi dạy, tôi thấy chẳng có gì khó hiểu.

Thứ nhất, điểm thấp là vì đa số các thí sinh dự thi khối C, trừ một phần rất ít có khả năng, còn lại đều học yếu.

Những học sinh khác học khá giỏi đã thi các khối A hoặc B rồi (để sau này có thu thập). Thi khối C, chủ yếu để vào đại học sư phạm, khi ra trường không sống nổi, nên chỉ có những học sinh quá yếu, không biết thi trường nào mới nhắm mắt thi đại thế thôi.

Thứ hai, như một hệ quả tất yếu: không thể nghiên cứu, giảng dạy sử nếu dạ dày lép kẹp.

Với đồng lương "chết đói" hiện nay, ai mà yên tâm giảng dạy cho được? Nói như thế để thấy rằng trước hết kết quả thi vừa qua không phản ánh toàn diện chất lượng giảng dạy môn sử (vì phần đông học sinh khá giỏi đã không chọn thi); thứ nữa, nếu Nhà nước và Bộ Giáo dục - đào tạo không có cơ chế tiền lương phù hợp thì đừng mong thay đổi điều này.

Tôi là người đi dạy, thiếu 2 tháng nữa là đúng 10 năm. Là một thạc sĩ, lương của tôi hiện nay vẫn nằm trong diện trợ cấp đột xuất (250.000 trong quý 2). Nhìn tới nhìn lui, với ai chứ tôi, tôi không nghĩ tôi sẽ làm tốt cái việc "quốc sách hàng đầu".

Nếu không thay đổi, chỉ cần chưa đầy 10 năm sau, các bộ môn xã hội sẽ đứt gốc, sẽ không có thế hệ thầy giáo có tài kế tục. Có ai thấy điều này không?

Lê Thê

Tôi từng khóc khi học sinh xem thường môn sử

Tôi là giáo viên dạy sử. Khi viết những dòng chữ này, tôi rơi nước mắt. Có ai hiểu nỗi lòng của người dạy sử? Tôi đã khóc ít nhất 5 lần trước mặt học sinh chỉ vì các em làm bài điểm thấp môn sử và thái độ xem thường môn sử của các em.

Song, vì yêu sử nên tôi vẫn còn luôn tìm tòi cách dạy để học sinh dễ hiểu, yêu thích môn sử. Nhưng liệu lòng nhiệt tình này sẽ duy trì được bao lâu trong dòng xoáy cuộc đời ngày nay? Thôi thì cố gắng được ngày nào hay ngày đó...

Võ Hồng Phương

Bằng đại học ngành sử chỉ làm bức bình phong?

Người học sử không được xã hội trân trọng, tôi dám khẳng định điều này vì bản thân tôi là một trải nghiệm. Tốt nghiệp chuyên ngành lịch sử Đảng của một trường đại học, khi ra trường với tấm bằng khá, đảng viên.

Khi mang hồ sơ đi xin việc, các trường chính trị tỉnh không tuyển, các trường đại học không có nhu cầu. Nộp hồ sơ làm tay ngang, học lại từ đầu tất cả mọi thứ, bằng đại học ngành sử chỉ để làm bức bình phong.

Các bạn bè tôi cũng rất khó xin việc vì người ta không có thiện cảm với người học sử.

Lỗ Thanh Loan

Khinh thường người học sử

Tôi học sư phạm lịch sử chính quy ra trường đã 4 năm mà không xin được việc. Ngay cả xin dạy hợp đồng cũng bị loại. Hồi ấy tôi thi đầu vào lấy đến 20 điểm. Một đời tâm huyết với lịch sử coi như bị phế thải, dù tôi học khối A không tệ.

Quê tôi bây giờ nghe chuyện học lịch sử là họ khinh thường. Tôi buồn lắm nhưng chẳng biết làm sao. Muốn đem tâm huyết của mình để phục vụ nhưng đành bất lực. Tôi muốn dạy lịch sử dù là không lương, nhưng làm thế nào đây?

Nguyễn Xuân Nguyễn

Điểm sử thấp: Do dạy, do học hay do gì?Chương trình môn sử nặng nề, xã hội thờ ơĐiểm thi môn sử thấp không ngờVốn liếng sử nhà còn lại bao nhiêu?Điểm thi môn sử thấp không ngờ: Lỗi từ cách dạy

Nguyễn Thanh Bình (GV Trường THPT chuyên Tiền Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên