Kinh nghiệm học tập, nghiên cứu toán học; những khó khăn khi nghiên cứu và cách vượt qua; những trăn trở về nền toán học nước nhà là những nội dung chính được chia sẻ, trao đổi tại buổi giao lưu.
Phóng to |
GS Ngô Bảo Châu trong vòng vây của các bạn sinh viên - Ảnh: MINH ĐỨC |
Hội trường nhà điều hành kín mít, không còn chỗ trống, rất nhiều bạn phải đứng. Hàng ngàn học sinh, sinh viên đã đến từ rất sớm để được tận mắt thấy người đã làm rạng danh nền toán học Việt Nam.
Nguyễn Hữu Quang - sinh viên ngành toán Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) - cho biết dù học ở quận 5 nhưng vẫn đi xe buýt xuống ĐHQG để tham gia buổi giao lưu. Mục đích của Quang là ngoài việc được nhìn tận mắt GS Châu ngoài đời, còn là trao đổi để biết kinh nghiệm nghiên cứu, kinh nghiệm để có được thành công của người thầy, người anh đi trước. “Sinh viên ngành toán cũng nghiên cứu khoa học rất nhiều nhưng để có được những công trình danh tiếng thì chưa. Rõ ràng người Việt mình không kém về toán, nếu có sự chia sẻ, động viên biết đâu sẽ có một công trình nghiên cứu tầm cỡ thế giới” - Quang nói thêm.
Ước mơ - chìa khóa thành công
“Tôi rất băn khoăn khi nhận lời nói chuyện với các bạn vì tôi sẽ nói nhiều về toán. Tôi biết ít người đam mê môn học này nên khi nói quá nhiều về nó, tôi sợ sẽ nhàm chán. Riêng với tôi, toán học là một thế giới diệu kỳ” - GS Châu mở đầu buổi nói chuyện bằng lời bộc bạch như thế. GS Châu cũng nói những quan điểm triết học về tri thức đã sinh ra và mất đi như thế nào, được lưu lại và truyền đi ra sao để nhấn mạnh sự vô hạn của tri thức trong cuộc sống hiện đại.
GS Ngô Bảo Châu cho biết Quỹ trí tuệ VN có chính sách hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học thông qua cuộc thi sáng tạo khoa học. Sinh viên năm 2, 3, 4 và nghiên cứu sinh có thể gửi đề án tham gia. Những đề án xuất sắc sẽ được chọn để cấp kinh phí thực hiện. Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán sẽ là nơi để giới học thuật có thể đến làm việc, nghiên cứu. |
Bạn Nguyễn Việt Dũng, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM), đặt câu hỏi: “Đối với GS, ước mơ lớn nhất là gì, đã đạt được chưa và GS làm thế nào để đạt được ước mơ đó?”.
Trầm tư một lúc, GS Châu chia sẻ: “Khi còn trẻ ai cũng có rất nhiều ước mơ, hoài bão. Khi chúng ta lớn hơn, ước mơ được đặt lên bàn cân với hiện thực cuộc sống. Khi nghiên cứu, tôi ước mơ mình có thể nghiên cứu thành công bổ đề cơ bản. Không có ước mơ và phấn đấu hết mình thì rất khó để làm việc gì thành công. Còn bây giờ ước mơ của tôi là tiếp tục nghiên cứu và giảng dạy môn toán. Trong cuộc sống tôi mong sao hoàn thiện mình thành con người tử tế”.
Tiếp nối câu hỏi về sự thành công, một sinh viên khoa y (ĐHQG TP.HCM) băn khoăn: “Khi nghiên cứu, khó khăn lớn nhất của GS là gì và làm thế nào để vượt qua?”.
GS Châu mỉm cười cho biết đây là một câu hỏi khó: “Trong cuộc sống và nghiên cứu khoa học có rất nhiều khó khăn mà chúng ta phải đối mặt, nhiều lúc tưởng chừng không vượt qua nổi. Thời gian làm luận án tiến sĩ ở Pháp kéo dài từ 3-4 năm. Tôi làm đến ba năm rưỡi rồi vẫn chưa có kết quả, tưởng mình không thể hoàn thành, không vượt qua nổi. Lúc đó có các giáo sư động viên, hỗ trợ và tôi bắt đầu có ý tưởng về bổ đề cơ bản. Đó cũng là khởi thủy của công trình nghiên cứu dẫn đến thành công sau này”.
“Có những lúc tôi muốn bỏ cuộc nhưng môi trường làm việc ở nước ngoài rất tốt. Lúc khó khăn, đồng nghiệp luôn ở bên cạnh để động viên giúp đỡ. Thậm chí khi đề nghị gặp một GS của ĐH Chicago - người đã bỏ ra 20 năm để nghiên cứu bổ đề cơ bản - có thể bị GS từ chối vì cạnh tranh đề tài nghiên cứu nhưng GS vẫn vui vẻ nhận lời. Hãy ước mơ và mạnh dạn, phấn đấu hết mình vì ước mơ đó” - GS Ngô Bảo Châu nhấn mạnh.
Cần có đam mê
Bùi Lê Vũ - cán bộ trẻ của ĐHQG TP.HCM - nêu vấn đề: “Hiện nay chúng ta có các lớp chuyên toán ở bậc THPT nhưng hầu như rất ít người tiếp tục học và nghiên cứu về môn này ở các bậc cao hơn. Làm thế nào để các bạn đam mê và tiếp tục theo đuổi môn khoa học này?”.
GS Châu chia sẻ: “Đây không chỉ là vấn đề ở VN mà hầu như các nước phát triển đều gặp phải. Hiện nay các bạn trẻ quan tâm đến lĩnh vực công nghệ, kinh tế nhiều hơn là toán học và các ngành khoa học cơ bản. Một số bạn có đam mê thật sự vẫn theo đuổi môn học này nhưng không nhiều. Đáng tiếc nhất là một số bạn có đam mê nhưng phải học ngành khác vì lý do kinh tế hay nhiều lý do khác. Tuy nhiên theo học toán cần phải có đam mê thật sự, nếu khiên cưỡng sẽ rất khó thành công”.
Một học sinh lớp 11 chuyên toán Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho biết mình học chuyên toán và mong muốn khám phá nhiều điều mới mẻ về môn học này. Nhưng làm sao để học tốt, đào sâu những vấn đề đã học?
GS Châu tâm sự: “Đây là câu hỏi thú vị. Lúc học xong phổ thông và qua Pháp học, thời gian đầu tôi gặp rất nhiều khó khăn. Ở VN đào tạo theo hướng làm sao phải giải bài tập thật nhanh và chính xác. Nhưng khi tôi sang Pháp lại không như vậy. Bên cạnh đào tạo kỹ năng làm bài tập nhanh, giải bài khó, giáo viên còn tạo ra môi trường giúp học sinh cảm nhận được cái đẹp của môn học và từ đó yêu thích, theo đuổi”.
------------------------------------
GS Ngô Bảo Châu: Thiếu đội ngũ nhà khoa học kế cậnHai người Việt nhận giải "Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu 2011"Trao bằng tiến sĩ danh dự cho GS Ngô Bảo ChâuNgô Bảo Châu làm Giám đốc Viện Nghiên cứu cao cấp về toánGS Ngô Bảo Châu giao lưu với SV, HS TP.HCM
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận