11/03/2011 07:30 GMT+7

GS Ngô Bảo Châu: Thiếu đội ngũ nhà khoa học kế cận

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TT - Chiều 10-3, GS Ngô Bảo Châu và đoàn đại biểu Đại học (ĐH) Chicago (Mỹ) - nơi GS Châu đang giảng dạy - đã có buổi gặp gỡ và làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM và các nhà khoa học của TP.

Read this on Tuoitrenews.vn

vn5O6uzF.jpgPhóng to
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân (phải) trao kỷ niệm chương cho GS Ngô Bảo Châu - Ảnh: MINH ĐỨC

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của GS Ngô Bảo Châu chiều 10-3 tại TP.HCM, UBND TP tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Tăng cường hợp tác trong nghiên cứu khoa học và đào tạo”.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, đại diện một số trường thành viên ĐHQG TP.HCM và Hà Nội. Hai ĐHQG cho biết sẽ liên kết chặt chẽ để nghiên cứu, đào tạo hai chương trình thế mạnh mà ĐHQG Hà Nội đã ký ghi nhớ với ĐH Chicago.

Tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân bày tỏ mong muốn ĐH Chicago và GS Châu sẽ hợp tác với các trường ĐH trên địa bàn TP.HCM.

GS Robert Zimmer - hiệu trưởng ĐH Chicago - cũng mong muốn được cùng GS Châu đào tạo toán học tại VN và cùng những nhà toán học VN đào tạo những nhà khoa học về toán trong tương lai. Trong khi đó GS Ngô Bảo Châu cho biết việc thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về toán là một sự kiện lịch sử của toán học VN. Viện sẽ hợp tác chặt chẽ với ĐHQG TP.HCM để đưa giảng viên, nhà khoa học ra viện làm việc, nghiên cứu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Ngô Bảo Châu nói:

- Với cương vị mới, tôi sẽ cố gắng đảm bảo hoạt động khoa học của viện đúng tinh thần và mục đích ban đầu của viện. Viện mới được thành lập và dự kiến bắt đầu hoạt động từ hè năm nay. Chắc chắn sẽ có nhiều thách thức.

Mặc dù Chính phủ ủng hộ mạnh mẽ việc thành lập viện nhưng cơ chế chính sách chưa hề dễ dàng. Việc trả lương không đòi hỏi phải như nước ngoài nhưng cần phải đảm bảo mức trung bình chung của xã hội. Hơn nữa, viện làm việc theo nguyên tắc không có ai làm việc vĩnh viễn. Mỗi người sẽ đến viện làm việc từ 6-12 tháng theo chương trình nghiên cứu, do đó làm sao để họ có thể làm việc được ngay và có kết quả.

* GS đánh giá thế nào về ngành toán học ở Việt Nam?

- Không chỉ toán học, dường như tất cả các ngành khoa học ở VN đều có những vấn đề rất lớn. Trong đó vấn đề lỗ hổng thế hệ là nghiêm trọng nhất. Những nhà khoa học thành danh, khẳng định được mình ở môi trường quốc tế hầu hết đã đến tuổi nghỉ hưu, trong khi đội ngũ nhà khoa học trẻ kế cận lại chưa có.

* Vậy theo GS, làm sao để có thể thu hút những nhà khoa học, nhân tài quay về cống hiến cho đất nước?

- Vấn đề ở đây là cơ chế. Cần phải tôn trọng và tạo điều kiện cho người ta làm việc. Làm sao để nhà khoa học trẻ trở về, họ cảm thấy đây là chân trời để nghiên cứu, có khả năng hợp tác khoa học và có điều kiện làm việc.

Viện sẽ cố gắng thu hút các nhà khoa học nước ngoài về viện. Nếu thấy hợp tác tốt, họ có thể ở lại viện làm việc một thời gian. Nếu trường ĐH nào của VN thật sự muốn họ làm việc và tạo điều kiện cho họ làm việc thì rất có thể họ sẽ nhận lời. Do đó, giải quyết vấn đề này không chỉ là việc của viện mà còn phụ thuộc vào các trường ĐH.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên